14/09/2018 13:02
Sau ngày khai giảng năm học mới 2018-2019, chúng tôi ghé thăm Trường PTDTBT-THCS Đăk Long (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei), 11h15, sau khi kết thúc giờ học ở lớp, 170 học sinh của trường lần lượt về khu vực nhà ăn để sắp xếp bàn ghế ăn cơm trưa. Gần 10 chiếc bàn tròn được các em kê ra, giáo viên giúp cô cấp dưỡng hướng dẫn các em ngồi đủ 10 người 1 bàn.
Thầy Trần Ngọc Mạnh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT – THCS Đăk Long cho biết, năm 2012 đến nay, trường nhận được sự đồng thuận của phụ huynh trong công tác tổ chức ăn ở bán trú cho các em. Đối với chế độ hỗ trợ bữa ăn hàng ngày cho học sinh, nhà trường đã thực hiện đúng quy định về kinh phí chi 520.000 đồng và 15 kg gạo/tháng/em.
“Để có nguồn thực phẩm phong phú, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi năm học, nhà trường tự tổ chức chăn nuôi gà vịt gần 160 con và đàn heo thường xuyên có 10-15 con trong chuồng; huy động giáo viên, học sinh tăng gia trồng, chăm sóc các loại rau xanh, củ quả vào các thời gian rảnh rỗi cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống phục vụ bếp ăn cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường mua cá của các hộ dân nuôi trong xã” - thầy Mạnh thông tin thêm.
Tuy nhiên, thầy Mạnh cho biết: Cái khó hiện nay của trường là cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hiện ăn ở bán trú vẫn thiếu nhiều, chưa đảm bảo các quy định về tổ chức bán trú cho 170/246 học sinh. Cụ thể, bếp ăn của nhà trường tận dụng 2 phòng học để làm nơi sơ chế thức ăn sống, chứa gạo được cấp cho học sinh bán trú, đặt tủ lạnh lưu trữ mẫu thực phẩm sống và đã qua chế biến, lưu giữ các thiết bị, đồ dùng khác như chén bát, nồi chảo, bàn ghế…
Nơi ở lại của các em khá chật chội, 170 học sinh chen chúc trong 4 căn phòng (25m2/phòng) xây dựng từ năm 2008. Mùa đông về, các em lại thiếu chăn ấm. “Trong khi đó, có những em nhà cách trường 8-10km, phải qua sông suối mang thêm vật dụng đến trường rất thương, nếu chẳng may gặp mưa lũ đồ đạc, chăn bông đều ướt” - thầy Mạnh tâm sự.
Cũng nằm trên địa bàn huyện Đăk Glei, Trường PTDTBT-THCS Mường Hoong (xã Mường Hoong) năm học này, có 249 học sinh lớp 6 đến lớp 9. Từ năm 2012 đến nay, nhà trường đã tổ chức ăn ở bán trú cho học sinh. Hiện tại, thuận lợi của nhà trường có 3 phòng ở bán trú cho 100 học sinh. Thực hiện bữa ăn cho các em đủ dinh dưỡng, Ban giám hiệu nhà trường vận động phụ huynh giới thiệu điểm chăn nuôi gia súc tại nhà, hoặc cửa hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống có địa chỉ rõ ràng, hằng ngày, nhân viên phụ trách bếp ăn sẽ đến thu mua.
“Trường gặp nhiều khó khăn trong triển khai công tác ăn, ở bán trú cho học sinh. Với đặc thù ở vùng sâu mưa nhiều, thời tiết thất thường, mùa đông nhiệt độ xuống dưới 10oC, các em thiếu chăn ấm và quần áo mặc chống rét. Khắc phục điều này, các năm qua, nhà trường thường xuyên vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ cho các em nhiều quần áo, nhưng vẫn không đảm bảo. Mặt khác, đơn vị chưa có bếp ăn 1 chiều được đầu tư đúng quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa có cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn theo quy định; các thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nhà ăn bán trú còn thiếu nhiều như chén bát, bàn ghế, quạt điện, tủ lạnh chuyên dụng lưu trữ thức ăn đúng quy cách…” - thầy Nguyễn Thừa Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Cô Nguyễn Thị Thương - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei nhận xét, thời gian qua, thực hiện mô hình trường học bán trú tại các vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều ưu điểm mang lại như duy trì sĩ số học sinh đạt trên 99,7%; chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ DTTS ở địa phương nâng lên rõ nét qua các năm... Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư giáo dục có hạn, chưa đáp ứng đủ về cơ sở vật chất phục vụ ăn, ở bán trú cho học sinh như phòng nghỉ, bếp ăn và các điều kiện, trang thiết bị khác.
Cô Thương đồng cảm với sự thiếu thốn của học sinh bán trú, và sự vất vả của các đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ chăm sóc các em ở các trường bán trú trên địa bàn huyện, ngoài thời gian trực tiếp dạy học chính khóa ở trường. Cô nói: Chúng tôi cũng có đề xuất với UBND huyện, Sở GD&ĐT, nhưng hiện các cấp chưa thể giải quyết đầu tư hàng loạt nhà bếp, hay mua sắm hàng loạt trang thiết bị… để đảm bảo đồng bộ, đúng các quy định hiện hành.
Mai Trâm