Đăk Glei quan tâm dạy nghề cho lao động nông thôn

09/11/2023 13:08

Thời gian qua, UBND huyện Đăk Glei luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động ở nông thôn qua đào tạo nghề, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Trước đây, gia đình chị Y Thiếp ở thôn Măng Rao, xã Đăk Pék thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được tuyên truyền, vận động, chị Y Thiếp đăng ký tham gia học lớp kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, còn chồng chị tham gia lớp học thợ nề.

Sau khóa học, chị Y Thiếp vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất, vay vốn tín dụng chính sách đầu tư vào 2ha đất rẫy trồng bời lời, mì, bắp, thâm canh 1ha lúa nước 2 vụ, nuôi 3 con bò và đàn gia cầm vài chục con. Chồng chị học xong lấy chứng chỉ nghề xây dựng, thường xuyên đi làm các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn huyện, thu nhập mỗi năm trên 70 triệu đồng. Còn các sản phẩm nông nghiệp do chị làm ra, bình quân mỗi năm có thêm 100 triệu đồng.

Ngôi nhà mới xây dựng năm 2023 trị giá hơn 300 triệu đồng của chị Y Thiếp. Ảnh: QĐ

 

Kinh tế gia đình chị Y Thiếp ổn định, có tích lũy. Năm 2023, với số tiền dành dụm được và vay thêm ngân hàng, gia đình chị đầu xây dựng ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, trị giá trên 300 triệu đồng, thay thế ngôi nhà cũ đã xuống cấp. Gia đình chị Y Thiếp hiện nay đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, bền vững. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đăk Glei cho biết, Chương trình số 18-CTr/HU, ngày 9/11/2020 của Huyện ủy Đăk Glei triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện đạt 10,4%. Trong 3 năm qua (2021-2023) công tác dạy nghề trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu so với Chương trình số 18-CTr/HU của Huyện ủy Đăk Glei đề ra.

Các nghề nông nghiệp (dưới 3 tháng) được người lao động ở nông thôn lựa chọn học nhiều nhất như kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh, sâm dây và các loại cây dược liệu khác; kỹ thuật khai thác mủ cao su; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cà phê. Ngoài ra, một số lao động nông thôn còn đăng ký tham gia học các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp (trên 3 tháng) như nghề xây dựng (thợ nề, cốt thép), sửa chữa xe máy, sửa chữa máy nông nghiệp.

Dạy nghề kỹ thuật cạo mủ cao su cho lao động nông thôn ở xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei. Ảnh: Q.Đ

 

Cụ thể, năm 2021, huyện Đăk Glei mở được 3 lớp với 98 học viên; trong đó có 1 lớp nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò tại xã Đăk Nhoong với 32 học viên, 1 lớp trồng và chăm sóc sâm dây tại xã Đăk Plô với 33 học viên, 1 lớp trồng và chăm sóc sâm dây tại xã Ngọc Linh với 33 học viên. Năm 2022, huyện mở được 12 lớp với 337 học viên; trong đó nghề nông nghiệp 9 lớp với 262 học viên, nghề phi nông nghiệp 3 lớp với 75 học viên (đạt 160% so với chỉ tiêu giao tại Chương trình số 18-CTr/HU của Huyện ủy). Trong năm 2023, tính đến ngày 30/9/2023, huyện đã mở được 8 lớp dạy nghề lao động nông thôn với 266 học viên; trong đó nghề nông nghiệp 6 lớp với 201 học viên, nghề phi nông nghiệp 2 lớp với 65 học viên (đạt 126,6% so với chỉ tiêu giao tại Chương trình số 18-CTr/HU của Huyện ủy).

Trong thời gian tới, huyện Đăk Glei tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc đào tạo nghề cho người lao động. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn chủ động rà soát, thống kê số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề, triển khai công tác đào tạo nghề sát với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đồng thời, tiến hành liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh đủ điều kiện giảng dạy để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn quan tâm thực hiện công tác tư vấn, định hướng nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo linh hoạt nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực thực hành, năng lực tự tạo việc làm, thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của công nghệ và sản xuất, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn.      

Quang Định

Chuyên mục khác