Đăk Hà: Nhiều đơn vị chậm đóng các loại bảo hiểm

13/09/2017 13:04

​Tính đến hết tháng 8/2017, toàn huyện Đăk Hà có 118 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là các loại bảo hiểm) với tổng số tiền lên đến trên 5,553 tỷ đồng. Trong đó, 44 đơn vị nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên với trên 2,698 tỷ đồng và 74 đơn vị nợ đọng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng với trên 2,855 tỷ đồng.

Nguyên nhân

Theo danh sách các đơn vị nợ đọng bảo hiểm nhiều và lâu ngày được lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện Đăk Hà cung cấp, chúng tôi đã có các cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại với lãnh đạo các đơn vị và được nghe những lời giải thích rất mù mờ và thiếu trách nhiệm.

Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân vì sao đến nay đơn vị chưa nộp các loại bảo hiểm, anh Văn Viết Hải – Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề huyện Đăk Hà cho biết: Tôi mới về công tác được hơn 6 tháng nay nên không nắm rõ được. Kế toán cũng không báo lại gì cho tôi cả.

Anh Đoàn Ngọc Duy - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Duy cho rằng: Công ty hiện chưa có tiền để nộp. Vậy thôi.

Anh Trương Công Nam - Giám đốc Công ty TNHH Nam Hưng cho biết “hoàn cảnh”: Công ty em tham gia các loại bảo hiểm có 4 người. nhưng do thời gian gần đây công ty hoạt động ít nên đã chuyển đi nơi khác làm việc 2 người rồi, hiện nay chỉ còn 2 người tham gia, nên còn nợ ít thôi. Để mai em qua Bảo hiểm xã hội huyện làm việc lại là xong.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Đăk Hà triển khai công tác thu nợ

 

Còn cô kế toán Công ty TNHH MTV Kỳ Quang (không cho biết tên) lý giải rất đơn giản, rằng “Sếp chưa bán được hàng, nên chưa có tiền để đóng các loại bảo hiểm đó anh ạ!”.

Đặc biệt, ông Cù Duy Trinh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Đăk Hring thì khẳng định như “đinh đóng cột”: Hiện nay, nhà trường không nợ các loại bảo hiểm một đồng nào cả. Lương có khi nào chúng em chuyển khi đó một cục, chả bao giờ làm trái được… Nhà trường có giữ được đâu.

Làm việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đăk Hà cho biết: Nguyên nhân chậm đóng các lọai bảo hiểm của các đơn vị tham gia các loại bảo hiểm trên địa bàn là do cán bộ thu đến đơn vị sử dụng lao động nhưng không gặp được chủ doanh nghiệp để làm việc. Một số doanh nghiệp do làm ăn không hiệu quả dẫn đến việc tăng nợ đọng các loại bảo hiểm. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn thiếu kiên quyết.

Bà Tâm trăn trở: Mặc dù trong những tháng đầu năm nay, cơ quan đã chủ động gửi các văn bản và phân công cán bộ chuyên quản bám sát các đơn vị nợ đọng, có các biện pháp giảm tỷ lệ nợ, đồng thời phối hợp với Chi cục Thuế huyện trong việc cung cấp thông tin doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện rà soát khai thác phát triển đối tượng tham gia các loại bảo hiểm, nhưng đến nay vẫn còn nhiều đơn vị để nợ lớn và kéo dài.

Triển khai nhiều giải pháp khắc phục

Trước tháng 7/2017, do đặc thù nguồn kinh phí của huyện nên dẫn đến tình trạng một số đơn vị để nợ lớn và kéo dài nhiều tháng, tập trung ở các đơn vị trực thuộc huyện.

Đến tháng 8/2017, tình trạng trên được khắc phục do huyện có nguồn để các đơn vị chuyển trả, nên đến ngày 31/8/2017, số nợ toàn huyện đã giảm tương đương 1 tháng đóng các loại bảo hiểm trên địa bàn.

Cụ thể, hiện nay, toàn huyện Đăk Hà có 143 đơn vị với 2.832 lao động cùng tham gia các loại bảo hiểm và có 63.749 người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tính đến hết tháng 8/2017, toàn huyện có 118 đơn vị nợ các loại bảo hiểm với tổng số tiền lên đến trên 5,553 tỷ đồng. Trong đó, 44 đơn vị nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên với trên 2,698 tỷ đồng và 74 đơn vị nợ đọng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng với trên 2,855 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, để giảm bớt tình trạng nợ đọng các loại bảo hiểm, trong thời gian tới, cơ quan sẽ tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND-UBND huyện, đồng thời báo cáo, tham mưu với Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND huyện xử lý các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, làm việc trực tiếp với lãnh đạo, kế toán các đơn vị về giải pháp khắc phục; phối hợp với Chi cục Thuế huyện trong việc cung cấp thông tin doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện rà soát khai thác phát triển đối tượng tham gia các loại bảo hiểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật về các loại bảo hiểm; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh tính các đơn vị nợ các loại bảo hiểm kéo dài để mọi người cùng biết...

Với nhiều biện pháp triển khai như vậy, hy vọng rằng, nợ đọng các loại bảo hiểm trên địa bàn huyện Đăk Hà sẽ được hạn chế, góp phần an sinh xã hội cho những người tham gia các loại bảo hiểm.

Bài và ảnh: Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác