04/12/2020 06:01
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 11/2020, toàn tỉnh ghi nhận 508 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó, có 192 người tử vong.
Những năm qua, chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân. Nhiều tổ chức xã hội cũng tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, kể cả người nhiễm HIV và gia đình có người nhiễm HIV/AIDS.
Theo đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được ngành Y tế tỉnh và các ngành, địa phương xác định là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Công tác vận động, giáo dục được triển khai thường xuyên, liên tục, rộng khắp thông qua nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp, trên xe loa lưu động, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi… Các thông điệp truyền thông được thay đổi theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, giáo dục tình thương, lòng nhân ái, không xa lánh, kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Từ đó, hầu hết người dân đều nhận thức được trách nhiệm trong việc tham gia phòng, chống HIV/AIDS, bảo vệ bản thân, những người xung quanh khỏi các nguy cơ lây nhiễm.
|
Các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được ngành Y tế tập trung triển khai với nhiều hoạt động như: Cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay, biện pháp điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được chú trọng thực hiện. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu, ít tốn kém, giúp bệnh nhân cải thiện về điều kiện kinh tế cũng như không tham gia vào con đường tiêm chích dễ gây lây nhiễm HIV/AIDS. Qua đó, góp phần giảm tình trạng lây nhiễm HIV hiệu quả, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS được quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình có người nhiễm HIV. Công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS của 2 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS ở Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang hoạt động hiệu quả. Hiện số bệnh nhân đang được đang điều trị ARV là 125 người, trong đó có 117 người lớn và 8 trẻ em; 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV có thẻ Bảo hiểm y tế và 9 bệnh nhân điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được ngành Y tế triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh với các hoạt động truyền thông, tư vấn và xét nghiệm phát hiện trong nhóm phụ nữ mang thai tại các cơ sở y tế và lưu động. Đến nay, trên 92% phụ nữ mang thai trên toàn tỉnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó, 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con bằng ARV, 2 em bé được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
“Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đề ra mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 - đây là một thách thức không nhỏ đối với cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.
Vì vậy, theo ngành Y tế tỉnh Kon Tum, để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao thì yếu tố quan trọng là cả cộng đồng cùng chung tay hành động. Riêng với ngành Y tế, trong thời gian tới, tiếp tục làm tốt công tác dự phòng chống lây nhiễm HIV; tập trung nâng cao chất lượng công tác điều trị người nhiễm HIV/AIDS. Phối hợp tốt với các cơ quan, địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS và thay đổi thái độ, hành vi đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Thiên Hương