Đăk Hà vững bước

11/02/2023 07:44

Phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước và sự nỗ lực trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đăk Hà được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2009). Tiếp nối truyền thống anh hùng, thời gian qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đăk Hà tiếp tục nỗ lực tạo ra sự phát triển mới.

Là người con ở huyện Đăk Hà, từng là du kích kiên cường năm xưa, đồng chí Y Vêng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ - ngụy trước đây, người dân xã Đăk Ui cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn huyện một lòng với cách mạng, không quản ngại hy sinh gian khổ, kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, từng làm cho kẻ thù phải bạt vía kinh hồn. Phát huy những phẩm chất tốt đẹp trong chiến tranh, sau ngày đất nước được thống nhất, nhiều người con ở huyện chịu khó học tập, lao động, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của địa phương và của tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà. Ảnh:VN

 

Để tri ân nghĩa tình người dân xã Đăk Ui nói riêng và huyện Đăk Hà nói chung, tháng 12/1975, Thượng tướng Chu Huy Mân- Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu V điều các đoàn quân xây dựng đập Đăk Uy, khai phá rừng núi dưới chân đập thành các đồng ruộng, đồi mì, các nông trường cà phê, trại chăn nuôi. Ôn lại những ngày tháng sôi động và khí thế hào hùng của lớp người một thời “mở đất”, ông Hoàng Trung Quý- nguyên trợ lý Ban Chính trị Trung đoàn 734 (Đoàn 331), nguyên Giám đốc Công ty Cà phê Đăk Uy từng nhớ lại: Cao điểm, đập Đăk Uy có hàng vạn bộ đội cùng với trung đoàn cơ giới với 10 máy cạp Mỹ, 8 máy cạp Nhật, nhiều loại máy ủi, máy tự đầm, xe trộn bê tông tự hành, xe tải được đưa vào thi công. Lực lượng kỹ sư thủy lợi, xây dựng, kiến trúc sư từ đoàn quân được huy động chỉ đạo, giám sát thi công tại hiện trường. Bằng ý chí và nghị lực của anh Bộ đội cụ Hồ, ngày 19/5/1977 đúng dịp sinh nhật Bác Hồ, công trình thủy lợi Đăk Uy có dung tích hồ chứa 26,2 triệu m3 nước, diện tích mặt hồ ứng với mực nước dâng bình thường là 247ha, tưới cho khoảng 2.500ha cây trồng được hoàn thành. 

Từ một vùng đất bị bom đạn cày xới, phá nát khi nào, Đoàn 331 tiếp tục đẩy mạnh khai hoang làm ruộng nước, trồng mì, cà phê, nuôi cá mở ra một vùng đất trù phú bát ngát màu xanh của sự no ấm. Đặc biệt, sự phát triển của huyện Đăk Hà nhanh, mạnh nhất kể từ khi thành lập huyện vào ngày 24/3/1994 theo Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ một số xã của thị xã Kon Tum và của huyện Đăk Tô. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, quân và dân trên địa bàn huyện phát huy tiềm năng đất đai, đẩy mạnh ứng dụng khoa  học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển mạnh các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc theo hình thức trang trại; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản tạo bước phát triển vượt bậc. Trong dịp kỷ kỷ niệm 15 năm thành lập huyện, năm 2009, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đăk Hà vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. 

Trao truyền lớp trẻ tiếp nối cồng chiêng ở xã Đăk Pxi. Ảnh: V.N

 

Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, trong những năm qua, cán bộ và nhân dân huyện tiếp tạo được những dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Hà Tiến- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, năm 2022, tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành là 6.451 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 49,62 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,96%. Tính đến nay, huyện phát triển 12.430ha cà phê, 7.779,6ha cao su, 86,8ha tiêu, 1.961,9ha cây ăn quả và 363,3ha dược liệu; đã hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô 1.939ha.

Trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khâu của quy trình sản xuất như tự động hoá, cơ giới hoá, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, lựa chọn giống cây, con có năng suất chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra sự đồng đều về chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản. Trong việc xây dựng cánh đồng lớn, huyện hình thành và phát triển được 8 cánh đồng cà phê, 2 cánh đồng cao su, 9 cánh đồng lúa, 1 cánh đồng trồng rau, hoa.

Chăn nuôi đang có xu hướng chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức tập trung, liên kết và ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn có 2 trang trại quy mô lớn (1 trang trại chăn nuôi heo thịt ứng dụng công nghệ cao tại thôn 5 - xã Ngọk Wang với quy mô 2.600 con, 1 trang trại chăn nuôi gà có quy mô 36.000 con), 3 trang trại chăn nuôi heo quy mô vừa. Về nuôi trồng thủy sản, diện tích mặt nước nuôi trồng 316 ha, sản lượng 4.500 tấn thủy sản/năm.

Ở khâu chế biến, hiện nay, toàn huyện có nhiều cơ sở chế biến cà phê thành phẩm, với nhiều sản phẩm  được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn, tin dùng. Về thực hiện Chương trình Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn huyện có 21 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP (trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao, có 14 sản phẩm đạt 3 sao)

Hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến. Công tác cải cách hành chính ngày càng đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng người dân. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay, huyện có 5 xã đạt nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao là xã Hà Mòn và xã Đăk Mar. Giáo dục, y tế có những chuyển biến tích cực. Đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Phát huy những thành quả đạt được, nỗ lực thực hiện khát vọng, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Đăk Hà sẽ vững bước xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển mạnh và bền vững.         

Văn Nhiên

Chuyên mục khác