Đăk Hà: Điển hình chăm lo, hỗ trợ nghệ nhân

17/08/2017 06:02

Trong khi không ít địa phương chậm trễ trong việc thực hiện hỗ trợ nghệ nhân ưu tú thì tại huyện Đăk Hà, công tác này được triển khai kịp thời, tạo động lực để các nghệ nhân vượt qua những khó khăn về kinh tế, từ đó tiếp tục giữ gìn, truyền dạy nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Gia đình bà Y Yel (58 tuổi), ở làng Long Loi, thị trấn Đăk Hà thuộc diện hộ nghèo, 2 vợ chồng già chỉ có 1 sào lúa và 3 sào cà phê nên cuộc sống rất chật vật. Dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng bà Y Yel luôn đam mê và dành thời gian, cố gắng giữ gìn, cống hiến truyền dạy cồng chiêng trong làng, trong xã.

Năm 2016, bà Y Yel là 1 trong 43 nghệ nhân trên địa bàn tỉnh được công nhận là nghệ nhân ưu tú. “Sau khi được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, được hỗ trợ, giúp đỡ nên cuộc sống của mình đỡ hơn nhiều lắm” – bà Yel chia sẻ.

Không chỉ được quan tâm, động viên, qua khảo sát, thấy hoàn cảnh gia đình bà Y Yel rất khó khăn, Phòng LĐTB&XH đã hướng dẫn cặn kẽ các thủ tục, giúp gia đình bà được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Nghệ nhân ưu tú Y Thuih ở làng Long Loi, thị trấn Đăk Hà vui mừng vì được hỗ trợ hàng tháng 700 ngàn đồng. Ảnh: B.A

 

Bà Hồ Thị Ngọc Lan - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đăk Hà cho biết: Không chỉ riêng bà Yel, chúng tôi cố gắng thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân ưu tú khó khăn trên địa bàn để họ vượt qua khó khăn về kinh tế, ổn định tinh thần, tạo niềm phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đầu năm 2016, được truy lĩnh số tiền hơn 10 triệu đồng từ chế độ hỗ trợ nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng bà Yel đã mua xi măng về tráng nền nhà, mua tôn về lợp lại mái nhà dột nhiều năm. Không chỉ được nhận truy lĩnh một lần, đến nay, mỗi tháng bà còn được nhận tiền hỗ trợ nghệ nhân 850 ngàn. Số tiền dù không nhiều nhưng là nguồn động viên rất lớn, giúp bà trang trải được phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Bà Yel nói: Mình già rồi, được quan tâm, động viên như vậy mình mừng lắm. Đó là động lực, niềm vui để mình tiếp tục dành thời gian gắn bó và truyền dạy kĩ năng đánh cồng chiêng, hát kể…

Năm nay đã tròn 80 tuổi nhưng già A Bôm ở làng Kon Kơ Lốk, xã Đăk Mar vẫn cặm cụi làm nên những cây đàn Klông Pút, Tơrưng, đánh rồi truyền dạy cho lớp trẻ. “Được chính quyền quan tâm, hỗ trợ nhiều nên mình càng cố gắng truyền dạy để thế hệ trẻ không quên nguồn cội, để bảo tồn văn hóa” – già A Bôm móm mém nói.

Gia đình nghệ nhân ưu tú A Bôm thuộc dạng đặc biệt khó khăn, tuổi già không còn làm nương làm rẫy được nữa nên sống dựa vào con cái. Dù sức yếu nhưng yêu văn hóa dân tộc, già Bôm vẫn hết lòng cống hiến, gìn giữ truyền thống. Năm 2016, già A Bôm cũng được nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú, và từ đó, già được quan tâm, nhận hỗ trợ mỗi tháng 850 ngàn đồng.

“Gia đình khó khăn, được hỗ trợ, mình có tiền mua cái quần cái áo mới, mua gạo, mua muối để dành trong nhà, phấn khởi lắm” – giọng già Bôm run run.

Già A Bôm khoe được nhận tiền hỗ trợ 850 ngàn đồng hàng tháng. Ảnh: B.A

 

Không chỉ riêng nghệ nhân A Bôm và Y Yel, đến nay, 11 nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn (trong tổng số 14 nghệ nhân ưu tú) trên địa bàn huyện Đăk Hà đã được hỗ trợ kinh phí. Trong đó, có 5 nghệ nhân được hưởng mức trợ cấp  850 ngàn đồng; 6 nghệ nhân được hưởng mức trợ cấp là 700 ngàn đồng; và tất cả 11 nghệ nhân nhân dân trên đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Thắm - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà cho biết: Cuộc sống của nghệ nhân tại địa phương hầu hết còn nhiều khó khăn, được hỗ trợ về kinh tế, họ có thêm thời gian để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng góp phần bảo tồn văn hóa phi vật thể tại địa phương. Sắp tới, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà sẽ mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang do trực tiếp các nghệ nhân ưu tú này đứng lớp.

Được triển khai kịp thời và nhanh chóng, chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn đã giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nghệ nhân trên địa bàn huyện. Qua đó, tạo điều kiện cho các nghệ nhân có thời gian nghiên cứu, truyền dạy nét đặc sắc của dân tộc mình cho thế hệ trẻ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Bình An

Chuyên mục khác