Đăk Hà làm tốt công tác đào tạo nghề

29/01/2023 06:20

Mặc dù, bước vào năm 2022 công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Đăk Hà còn gặp khó khăn, trở ngại nhất định, nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó, huyện Đăk Hà nhanh chóng triển khai các giải pháp hữu hiệu, qua đó hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn được UBND tỉnh giao.

Năm 2022, huyện Đăk Hà được UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho 340 lao động nông thôn. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện kịp thời triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền và tiến hành khảo sát, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của người dân, huyện Đăk Hà tổ chức đào tạo 16 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng; trong đó, có 9 lớp nghề nông nghiệp với 278 lao động tham gia và 7 lớp nghề phi nông nghiệp với 217 lao động tham gia.

Lớp đào tạo nghề trồng keo lai, bạch đàn, thông ở xã Đăk Pxi. Ảnh: T.L

 

Là đơn vị chủ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Hà đã tổ chức 13 lớp đào tạo nghề cho 366 lao động nông thôn trong năm 2022 .

Sau 1 tháng tham gia lớp đào tạo chăm sóc cà phê vối do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Hà tổ chức, 27 học viên của thôn Đăk Kơ Đêm, xã Đăk Ngọk đã nắm bắt được kỹ thuật làm cỏ, bón phân, tỉa cành, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, thu hái cà phê.

Chị Y Nguyên (thôn Đăk Kơ Đêm) bộc bạch: “Gia đình tôi có 1.000 cây cà phê. Trước đây, tôi chăm sóc vườn cà phê chưa đúng cách, mọi người chỉ thế nào thì tôi làm theo, làm sai nhiều nên năng suất cà phê thấp. Sau khi học xong lớp chăm sóc cà phê vối do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Hà mở, tôi đã biết được cách thức và thời điểm tưới nước, bón phân hợp lý, cách cắt tỉa cành để cây thông thoáng, ít bị sâu bệnh, ra nhiều quả. Hy vọng, với việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc cà phê vào thực tế, những mùa sau vườn cà phê của gia đình tôi sẽ phát triển tốt hơn nhờ chăm sóc đúng cách và cho năng suất cao, như thế thu nhập của gia đình tôi cũng sẽ tăng lên”.

Chị Y Nguyên tham gia lớp đào tạo nghề chăm sóc cà phê vối. Ảnh: TL

 

Ông Nông Văn Ngay- Trưởng thôn Đăk Kơ Đêm, xã Đăk Ngọk cho biết: “Cây cà phê là cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình của bà con nhân dân trong thôn Đăk Kơ Đêm. Các học viên sau khi tham gia lớp đào tạo chăm sóc cà phê vối sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các hộ dân khác để họ chăm sóc cà phê đảm bảo đúng kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê trên địa bàn”.

Năm 2022, huyện Đăk Hà được giao 1,968 tỷ đồng để thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi). Qua đó, huyện Đăk Hà đã đào tạo 495 lao động nông thôn, vượt 145% kế hoạch so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Các lớp đào tạo nghề gồm kỹ thuật trồng nấm, trồng cây làm nguyên liệu giấy, cạo mủ cao su, chăm sóc cà phê; nuôi heo, nuôi gà, nuôi bò; vận hành máy kéo nông nghiệp, kỹ thuật hàn điện, nề hoàn thiện. Nhìn chung, tất cả các học viên sau khi học nghề đã nắm vững kiến thức lý thuyết và thực hành, nâng cao kỹ năng và tay nghề, áp dụng rất hiệu quả vào thực tế lao động, sản xuất.

Anh A Xim (thôn Krong Đuân, xã Đăk Pxi) tâm sự: “Trong năm 2022, tôi được tham gia lớp đào tạo nghề trồng keo lai, bạch đàn, thông. Giáo viên hướng dẫn rất tận tình, tôi được cấp dụng cụ lao động, tiền hỗ trợ và thực hành thực tế. Đến nay, tôi đã biết cách tự nhân giống các loại cây bằng cách dâm hom, biết cách trồng để cây phát triển mạnh, lớn nhanh. Từ kiến thức đã học được, tôi dự kiến sẽ trồng thêm 1ha keo lai để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Ông Nguyễn Hoài Vũ- Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà khẳng định: “Việc huyện Đăk Hà triển khai các ngành nghề đào tạo đã thực sự đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân vùng nông thôn, giúp bà con có thêm kiến thức, kỹ năng, việc làm, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn. Thời gian đến, các lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ được đa dạng, gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, như ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trồng cây ăn quả, trồng rừng”.    

Tấn Lộc

Chuyên mục khác