Đăk Glei: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

07/09/2019 17:20

Cùng với việc khôi phục nhà rông, duy trì các lễ hội truyền thống hàng năm, thời gian qua, cán bộ văn hóa, già làng và các nghệ nhân DTTS huyện Đăk Glei đã có nhiều cố gắng trong việc truyền dạy, giữ nhịp chiêng-xoang của người Giẻ Triêng, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Vốn đam mê cồng chiêng, những năm qua, ngoài việc tham gia dàn dựng các bài chiêng xoang phục vụ các lễ hội, già làng A Chan (70 tuổi), nghệ nhân A Van (63 tuổi) ở làng Măng Rao (xã Đăk Pék) còn nhiệt tình truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho các thanh thiếu nhi trong làng với mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho mai sau.

Ông A Van cho biết, bộ cồng chiêng 8 chiếc ông mua gần 70 triệu đồng cách đây mấy chục năm. Vài năm trước, có người hỏi mua trên 100 triệu đồng nhưng ông không bán vì muốn lưu giữ cho gia đình và cho cả cộng đồng. “Mỗi khi làng có lễ hội, tôi đem bộ cồng chiêng này ra nhà rông của làng cùng hòa nhịp cồng chiêng với bà con. Nếu bán nó rồi thì lấy cái gì để tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống” - ông A Van nói.

Già làng A Chan tiếp lời: “Mấy năm nay, tôi cùng ông A Van tham gia truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên trong làng. Mấy đứa nhỏ cũng nhiệt tình đi học những lúc rảnh rỗi. Chúng hiểu rằng phải hiểu biết và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Những người lớn tuổi như tôi, ông A Van rất mừng vì điều đó”.

Già A Van dạy đánh cồng chiêng cho người dân trong làng. Ảnh: QĐ

 

Cũng như người dân làng Măng Rao, các nghệ nhân làng Đăk Gô (xã Đăk Kroong) có nhiều cố gắng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Giẻ Triêng. Ngoài các bài chiêng cổ, bài chiêng truyền thống đánh trong các dịp lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, hay các điệu chiêng buồn trong các đám ma chay, nghệ nhân A Đêch còn sáng tạo, biến tấu nhiều bài chiêng khác nhau theo các điệu nhạc cách mạng sôi động biểu diễn trong các lễ mừng công, báo công, hay các lễ cưới, đặc biệt là điệu “Bông rốp” - một cách chơi ngẫu hứng sau lễ hội.

Nghệ nhân Y Ngót (Đội trưởng đội múa xoang làng Đăk Gô) chia sẻ với chúng tôi rằng chị vừa yêu tiếng chiêng goong, vừa mê điệu xoang dập dìu ngay từ nhỏ. Y Ngót thường theo mẹ đến xem các lễ hội làng và giờ đây chị lại truyền niềm đam mê và những gì chị học được cho thế hệ trẻ. Ngoài các nhịp xoang quen thuộc “Chào khách”, “Mừng lúa mới”, chị còn sáng tạo và cách điệu những động tác quen thuộc trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày như gieo hạt, tỉa lúa, làm cỏ thành những điệu múa, nhịp xoang lạ mắt, uyển chuyển, mượt mà, làm tôn thêm vẻ đẹp, chắc khỏe, giỏi giang của phụ nữ Giẻ Triêng.

Em Y Diễm (làng Đăk Gô) cũng rất đam mê múa xoang. Y Diễm cho hay: “Bây giờ tụi em muốn duy trì múa xoang để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống”.

Đội cồng chiêng và đội múa xoang tập dượt chuẩn bị cho ngày hội làng. Ảnh: QĐ

 

Nhận thức được giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, những năm qua, từ chi bộ, già làng, trưởng thôn đến các đoàn thể luôn vận động bà con duy trì việc tổ chức lễ hội mừng lúa mới, chăm lo truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm… cho thế hệ trẻ.

Già làng A Jớk (làng Đăk Gô) bộc bạch: “Già thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con dân làng phải cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Các lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức hàng năm, không được bỏ. Mong muốn của già là gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình cho các thế hệ con cháu trong làng. Nếu ông già không làm được thì thế hệ trẻ không làm được, bản sắc văn hóa truyền thống cũng mai một và mất đi”.

Muốn bảo tồn văn hóa cồng chiêng, phải có “không gian” để cồng chiêng hoạt động. Bởi vậy, việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà rông truyền thống được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và bà con DTTS huyện Đăk Glei quan tâm.

Ông A Phất - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Gô chia sẻ: Trước đây, dân tộc Giẻ Triêng làm nhà rông hơi thấp và nhỏ do dân số ít. Khi đời sống được nâng cao, dân số trong làng ngày càng đông thì nhà rông cũ không còn đủ không gian cho cộng đồng sinh hoạt. Bởi vậy, bà con thống nhất phải góp công, góp sức để làm nhà rông to đẹp hơn. Nhà rông thôn Đăk Gô hiện có chiều rộng 13m, chiều cao 16m, cột và kèo kéo 11m.

Đội cồng chiêng làng Đăk Gô. Ảnh: QĐ

 

Với sự đồng thuận, thống nhất cao từ cán bộ đến dân làng, đến nay, bà con DTTS làng Măng Rao, làng Đăk Gô và nhiều thôn làng khác vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đăk Glei không chỉ gìn giữ, khôi phục được các giá trị văn hóa truyền thống mà đời sống của bà con cũng ngày một nâng cao và phát triển. Cùng với đó, nhiều tập tục lạc hậu được xóa bỏ, những nét đẹp văn hóa văn minh, hiện đại ngày càng phát huy.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao- Du lịch và Truyền thông huyện Đăk Glei cho biết: Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, đến nay, toàn huyện có 87/112 thôn làng có nhà rông truyền thống; có 84 đội cồng chiêng, 85 đội văn nghệ quần chúng. Bà con dân tộc thiểu số ở địa phương không những quan tâm, chú trọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng, múa xoang mà còn giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng với bạn bè trong nước và quốc tế thông qua việc tham gia ngày hội văn hóa-du lịch được tỉnh tổ chức định kỳ 2 năm/lần, tham gia các hoạt động văn hóa tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành khác do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức hàng năm.        

Quang Định

Chuyên mục khác