Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ: Thẳng thắn và trọng tâm

07/07/2020 20:31

Chiều 7/7, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XI tiến hành phiên thảo luận ở tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh thẳng thẳn đặt lên bàn nghị sự những vấn đề cử tri và dư luận xã hội quan tâm nhằm tìm ra những giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả; đồng thời cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ lưỡng về các báo cáo, tờ trình được trình tại Kỳ họp lần này.

Tham gia thảo luận tại tổ, đa số ý kiến của các đại biểu đánh giá cao về công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, hiệu lực hiệu quả điều hành của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020; qua đó, đã góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội nhưng ở lĩnh vực kinh tế của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại mà cử tri quan tâm, kiến nghị.

“Nóng” vấn đề đất đai

Cũng như Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh, tại Kỳ họp lần này, công tác quản lý, giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai tiếp tục là vấn đề “nóng” nhận được nhiều sự quan tâm và được nhiều đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận tại tổ; nhất là việc thực hiện đo đạc để triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở nhiều địa phương thời gian qua còn nhiều bất cập.

Đại biểu Thao Hồng Sơn (Tổ đại biểu HĐND huyện Đăk Glei) phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Đại biểu Thao Hồng Sơn (Tổ đại biểu HĐND huyện Đăk Glei) nêu ý kiến: Việc triển khai đo đạc của cơ quan chức năng chưa đảm bảo tính chính xác dẫn đến tình trạng chồng lấn khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và xảy ra tranh chấp đất đai trong nhân dân. Bên cạnh đó, hiện nay, ở một số nơi còn có tình trạng môi giới, nhận làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mức phí rất cao, khiến người dân hoang mang, lo lắng vì không có khả năng kinh tế. Đại biểu Thao Hồng Sơn quyết liệt “Đề nghị ngành chức năng cần có biện pháp giải quyết, chấn chỉnh tình trạng này”.

Đại biểu Mai Thoan (Tổ đại biểu HĐND huyện Ngọc Hồi) cho rằng: Quy định thủ tục đất đai hiện nay còn rườm rà, việc giải quyết thủ tục hồ sơ đất đai rất chậm trễ khiến người dân phải đi lại nhiều lần. Do đó, người dân kiến nghị ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình làm hồ sơ đất đai.

Việc ban hành giá đất, hệ số giá đất chưa kịp thời, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của nhân dân.

Về Dự thảo Nghị quyết các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Tổ đại biểu HĐND huyện Đăk Glei kiến nghị đối với dự án thủy điện tại Đăk Nhoong (Đăk Glei) đề nghị xem đánh giá lại mức độ ảnh hưởng vì lưu vực của công trình sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên địa bàn xã.

Nhiều vấn đề xã hội được đặt ra

Dịch bệnh là nội dung được nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, lo lắng, nhất là hiện nay trên địa bàn tỉnh bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đề nghị UBND tỉnh, ngành chức năng cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin cho người dân.

Đại biểu Y Vũ (Tổ đại biểu HĐND huyện Đăk Glei) phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Đại biểu Y Vũ (Tổ đại biểu HĐND huyện Đăk Glei) phát biểu: Hiện nay, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, nên người dân chưa chú ý đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh, trong khi nguồn lực của các địa phương hạn chế, không thể triển khai tiêm vắc xin đại trà.

Trước thực trạng trên, đại biểu Y Vũ đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn lực để triển khai tiêm vắc xin phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm cho người dân.

Dự thảo Nghị quyết quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày; quy định tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh cũng được nhiều đại biểu băn khoăn, đưa ra ý kiến thảo luận và kiến nghị một số giải pháp khắc phục.

Đại biểu Nghe Minh Hồng (Tổ đại biều HĐND huyện Tu Mơ Rông) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quang Định

 

Theo đó, đại biểu Nghe Minh Hồng (Tổ đại biều HĐND huyện Tu Mơ Rông) nêu quan điểm: Hiện chưa có quy định cũng như hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc tính khoảng cách từ nhà đến trường dẫn tới thực trạng bỏ sót đối tượng, nhiều học sinh bị thiệt thòi. Do đó, UBND tỉnh cần thống nhất phương pháp xác định khoảng cách cho phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện chế độ hỗ trợ đảm bảo công bằng, phù hợp...

Liên quan đến vấn đề giáo dục, các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn ngành chức năng cần linh hoạt hơn trong thực hiện chi hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh DTTS vùng khó khăn.

Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo lắng về tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng; công tác phòng chống tội phạm chưa thực sự đem lại sự an toàn, an tâm cho người dân; đặc biệt là tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông ngày càng tăng với mức độ nghiêm trọng hơn… Các đại biểu đề nghị lực lượng chức năng cần làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội.

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được quan tâm

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp lần này với nhiều ý kiến xoay quanh công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý bảo vệ rừng, phát triển cây dược liệu, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đại biểu Nghe Minh Hồng (Tổ đại biểu HĐND huyện Tu Mơ Rông) cho rằng: Hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên môn mỏng, rất khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp cần quan tâm tăng cường cán bộ làm công tác thú y, giúp các địa phương thực hiện tốt hơn chức năng phòng chống dịch bệnh như dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi.

Đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu HĐND huyện Ia H’Drai) nêu thực trạng, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng của lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng còn lỏng lẻo, thiếu quyết liệt dẫn đến tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi.

Việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh cũng được các đại biểu đặt lên “bàn nghị sự” tại Kỳ họp.

Theo đó, đại biểu Y Thanh (Tổ đại biểu HĐND huyện Đăk Glei) đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ người dân phát triển các loại cây dược liệu, nhất là giống sâm Ngọc Linh, sâm dây ở những địa bàn có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng. Đồng thời, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh giả tràn lan trên thị trường và trên các trang mạng xã hội để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh của tỉnh và lợi ích của người dân.

Bên cạnh việc thẳng thắn đưa ra các vấn đề thảo luận và đề xuất các giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại trong thực tế quản lý, điều hành, các đại biểu đều mong muốn rằng, các ngành, các địa phương tiếp tục có những giải pháp mang tính đột phá hơn, tăng cường công tác lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra.

Ngày 8/7, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XI tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Thùy Hương - Quang Định

 

Chuyên mục khác