21/05/2019 13:53
Huyện Đăk Glei hiện có tổng đàn gia súc hơn 25.500 con; trong đó, đàn trâu có 3.200 con, đàn bò hơn 9.000 con, đàn heo hơn 12.400 con và đàn dê gần 850 con.
Với số lượng đàn gia súc lớn, việc chủ động phòng chống dịch bệnh là hết sức quan trọng nên hàng năm, UBND huyện chú trọng chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương làm tốt công tác phòng bệnh trên đàn gia súc.
Ngay từ đầu năm nay, UBND huyện Đăk Glei đã liên tục có các văn bản chỉ đạo đơn vị chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia súc; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, đặc biệt là thời điểm giao mùa.
Tuy đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc như vậy, nhưng trong dịp đầu năm 2019, trên địa bàn huyện Đăk Glei vẫn xuất hiện các ổ dịch lở mồm long móng tại 17 hộ chăn nuôi ở 9 thôn của 5 xã Đăk Kroong, Đăk Pét, Đăk Choong, Mường Hoong và Đăk Môn với hơn 200 con bò, heo bị mắc bệnh.
Một trong những nguyên nhân được xác định là do thời tiết khắc nghiệt, dễ sinh mầm bệnh, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, người dân còn chủ quan, chưa thực sự chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia súc, vẫn còn tình trạng nuôi gia súc thả rông nên khó kiểm soát, chưa có các biện pháp vệ sinh chuồng trại…
Ngay sau khi có dịch bệnh xảy ra, UBND huyện kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc khoanh vùng dập dịch, không để lây lan ra diện rộng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú ý huyện phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng vành đai bao vây chống dịch tại các xã, thị trấn; nhất là các địa phương có ổ dịch. Các đơn vị chức năng sử dụng hơn 150 lít hóa chất để phòng dịch, đồng thời tiến hành tiêm 2.680 liều văc xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, heo... Và, các đơn vị chức năng đã điều trị khỏi được 13 con gia súc, tiến hành tiêu hủy 193 con; dịch lở mồm long móng được khống chế, không lây lan rộng.
Ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Nhằm đối phó với dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã thị trấn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, khi phát hiện bệnh tái phát phải kịp thời có biện pháp xử lý. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng, các dịch bệnh khác trên đàn gia súc; khoanh vùng dịch, triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh không lây lan ra diện rộng…
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Đăk Glei, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Cơ quan Thú y huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cơ sở và có các khuyến cáo cụ thể, rõ ràng cho người chăn nuôi biết, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc. Đi đôi với tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, người chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại như phải đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo, thoáng, sạch; hằng ngày tiến hành vệ sinh, khơi thông cống rãnh, không để nước tù đọng; định kỳ phun thuốc sát trùng vệ sinh chuồng trại...
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, giết mổ trên địa bàn; vận động các hộ chăn nuôi, kinh doanh và giết mổ thực hiện "5 không": Không giấu dịch, không mua bán sản phẩm gia súc mắc bệnh, không thả rông, không vận chuyển gia súc và không vứt xác gia súc mắc bệnh bừa bãi ra môi trường... để bảo vệ đàn vật nuôi, tránh nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, thiệt hại về kinh tế.
Ngoài ra, Cơ quan Thú y huyện cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần nâng cao nhận thức trong công tác chăn nuôi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh sạch sẽ, chủ động trong công tác phòng bệnh; khi phát hiện có dịch bệnh trên đàn gia súc, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp điều trị và ngăn chặn. Đối với những hộ chăn nuôi từng có dịch bệnh cần chú trọng theo dõi, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp tiêu trùng, khử độc để dập tắt dịch mầm bệnh, ngăn chặn việc lây lan trên diện rộng.
|
Theo ông Trịnh Xuân Lộc, công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng cho gia súc được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo của chính quyền địa phương hàng tháng. Bên cạnh đó, huyện Đăk Glei thường xuyên cử cán bộ đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh; chỉ đạo UBND các xã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đối tượng thu gom, chế biến, giết mổ, buôn bán động vật; thường xuyên theo dõi chặt chẽ các ổ bệnh lở mồm long móng cũng như các dịch bệnh khác thường xuất hiện trên gia súc; bám địa bàn để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại từng hộ chăn nuôi gia súc để phát hiện sớm và xử lý triệt để ngay các ổ dịch khi mới xảy ra...
Chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc là việc làm cần thiết nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và có biện pháp ngăn chặn, dập dịch. Đàn gia súc được bảo vệ khỏe mạnh sẽ đem lại lợi ích về kinh tế cho người chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Glei.
HÀ NAM