Đăk Hà phát triển các nghề truyền thống của đồng bào DTTS

15/12/2022 06:13

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đăk Hà có 3.662 người tham gia làm các nghề truyền thống của đồng bào DTTS chỗ. Những năm qua, huyện Đăk Hà luôn quan tâm giữ gìn, phát triển nghề truyền thống. Qua đó, vừa góp phần tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống và giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 

Ông A Pơr (dân tộc Xơ Đăng, 63 tuổi, thôn Kon Hơ Drế, xã Ngọc Réo) biết nghề đan lát từ hồi còn thanh niên, làm những vật dụng để sử dụng trong gia đình như gùi, thúng, nia, rổ, lợp, nôm... và giữ nghề đến bây giờ.

Ông A Pơr chia sẻ, những năm gần đây, có khách đặt hàng làm quà lưu niệm (gùi), ông làm nghề thường xuyên hơn, vào những lúc nông nhàn. Một chiếc gùi nhỏ đan 3 ngày mới xong, còn gùi lớn làm mất hơn 1 tháng. Tuỳ theo kích thước lớn nhỏ, hoa văn, mỗi chiếc gùi có mức giá từ 200 nghìn đến 1-2 triệu đồng.

Ông A Pơr làm các sản phẩm lưu niệm. Ảnh: QĐ

 

Ở cùng thôn với ông A Pơr, ông A Bút (65 tuổi)- là bộ đội phục viên, không những biết nghề đan lát mà còn biết nghề rèn. Các loại dao, rựa, dụng cụ sản xuất ông tự rèn. Nguyên liệu lấy từ mảnh bom còn sót lại từ thời chiến tranh hay cái nhíp xe của Mỹ. Vật liệu này rất chắc, được làm bằng thép không gỉ nên khi rèn các loại công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình rất sắc bén, bền lâu.

Bà Phạm Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Thực hiện Chương trình số 47-CTr/HU ngày 19/4/2022 của Huyện Đăk Hà (khóa VI), UBND huyện Đăk Hà đã ban hành Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 3/10/2022 triển khai thực hiện với mục tiêu phát triển nghề truyền thống gắn với sinh kế, tạo việc làm, phát triển các loại hình du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Huyện Đăk Hà sẽ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2022-2025 để hỗ trợ kinh phí phát triển các nghề truyền thống trên địa bàn và dự kiến bố trí khoảng 2,875 tỷ đồng cho các nội dung công việc. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng từ 10 tổ hợp tác liên kết trở lên để sản xuất 5 sản phẩm có khả năng phát triển như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn - trong đó, nghề dệt thổ cẩm tại xã Đăk La; Đăk Ui, Ngọc Wang (đan lát); xã Đăk Long, Đăk Pxi (chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống); xã Đăk Long, Ngọk Réo, Đăk Ngọk (làm rượu cần); Ngọk Réo (rèn).

Ông A Bút vừa biết nghề đan lát, vừa biết nghề rèn truyền thống. Ảnh: QĐ

 

Bên cạnh đó, UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương cơ sở trên địa bàn lựa chọn các sản phẩm truyền thống có tính thẩm mỹ cao đưa vào các danh mục làm quà lưu niệm phục vụ các hoạt động quảng bá du lịch, lễ hội, tuần lễ văn hoá, hội nghị, hội thảo; hỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, ký gửi và bán sản phẩm nghề truyền thống; lồng ghép trưng bày 4 sản phẩm chính (dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống) để phát huy giá trị vào gian hàng OCOP tại điểm trưng bày.

Đồng thời, gắn với quy hoạch ngành nông nghiệp, xây dựng vùng trồng nguyên liệu phục vụ sản xuất nghề truyền thống phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ rừng nguyên sinh tại địa bàn các xã Đăk Ui, Đăk Pxi, Ngọk Wang, Ngọk Réo; tận dụng khai thác các nguyên vật liệu tự nhiên, các lâm sản phụ đảm bảo theo quy định để phục vụ sản xuất, phát triển nghề đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống.

Huyện Đăk Hà quan tâm đầu tư thiết bị, cải tiến công cụ sản xuất nhằm phát huy 4 sản phẩm chính để thu hút sự lựa chọn của du khách, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm có tìm năng phát triển như đan lát, rượu ghè, dệt thổ cẩm nhằm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này; tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống tham gia trưng bày, bán sản phẩm tại các Hội chợ thương mại tại huyện, trong và ngoài tỉnh. Triển khai đầy đủ cơ chế, chính sách trọng dụng và phát triển nhân tài, nghệ nhân giỏi tay nghề, có khả năng biết truyền dạy nghề. Mở các lớp truyền dạy nghề tại các thôn, khu dân cư cho thế hệ kế cận, người trẻ tuổi có năng khiếu, đối tượng nòng cốt trong hộ gia đình, người chưa biết làm nghề có nguyện vọng, đam mê học nghề nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống tại địa phương...  

Quang Định

Chuyên mục khác