14/01/2019 13:09
Chúng tôi vừa có chuyến đi cùng đoàn công tác Sở Y tế đến kiểm tra việc thực hiện mô hình Cộng đồng tự quản về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích hướng tới xây dựng Làng sức khỏe tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà).
Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đăk La cho biết: Qua 2 năm triển khai thực hiện mô hình (2017-2018), toàn xã đã có 100% thôn triển khai xây dựng, trong đó các hoạt động thông tin, truyền thông về bảo vệ môi trường, phòng chống tai nạn thương tích được thực hiện thường xuyên. Nhờ đó, người dân đã có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, xây bể chứa nước, nhà tắm, công trình vệ sinh của các hộ gia đình hợp lý, nước thải và rác thải được xử lý đảm bảo đúng quy định. Kết quả, đến nay, toàn xã đã có 6/11 thôn đạt 4 tiêu chí của mô hình, đạt 54,5% kế hoạch đề ra.
Chia sẻ với chúng tôi về việc triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà cho biết, để tăng cường công tác chỉ đạo, bảo đảm mô hình được triển khai đồng bộ từ huyện đến xã và đến tất cả các thôn trong huyện, ngành Y tế huyện đã tập trung tham mưu UBND huyện kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện, đồng thời tổ chức họp định kỳ để thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn được tốt hơn.
|
Trên cơ sở đó, 100% số trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập được 105 tổ tự quản tại 105 thôn trong huyện, trong đó có 506 nhóm hộ gia đình tự quản về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích.
Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế huyện thảo luận, đề ra các biện pháp, các hoạt động cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Cụ thể, toàn huyện đã tổ chức 2 hội nghị cấp huyện và 22 hội nghị cấp xã để triển khai thực hiện mô hình, đồng thời thực hiện 5 đợt giám sát và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến xã...
Bên cạnh đó, các nhóm hộ tự quản tổ chức thăm lẫn nhau để đánh giá sự thay đổi của các hộ trong nhóm được 2.541 lần với 41.783 người tham gia; các tổ tự quản thôn đã tổ chức thăm hộ gia đình để tuyên truyền về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích được 2.261 lần với 21.607 người tham gia; họp thôn định kỳ 1.764 lần với 87.574 người tham gia; tổ chức Chiến dịch Vệ sinh môi trường tại các thôn được 2.082 đợt với 96.285 người tham gia; kiểm tra giám sát về vệ sinh được 1.292 lần với 6.684 người tham gia và thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa không dây về các nội dung thực hiện mô hình tại địa phương đầy đủ.
Kết quả, sau 2 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay, toàn huyện đã có 56/105 thôn đạt 4 tiêu chí của mô hình đề ra, đạt 53,3% kế hoạch. “Nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề nhận thức của người dân về vệ sinh phòng bệnh, phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng đã được nâng cao; tình hình dịch bệnh trên địa bàn tương đối ổn định, không có dịch lớn xảy ra; số mắc các bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ năm trước” - ông Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, trong thời gian tới, ngành Y tế huyện Đăk Hà tiếp tục tăng cường tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để chỉ đạo và huy động sự tham gia thực hiện mô hình của toàn cộng đồng. Đặc biệt, ngành Y tế huyện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân, trong đó tập trung vào các nội dung về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích tại gia đình và cộng đồng; xây dựng và duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế huyện với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn cùng huy động cộng đồng tham gia thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu mà mô hình đã đề ra; tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời những người dân, nhóm hộ, tổ tự quản có thành tích xuất sắc.
Bài và ảnh: Vĩnh Hà