13/03/2020 06:00
Chiều tối 8/3, khi tỉnh tiến hành cách ly đối với chị Đ.T.N.H (là người có tiếp xúc gần với đối tượng người Anh nhiễm Covid-19) và chị P.T.K.T là người ở chung, ăn chung với chị H (cả 2 cùng trú thôn 5, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum), cùng với việc 2 lái xe của nhà xe Minh Quốc và 33 hành khách đi cùng chuyến xe với 2 người phụ nữ trên được cách ly tại nhà, trên địa bàn tỉnh đã rộ lên những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Lúc này, người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà đổ xô kéo nhau ra chợ, các cửa hàng tạp hóa mua các nhu yếu phẩm về dự trữ.
Tại chợ huyện Đăk Hà, phiên chợ sáng 9/3 vẫn diễn ra bình thường. Nhiều người bán thịt heo đang ngán ngẩm vì ế ẩm. Bỗng nhiên về trưa và chiều hôm đó, người dân đổ xô ra chợ mua thịt, gạo, mắm mỗi lúc một đông khiến cho những chị bán hàng thịt bán không kịp trở tay. Cả 2 dãy bán thịt heo chỉ trong phút chốc đều được mua hết sạch.
Một chị bán thịt heo ở đây cho biết: Buổi sáng thịt heo bán với giá 100 ngàn đồng/kg nhưng cũng rất ít người mua. Thế nhưng, vào khoảng hơn 10 giờ thì chợ lại đông người đến mua sắm và rất nhiều người mua thịt heo. Lúc đầu, chúng tôi bán 100 ngàn đồng/kg như bình thường, nhưng do người mua đông quá nên các hàng thịt trong chợ đều tăng giá lên 120 ngàn đồng/kg; về trưa thịt heo tăng lên 150 ngàn/kg. Người dân tranh nhau mua từng miếng thịt. Không ít người bỏ cả tiền triệu để mua thịt heo. Những hôm sau, sức mua cũng không hề giảm dù giá thịt heo tăng hơn 50% so với các ngày trước.
|
Không chỉ mua thịt heo, người dân huyện Đăk Hà còn đổ xô đi mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm (gạo, mì tôm, miến, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt, trứng) và các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay kháng khuẩn... để dự trữ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng 10/3, nhiều người dân ở Đăk Hà đã tìm đến các cửa hàng tạp hóa, chợ trung tâm huyện để mua lương thực, thực phẩm. Trong đó thịt, gạo, các loại mì tôm, dầu ăn, trái cây... được mua nhiều nhất.
Một thầy giáo của Trường THPT Trần Quốc Tuấn (nhà ở tổ dân phố 2, thị trấn Đăk Hà) cho biết: Lúc 21 giờ tối 8/3, chúng tôi nhận được tin nhắn thông báo sáng mai cho học sinh tiếp tục nghỉ học thêm 1 tuần. Sáng ngày hôm sau, thấy hàng xóm ai cũng chạy ra chợ chở cả xe mì tôm, gạo, thịt về tích trữ nên tôi cũng tranh thủ đi mua. Tôi đã chi gần 3 triệu đồng để mua gạo, thịt, mì tôm, trứng về dự trữ.
“Hôm nay thì giá thịt heo đã giảm xuống còn khoảng 120 ngàn đồng/kg. Tôi nghĩ, có thể mọi người lo lắng quá khiến các tiểu thương lợi dụng tăng giá bán các mặt hàng thực phẩm. Hôm nay đi chợ tôi thấy giá cả rẻ hơn nhiều so với ngày hôm qua”. Thầy giáo vừa kể trên nói với tôi trong vẻ tiếc nuối xen lẫn hổ thẹn vì đã chạy theo “tâm lý đám đông”.
Điều đáng mừng là bên cạnh một số kẻ làm ăn bất chính, lợi dụng tung tin giả về dịch bệnh Covid-19 để trục lợi, vẫn còn những người làm ăn chân chính bán đúng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm đã nhập cho khách hàng.
|
Một chủ cửa hàng tạp hóa trước chợ Đăk Hà cho biết, mặt hàng mì tôm và gạo bán rất chạy trong những ngày gần đây nhưng cửa hàng vẫn giữ nguyên giá. Đa số các cửa hàng tạp hóa ở đây đều nhập hàng từ các đại lý lớn, lượng hàng hóa dồi dào và giá cả ổn định, không có chuyện khan hiếm hàng hóa và giá cả tăng cao. Nhưng, chưa bao giờ cửa hàng của gia đình tôi lại bán mì tôm, gạo và giấy vệ sinh nhanh như thế. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mà bán gần hết hàng.
“Tôi mới gọi điện cho các nhà phân phối, họ nói chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa tiếp tục chở lên cả xe tải để người dân tha hồ mua. Hiện tại nguồn cung cấp hàng hóa lúc nào cũng đảm bảo” - chủ cửa hàng tạp hóa khẳng định với chúng tôi.
Theo quan sát của chúng tôi, trong 2 ngày 9-10/3, khi chưa có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 đối với 2 phụ nữ bị cách ly kể trên thì người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà vẫn ồ ạt mua nhu yếu phẩm dự trữ.
Để phòng chống lây nhiễm Covid-19 có hiệu quả, việc đưa những người có yếu tố dịch tễ đi cách ly tập trung hay cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, thời gian qua không ít người dân lo lắng đi mua các mặt hàng nhu yếu phẩm về tích trữ, gây ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội bình thường và bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi.
Thiết nghĩ, cách tốt nhất để người dân góp phần cùng các cấp chính quyền và ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch bệnh trong lúc này là thực hiện các biện pháp phòng bệnh và không hoang mang, lo lắng quá mức cần thiết.
Minh Quang