Đăk Hà: Phát sinh nhiều hộ nghèo mới

27/12/2017 18:08

​Đầu tháng 12, huyện Đăk Hà đã triển khai công tác điều tra và rà soát hộ nghèo theo phương pháp đa chiều và kết quả giảm 612 hộ nghèo, đạt 3,51% - so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 vượt 0,23%. Tuy nhiên, qua công tác rà soát, các đơn vị chức năng huyện phát hiện hộ nghèo mới khá nhiều - 319 hộ.

Theo UBND huyện Đăk Hà, trong năm 2017, trên địa bàn phát sinh hộ nghèo mới là 319 hộ. Nguyên nhân là do gia đình đông nhân khẩu, nhưng thiếu ý thức kế hoạch hóa gia đình đã sinh thêm con mới làm tăng gánh nặng chi tiêu, giảm thu nhập; có hộ báo cáo thiếu đất sản xuất, mất mùa do hạn hán; hoặc chủ hộ là lao động chính nhưng bất ngờ bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo; chủ hộ thuộc diện già yếu, hết tuổi lao động; thiếu phương tiện sản xuất và tách hộ mới khi lập gia đình, lười lao động…

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra kết quả rà soát công tác giảm nghèo ở Đăk Hà do đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế ở một vài thôn, làng trên địa bàn xã Đăk Ui - nơi có số hộ nghèo phát sinh mới cao nhất 75 hộ.

Lãnh đạo UBND tỉnh đi cơ sở kiểm tra, thăm nhà hộ nghèo phát sinh năm 2017 ở xã Đăk Ui. Ảnh: M.T

 

Cụ thể, đoàn công tác đã đi thực tế thôn 7B. Đến gia đình ông A Khót - hộ nghèo phát sinh mới (năm 2017) có tổng số 11 người con. Ông Khót cho biết, bản thân đã ở tuổi 70. Trước năm 2016, nhà ông có 6 con trai, con gái lập gia đình ra ở riêng và đến nay đã sinh được tổng số 30 người con. Năm 2017, tiếp tục 3/5 người con còn lại cũng lấy vợ chồng, tách hộ khẩu đi nơi khác. Vốn dĩ, vợ chồng ông sức khỏe yếu, không thể chăm sóc 2 sào đất trồng lúa phải nhờ các con lớn về giúp đỡ.

Không may giữa năm 2017, căn nhà xiêu vẹo, dột nát từ khi lập nghiệp đến nay của ông Khót cũng bị đổ sụp sau cơn bão số 12. Hiện tại, 5 nhân khẩu (nuôi thêm 1 người cháu) phải sống cảnh nhà tạm bợ chỉ còn mái ngói và tứ phía trống hoác, không có cửa nẻo. “Đêm xuống, các con ông lấy chiếu, tấm bạt che chắn quanh 2 chiếc giường gỗ để ngủ, ban ngày chúng lấy chiếu cuộn lắp lại mọi thứ…” - ông Khót nói.   

Đến nhà A Điên ở thôn 7A (xã Đăk Ui). Vợ chồng anh đi vắng. Tuy nhiên, trưởng thôn A Thức cho biết, gia đình này có đến 11 người con, trong đó 2 người con bị bại liệt nằm 1 chỗ. Trụ cột chính gia đình là anh Điên phải ở nhà chăm sóc 2 đứa trẻ này. Trong năm, gia đình cũng anh bị thiên tai, hoa màu không thu hoạch được, các con lớn phải bỏ học và đi làm thuê kiếm sống cùng mẹ. Căn nhà đang ở của 13 nhân khẩu này xuống cấp không biết ngã đổ bất cứ khi nào. Xét tổng thể, gia đình quá khó khăn, nhưng không hiểu vì sao họ vẫn bị bỏ sót là hộ nghèo ở địa phương(?)

