18/08/2020 13:05
Cứ đều đặn hàng tuần, anh U Puch và 28 học viên của làng Kon Rơ Ngâu (thôn 7A, xã Đăk Ui) đều dành 3 ngày tập trung tại nhà rông của làng để tham dự lớp học nghề vận hành máy kéo nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTT) huyện Đăk Hà tổ chức.
Anh U Puch cho biết, tham gia lớp học, ngoài việc được hỗ trợ tiền ăn, đi lại là 30.000 đồng/ngày và được cấp chứng chỉ nghề sau khi hoàn thành thời gian học, điều quan trọng nhất là anh và mọi người còn biết được kiến thức về cấu tạo của máy kéo nông nghiệp, những lỗi hay mắc phải trong quá trình vận hành và cách sửa chữa, thay thế phụ tùng khi máy bị hư hỏng, từ đó sử dụng máy một cách hiệu quả nhất để phục vụ sản xuất.
Tương tự như anh U Puch, 26 học viên của làng Long Loi (thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà) đang tham gia lớp học chăm sóc cà phê vối do Trung tâm GDNN - GDTT huyện Đăk Hà tổ chức cũng được tạo điều kiện học tập trong môi trường thuận lợi, được hỗ trợ tiền ăn, đi lại là 30.000 đồng/ngày và được cấp chứng chỉ nghề sau khi hoàn thành thời gian học.
Chị Y Trang, học viên của lớp học chăm sóc cà phê vối cho hay, chị và mọi người đi học rất thuận tiện vì việc học lý thuyết và thực hành được tổ chức ngay tại những vườn cà phê trong làng.
|
“Cả lớp ai cũng vui vì ngoài việc nắm được những kỹ thuật cơ bản để chăm sóc cà phê vối như: cắt, tỉa cành; bón phân; phòng, ngừa và trị sâu, bệnh hại, mọi người còn biết được hiện nay vườn cà phê của gia đình mình đang thực hiện chưa đúng kỹ thuật nào, qua đó tiến hành khắc phục để nâng cao năng suất cho vườn cây”, chị Trang nói.
Bên cạnh tổ chức lớp đào tạo nghề vận hành máy kéo nông nghiệp và lớp đào tạo nghề chăm sóc cà phê vối cho 55 lao động nông thôn ở xã Đăk Ui và thị trấn Đăk Hà, trong năm 2020, Trung tâm GDNN - GDTT huyện Đăk Hà còn tổ chức 11 lớp đào tạo nghề khác (nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò; trồng và chăm sóc chanh dây; nuôi heo rừng…) cho 324 lao động nông thôn ở các xã khác trên địa bàn huyện.
Để công tác đào tạo nghề được hiệu quả, bên cạnh việc tổ chức các lớp học tại các thôn (làng), Trung tâm GDNN - GDTT huyện Đăk Hà còn xây dựng một số mô hình điểm để phục vụ công tác giảng dạy như: Mô hình chăn nuôi heo sọc dưa, mô hình nuôi gà, mô hình trồng nấm. Bên cạnh đó, Trung tâm quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên thông qua các hoạt động như tổ chức các buổi dự giờ, tổ chức đi tham quan xưởng sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn, đi học tập kinh nghiệm tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (tỉnh Đăk Lăk).
|
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với hơn 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đầu tư trong giai đoạn 2010-2020, Trung tâm GDNN - GDTT huyện Đăk Hà chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện cùng UBND các xã, thị trấn tổ chức đào tạo 2 nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 5.879 lao động nông thôn (đạt 117,5% kế hoạch); giúp trên 5.000 lao động có việc làm sau khi được đào tạo, 666 hộ dân có lao động tham gia học nghề thoát nghèo, 272 hộ dân có lao động tham gia học nghề có thu nhập khá.
Ông Nguyễn Hoài Vũ – Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà cho hay, trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và kịp thời khắc phục những khó khăn, tồn tại; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý dạy nghề theo chuẩn trình độ quốc gia; đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở đào tạo nghề; ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đức Thành