Đăk Glei: Quyết tâm xóa bỏ các hủ tục

05/03/2022 06:16

Toàn huyện Đăk Glei hiện còn 6 hủ tục trong vùng đồng bào DTTS chưa được xóa bỏ. Vì vậy, Huyện ủy Đăk Glei đã xây dựng nhiều kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo các xã triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục để quyết tâm xóa bỏ các hủ tục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Qua rà soát, toàn huyện Đăk Glei đã xóa bỏ được 15 hủ tục, hiện còn 6 hủ tục tồn tại ở các thôn, làng đồng bào DTTS, gồm tục cõng củi; tục tảo hôn; tục ốm đau dài ngày không khỏi nhờ đến thầy cúng, thầy mo; tục người chết xấu bà con hàng xóm kiêng không đến chia buồn gia đình; tục cõng người chết; tục kiêng kỵ khi có dê, chó, mèo chết hoặc đẻ trong kho lúa. Vì vậy, Huyện ủy Đăk Glei đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo đảng ủy các xã triển khai song song 3 cuộc vận động, đó là Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; Cuộc vận động xóa bỏ các hủ tục; Cuộc vận động phụ nữ không sinh con thứ 3.

Là địa phương còn nhiều hủ tục chưa được xóa bỏ nhất trên địa bàn huyện Đăk Glei, thời gian qua, Đảng ủy xã Đăk Plô đã huy động cả hệ thống chính trị xã vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực, người dân đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, hiện tục cõng củi, tục kiêng kị đã được người dân dần loại bỏ.

Già làng A Ná (thứ 2 từ trái qua) vận động bà con xóa bỏ các hủ tục. Ảnh: PN

 

Ông A Ná, già làng thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô cho biết: Đảng ủy, UBND xã đã tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là xóa bỏ dần các hủ tục, nên ở đây bà con bây giờ cũng xóa bỏ dần cái đó. Giờ đau ốm là bà con đến bệnh xá, bệnh viện để chữa trị chứ không còn nhờ thầy mo cúng như trước nữa. Tục kiêng kị thì cũng bỏ dần. Vừa rồi có người chết xấu bà con trong làng cũng đã đến viếng thăm, không còn như ngày trước.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô vận động người dân xóa bỏ các hủ tục. Ảnh: PN

 

“Đảng ủy xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với Đồn Biên phòng Đăk Blô xuống cơ sở vận động hội viên, đoàn viên phải gương mẫu, không nên kiêng kị và tuyên truyền bà con xóa bỏ hết các hủ tục. Qua đó đã có sự chuyến biến rõ nét, ví dụ như trước đây tục cõng củi của bà con là 100 bó thì bây giờ còn khoảng 20 bó; thứ hai nữa là hủ tục có người chết xấu bảo là không đi chôn thì hiện nay bà con cũng xóa bỏ” - bà Y Nghệ, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Plô cho biết thêm.

Triển khai từ giữa năm 2021 đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Glei đã tổ chức 152 buổi tuyên truyền tại 93 thôn, làng và vận động được hơn 4.620 hộ đăng ký cam kết xóa bỏ các hủ tục. Đồng thời, đưa nội dung này vào hương ước, quy ước của các thôn, làng.

Cán bộ xã Đăk Nhoong tuyên truyền, vận động người dân. Ảnh: PN

 

Chị Y Hội - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong cho biết, trong các cuộc sinh hoạt định kỳ của Chi hội, chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền cho hội viên hiểu rõ tác hại của các hủ tục và hệ lụy của việc sinh con thứ ba. Từ đó, hội viên cũng hiểu và dần có sự thay đổi. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng bào DTTS đã hiểu được tác hại của các hủ tục và dần xóa bỏ. Ở thôn ngày trước đau ốm thì làm cái lễ cúng, bây giờ thì bỏ rồi, không còn nữa. Cán bộ xã, đảng viên trong thôn tuyên truyền nên bây giờ đau ốm là bà con ra Trạm Y tế xã khám, nếu nặng thì chuyển ra Trung tâm Y tế huyện điều trị - ông A Méo ở thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong chia sẻ.

Ông A Phương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Để xóa bỏ các hủ tục là việc làm không thể một sớm, một chiều mà phải thường xuyên, lâu dài. Vì vậy, Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể, thực hiện một cách liên tục, kiên trì cùng với sự linh hoạt, đổi mới về phương pháp, cách thức, phù hợp với đặc điểm của mỗi địa bàn khu dân cư, nhằm đảm bảo vừa xây dựng đời sống văn hóa mới, vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, huyện phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của già làng, trưởng thôn, người tiêu biểu có uy tín ở thôn, làng; tuyên truyền để thế hệ trẻ tránh xa và nâng cao ý thức trách nhiệm cùng cộng đồng đấu tranh, đẩy lùi các hủ tục. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. 

Phạm Nguyên

Chuyên mục khác