Đại ngàn trong đáy mắt

09/01/2021 06:01

Chiều cuối năm. Mặt trời khuất dần sau đỉnh Chư Mom Ray. Gió núi mang theo hơi lạnh cắt da thịt của rừng thổi ào ào trên những tàng cây, cuốn theo hành lang, rít lên đắc ý khi luồn được vào khe cửa kính. Tôi ngồi với Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray Đào Xuân Thủy trong phòng làm việc, nghe gió quất mà cảm nhận rất rõ hơi lạnh của núi rừng đang giăng phủ tứ bề.

“Giờ này anh em ở các trạm quản lý bảo vệ rừng vẫn còn lặn lội đâu đó giữa đại ngàn. Ở đây còn lạnh như vầy, nói gì chốn núi cao rừng thẳm”- Giám đốc Thủy rầm rì nhắc về những cán bộ của mình với giọng trìu mến.

Trên tay anh, màn hình chiếc smartphone hiện lên những đường chỉ đỏ chạy ngoằn ngoèo như thường thấy trên bản đồ vệ tinh.

Vậy thì có khác gì đại ngàn Chư Mom Ray nằm trong một cái liếc mắt hay sao? Tôi đùa. Anh cười: Không đến mức ấy, nhưng rõ ràng là mọi chuyện tốt hơn rất nhiều, kể từ khi ứng dụng công nghệ vào thực tiễn quản lý bảo vệ rừng.

Và cũng vì vậy, mọi người mới yên tâm hơn, vơi bớt nỗi lo rừng bị xâm hại- anh thì thầm, như chỉ nói cho mình nghe.

Biến động tài nguyên rừng được theo dõi chặt chẽ bằng công nghệ thông qua điện thoại thông minh. Ảnh: H.L 

 

Quen biết nhiều năm, chưa bao giờ tôi thấy tình yêu rừng trong anh vơi cạn. Đôi lúc, nhìn dáng người nhỏ nhắn, thư sinh ấy, tôi tự hỏi đâu là nguồn năng lượng giúp anh vượt qua bao gian khó, trụ lại với “nghề rừng”- một nghề đòi hỏi có thể lực tốt, dù ít dù nhiều- suốt mấy chục năm qua.

Tham gia cùng một trong những chuyến đi dài, tôi thấy một con người khác trong anh. Anh có thể khoác ba lô lang thang cả một tuần liền khắp các trạm, các chốt, các tiểu khu. Như con mang về núi, như con chồn bay sải cánh giữa rừng, anh sống mê đắm và hào sảng với rừng, với anh em, với những câu chuyện không hồi kết về tập tục xưa, về đất, về người, và về rừng. 

Và cũng từ những chuyến đi như vậy trong vài năm gần đây, anh và Ban Giám đốc Vườn nhận ra rằng, các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng bằng phương pháp truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế. Trước hết là sự thiếu hụt về nhân lực. Toàn đơn vị có 105 cán bộ, nhân viên, người lao động, chia đều cho văn phòng, 14 trạm quản lý bảo vệ rừng và 2 tổ cơ động, với hơn 56.000ha thì như... muối bỏ bể, trong khi áp lực lên tài nguyên rừng ngày càng tăng, đó là chưa kể địa bàn quản lý phức tạp, đồi dốc hiểm trở, đường ranh giới dài.

Tiếp đó, báo cáo diễn biến rừng áp dụng theo quy trình cũ, tức là tổng hợp vào cuối năm, từ dưới cơ sở lên, nên chậm trễ, không đầy đủ, độ chính xác không cao… Ngoài ra, không thể tránh khỏi tình trạng một số anh em “lười”, không đi tuần tra rừng đúng kế hoạch nhưng vẫn báo cáo thực hiện đúng.

Những hạn chế, bất cập ấy dẫn đến việc một số vụ vi phạm chưa được phát hiện sớm; ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại rừng có lúc chưa kịp thời, gây thiệt hại tài nguyên rừng; khâu giám sát thực hiện nhiệm vụ của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, nhất là ở các trạm,còn hạn chế…

Đối chiếu hình ảnh vệ tinh truyền qua điện thoại thông minh với bản đồ. Ảnh: HL 

 

Với tình hình ấy, phương pháp quản lý, bảo vệ rừng truyền thống đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải có phương pháp mới. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, chúng tôi quyết định triển khai sáng kiến “ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ rừng” vào thực tiễn- Giám đốc Thủy cho hay.

Đây là sáng kiến được sử dụng để theo dõi và quản lý tài nguyên rừng từ các số liệu đầu vào thu thập được từ ảnh vệ tinh kết hợp với số liệu điều tra thực địa, từ đó kịp thời phát hiện những biến động trong hiện trạng tài nguyên rừng, làm cơ sở cho Ban giám đốc Vườn nắm được số liệu hiện trạng tài nguyên rừng một cách nhanh chóng, chủ động xây dựng phương án quản lý bền vững tài nguyên rừng.

Không quá cao siêu như tôi tưởng tượng ban đầu. Trước hết cần có một ứng dụng cập nhật ảnh từ vệ tinh. Phần mềm này sẽ cập nhật liên tục ảnh vệ tinh LandSat và Sentinel 2 về hiện trạng rừng trên địa bàn quản lý theo định kỳ 3 - 5 ngày một lần.

