Đăk Glei: Người có công thi đua lao động sản xuất

09/09/2017 18:00

Huyện Đăk Glei có 900 đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nhà nước đối với người có công cách mạng. Tuy được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi nhưng không vì thế mà những người có công sống an phận. Họ luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, văn hoá-xã hội, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Ông A Thanh Sắc - Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đăk Glei cho biết: Trong 5 năm 2012-2017, chất lượng và hiệu quả của phong trào người có công thi đua lao động sản xuất ngày càng nâng cao, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, thu nhập hàng năm từ 50-100 triệu đồng. Nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh tàn mà không phế, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng đất đai, tiền vốn để phát triển sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Như vợ chồng thương, bệnh binh Y Rắc (77 tuổi) và A Em ở thôn Đăk Ra (thị trấn Đăk Glei). Hai vợ chồng luôn tâm niệm: Tuổi già làm theo tuổi già, sức yếu làm theo sức yếu; phải nỗ lực hết mình để con cái, dân làng học tập noi theo.

Vợ chồng thương binh làm kinh tế giỏi Y Rắc và A Em ở thôn Đăk Ra thị trấn Đăk Glei. Ảnh:Q.Đ

 

“Tuy bị vết thương chiến tranh hành hạ nhưng mình vẫn cố gắng đi làm. Phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, mình cố gắng làm ăn, nuôi 7 người con ăn học đàng hoàng. Tuổi già là làm theo tuổi già, sức yếu làm theo sức yếu” – ông A Em chia sẻ.

Những năm qua, tuy tuổi già sức yếu nhưng ông bà luôn nỗ lực vươn lên để làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình và còn là người cha, người mẹ, người ông, người bà luôn có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Trong 7 người con của ông bà, có 4 người tốt nghiệp đại học và làm ở các cơ quan nhà nước, đã đứng vào hàng ngũ của Đảng; 3 người còn lại đã lập gia đình, làm nông và cuộc sống rất ổn định.

Trước còn sức thì làm ruộng rẫy nhiều, nay về già, vợ chồng bà Y Rắc và ông A Em chuyển sang chăn nuôi bò, trồng cây bời lời và canh tác một ít ruộng rẫy để đỡ công chăm sóc. Hàng năm, ngoài khoản lương trợ cấp, gia đình có thêm thu nhập trên 100 triệu đồng từ các loại cây trồng và chăn nuôi; là tấm gương thương, bệnh binh vượt khó để dân làng học tập, noi theo.

Cũng như gia đình bà Y Rắc, ông Lang Văn Páo - thương binh, cư trú tại thôn Măng Rao (xã Đăk Pek), mặc dù sức khỏe hạn chế nhưng ông vẫn luôn nỗ lực phát triển sản xuất. Ông khuyến khích, động viên gia đình phát triển chăn nuôi bò với đàn bò hiện tại của gia đình ông trên 10 con. Ngoài ra, ông còn tham gia các dịch vụ khác nhằm tăng thêm thu nhập (80 triệu đồng/năm). Cuộc sống của gia đình ông hiện giờ đã được cải thiện và ổn định hơn trước đây rất nhiều.      

Hay gia đình ông A Chan, một thương binh ở thôn Măng Rao (xã Đăk Pek) đã tăng cường phát triển sản xuất, hiện gia đình ông đang chăm sóc trên 2ha cây bời lời; ngoài ra còn chăn nuôi gà, vịt, cho thu nhập bình quân hàng năm trên 70 triệu đồng.

Hộ gia đình bệnh binh A Chiếp (thôn Đăk Poi, thị trấn Đăk Glei) đã nỗ lực phát triển sản xuất, trồng mì, lúa, bắp, bời lời; đan lát các loại gùi, nong, nia, rổ, rá để bán nhằm tăng thêm thu nhập (trên 60 triệu đồng/năm), cải thiện cuộc sống…

Có thể nói, thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện Đăk Glei đã luôn luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người có công tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện lòng tri ân, biết ơn đối với những người có công cách mạng đã hy sinh một phần xương máu của mình để có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay.

Quang Định

Chuyên mục khác