Trước câu hỏi đặt ra của đoàn công tác kiểm tra, chị Y Huế - cán bộ LĐ-TB&XH xã Đăk Ui giải thích: Khi xã triển khai rà soát hộ nghèo theo phương pháp đa chiều, hộ A Điên có các tiêu chí về thu nhập và mức hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, diện tích nhà ở, chất lượng nhà ở… không thuộc diện hộ nghèo. Thế nhưng, đến năm 2017, gia đình lại rơi vào hoàn cảnh không may như trên.

“Cuối tháng 11, thôn đã họp bình xét hộ nghèo, bản thân tôi có về dự họp. Mọi người chiếu theo các tiêu chí về hộ nghèo, đã biểu quyết thống nhất phải đưa hộ A Điên vào diện nghèo phát sinh mới” - chị Y Huế nói thêm.

Hộ A Cọ ở thôn 7B, xã Đăk Ui thuộc diện nghèo mới phát sinh trong năm nay đã tách hộ khẩu từ bố mẹ và dựng căn nhà tạm bằng vách nứa để lập nghiệp. Trước năm 2016, anh Cọ lập gia đình và nay có 2 con nhỏ nheo nhóc. Vợ chồng anh không có đất sản xuất.

Ông A Thức - Trưởng thôn 7 B cho biết, giữa năm 2017, thôn đã bình xét cho gia đình A Cọ vay nguồn vốn chương trình nước sạch nông thôn (thuộc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Hà) 10 triệu đồng chăn nuôi heo thịt tại nhà.

“Xét về tiêu chí nhà ở chưa đảm bảo, vợ chồng mới tách hộ không có tài sản quí nào; thôn đã đồng ý cho gia đình A Cọ thuộc hộ nghèo phát sinh mới vào danh sách hộ nghèo năm 2017 để báo cáo cấp trên” - ông Thức trình bày hoàn cảnh của người dân trong thôn.

Trước thực trạng hộ nghèo phát sinh mới tại xã Đăk Ui nhiều nhất ở huyện Đăk Hà, anh Hưng - Chủ tịch UBND xã khẳng định, chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp cho công tác xóa nghèo trên địa bàn, nhưng người dân vẫn thiếu ý thức vươn lên. Chẳng hạn như, xã đã quan tâm vận động, tuyên truyền các hộ đông con thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tập trung làm kinh tế nhưng họ vẫn không thay đổi.

“Nhiều hộ gia đình lười lao động, xã giúp đỡ hết sức vẫn không hiệu quả. Có nhà dân khó khăn không có việc làm, thiếu đất sản xuất, qua các quan hệ thân tình, cán bộ xã giới thiệu bà con đi hái cà phê ở các thôn, xã lân cận. Tuy nhiên, có gia đình 2 vợ chồng đi làm được 1 ngày, chủ rẫy trả tiền công 400 ngàn đồng. Đến hôm sau, họ ở nhà không đi làm nữa, với lý do con ốm để ở nhà mua rượu uống, hoặc đi chơi…” - anh Hưng kể chuyện khó làm công tác giảm nghèo ở địa phương.

Theo báo cáo xã Đăk Ui trong năm nay, chính quyền và tổ chức đoàn thể đã thực hiện các chính sách tuyên truyền, giảm được 131 hộ nghèo. Tuy nhiên, có 75 hộ nghèo phát sinh mới (nguyên nhân nghèo do 33 hộ lười lao động; còn lại thiếu đất sản xuất, tách hộ, bị thiên tai bão lũ…). 

Trước tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga đã đề nghị các ngành chức năng: LĐ-TB&XH phụ trách tham mưu công rác rà soát, triển khai các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế  - đơn vị kết nghĩa cơ sở xã Đăk Ui và UBND huyện, các xã trên địa bàn vẫn phải rà soát lại số hộ nghèo phát sinh mới. Mặt khác, các đơn vị liên quan cũng cần nghiên cứu, nghiêm túc có biện pháp tham mưu tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của tỉnh về công tác giảm nghèo, xử lý tình trạng hộ nghèo phát sinh mới quá nhiều, làm giảm đi ý nghĩa và quá trình thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo trên địa bàn thời gian qua.

Mai Trâm

Chuyên mục khác