Sau đó là trang bị… điện thoại thông minh (smartphone) được cài đặt ứng dụng trên cho các trạm quản lý, bảo vệ rừng. Khi xảy ra tình trạng biến động rừng, thông tin sẽ được tổng hợp, phân tích và truyền đến điện thoại thông minh của  trạm quản lý địa bàn. Ngay lập tức, tọa độ vị trí có biến động được xác định chính xác, lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp đến hiện trường điều tra, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, thu thập dữ liệu, thông tin, cập nhật vào phần mềm theo các biểu mẫu có sẵn, truyền về trung tâm để Ban giám đốc có hướng xử lý kịp thời, triệt để.

Đơn cử như trong phòng cháy chữa cháy rừng, trước đây, nếu như có điểm cháy rừng, người dân báo tin, nguyên chuyện xác định vị trí, tọa độ để hành quân (chưa nói chuyện bị lạc đường) đã tốn bao nhiêu thời gian, khi đến nơi thì đã thành đám cháy lớn. Hay như ngăn chặn chuyện phát nương làm rẫy, do đặc thù rừng nằm sát nương rẫy của dân nên không tránh khỏi tình trạng người dân lén lút mở rộng thêm, dù lực lượng có đông đến mấy, trách nhiệm đến mấy cũng khó có thể quản hết được, nhưng với ứng dụng này, chỉ một dấu hiệu phát nương rẫy là đã được phát hiện qua so sánh ảnh vệ tinh.

Hình ảnh tuần tra rừng được truyền về qua vệ tinh. Ảnh: H.L 

 

Qua màn hình điện thoại, tôi thu gọn đại ngàn Chư Mom Ray rộng hơn 56,2 nghìn ha vào đáy mắt. Và theo màn hình thu dần, thu dần, rừng núi mênh mông tập trung vào một điểm mang tên Ba Rgốc- một trong những trạm có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn nhất Vườn, khoảng 5.000ha chỉ với 5 người.

Chỉ riêng trong tháng 12/2020, anh em ở trạm Ba Rgốc đã thực hiện 53 chuyến tuần tra, với mấy chục km đường rừng. Một ngày như mọi ngày. Giám đốc Thủy cho hay.

Làm sao anh biết? Tôi ghé mắt nhìn. Anh chỉ vào những đốm tròn như hạt đậu đang nhấp nháy sáng: Đấy là vị trí của anh em đi tuần tra. Chỉ cần nhìn vào màn hình điện thoại là có thể biết anh em mình đang ở đâu, có đi tuần tra không, đi nhiều ít thế nào, lộ trình cụ thể ra sao...?

Cứ như diễn giải của anh Thủy, thì tất cả lộ trình của lực lượng bảo vệ rừng ở 11 trạm có sóng 4G để kết nối với ứng dụng đều được thể hiện chi tiết trên kho dữ liệu, từ thời gian đi, thời gian kết thúc, số km, tuyến đường… Đặc biệt, trong quá trình thực hiện tuần tra, các tổ, nhóm phải làm nhiệm vụ thu thập và báo cáo số liệu thực địa, vừa đảm bảo hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng hoạt động hiệu quả, vừa tăng độ tin cậy của số liệu (thông qua các bức ảnh chụp được gắn thẻ địa lý), giảm thiểu lỗi trong báo cáo số liệu (bằng việc sử dụng các mẫu biểu báo cáo dạng số).

Hiệu quả rõ nhất kể từ khi triển khai sáng kiến ứng dụng công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray là lâm phần quản lý được ổn định, hiệu quả các cuộc tuần tra bảo vệ rừng được nâng lên. Từ tháng 1/2018 đến nay đã thực hiện được 3.132 cuộc tuần tra với 17.096 lượt người tham gia. Nhiều điểm cháy được phát hiện từ hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến và được xử lý dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại; hàng loạt vụ vi phạm được phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Số vụ vi phạm năm sau giảm so với năm trước (năm 2018 giảm 57,14% so với năm 2017; năm 2019 giảm 68,6% so với năm 2018; 6 tháng đầu năm 2020 giảm 34,68% so với năm 2019).

Không chỉ vậy, ứng dụng này còn nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng, khắc phục cơ bản hiện tượng lơ là với công việc hoặc tình trạng cá biệt không thực hiện hoặc báo cáo không trung thực.

Và để chứng minh, chỉ với vài thao tác, trên màn hình điện thoại của anh Thủy xuất hiện hình ảnh Trạm trưởng Lê Văn Nghĩa đang cùng các nhân viên và tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng trên đường tuần tra. Thêm một thao tác, là hình ảnh nhân viên Trạm Rờ Kơi đang tháo bẫy thú giữa rừng…  

Trời tối hẳn. Màn hình điện thoại của Giám đốc Đào Xuân Thủy vẫn nhấp nháy những đốm sáng. Nhìn lên tấm bản đồ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cỡ lớn treo trên tường, tôi cố hình dung ra những đốm sáng ấy đang ở đâu giữa mông lung núi cao rừng thẳm kia, nhưng đành chịu.

Chỉ biết rằng, nơi này, với một chiếc điện thoại thông minh, đại ngàn thu vào đáy mắt, nhưng nơi mông lung thăm thẳm kia, vẫn có những con người quả cảm đang thức với rừng già. 

Hồng Lam

Chuyên mục khác