Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

26/09/2020 13:01

Theo lời giới thiệu từ một đồng nghiệp, tôi đến thôn 7, xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) tìm gặp ông Huỳnh Nông (64 tuổi) - hội viên Hội Cựu chiến binh tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.

Khi tôi đến, ông Huỳnh Nông đang miệt mài với công việc ngoài vườn. Khuôn mặt đỏ bừng, trán lấm tấm mồ hôi, bộ đồ lấm lem bùn đất, ông tươi cười trò chuyện: “Sau mấy cơn mưa, cỏ dại trong vườn sau nhà mọc tốt quá, tôi phải tranh thủ làm cỏ...”.

Thế rồi, cách nói chuyện mộc mạc sống động của ông dần cuốn tôi vào câu chuyện làm ăn của gia đình.

Năm 1994, ông Huỳnh Nông là một trong những người đầu tiên tại xã Ngọc Wang tiến hành khai hoang rừng le để trồng cà phê. Khởi nghiệp đầy gian nan, những ngày đầu, thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đi đôi với trồng cà phê, ông đồng thời trồng các loại cây ngắn ngày như: lúa, bắp, mì… để có cái ăn và trang trải cuộc sống hàng ngày của cả gia đình. Bằng sự quyết tâm và đức tính cần cù, chịu khó, mấy năm sau, vườn cà phê của gia đình ông bắt đầu đem lại thu nhập ổn định. Cần mẫn, tích góp mở rộng diện tích canh tác, từ 5 sào cà phê ban đầu, gia đình ông đã có trên 3ha.

Ông Huỳnh Nông kể: Vào mỗi mùa cao điểm, tôi thường thuê khoảng 10 công mỗi ngày để thu hoạch. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, 3ha cà phê đem lại thu nhập cho gia đình gần 300 triệu đồng.

Ông Huỳnh Nông chăm sóc khu vườn của mình. Ảnh: T.T

 

Gắn bó với cây cà phê hơn chục năm, ông quyết định thử sức với nhiều mô hình cây trồng khác, như cam, sầu riêng, mít thái, điều… Hiện tại trong vườn của ông có khoảng 300 cây cam, 150 cây sầu riêng, 300 cây mít Thái, hơn 250 cây điều.

Ông Huỳnh Nông nhớ lại: Để có kinh nghiệm trồng được các loại cây này, tôi đã phải đi tham quan, học tập các mô hình cây trồng ở nhiều tỉnh khác nhau, cộng với kiến thức qua sách vở. Nhờ vậy tôi nhanh chóng tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân. Từ nhiều loại cây thử nghiệm, tôi đã lựa chọn ra những loại phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương để trồng. Như năm vừa rồi, từ 150 gốc sầu riêng, tôi thu được khoảng 100 triệu đồng. Những loại cây khác như cam, mít Thái, điều... tuy không nhiều, nhưng thu nhập cũng đủ để trang trải sinh hoạt trong gia đình, đồng thời hỗ trợ cho các mô hình kinh tế khác.

Trong câu chuyện của mình, ông Huỳnh Nông cũng chia sẻ những khó khăn hiện tại mà người nông dân thường gặp phải. Đó là chuyện thường xuyên bị ép giá sản phẩm. Lấy ví dụ như cây sầu riêng, dù hiện tại, giá thị trường khá cao (khoảng 70 – 80 nghìn đồng/kg), nhưng khi thương lái vào vườn thu mua thì giá sầu riêng bị ép còn khoảng 50 nghìn đồng /kg. Ông mong muốn, các cấp, các ngành hữu quan quan tâm, hỗ trợ người nông dân có thị trường tiêu thụ bình đẳng và ổn định.

Cùng với cây cà phê và cây ăn trái, ông Huỳnh Nông cũng đầu tư trồng thêm 2ha cao su. Với hơn 1.000 gốc cao su, mỗi năm, gia đình ông thu khoảng 300 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, ông đang có ý định mở rộng đầu tư phát triển chăn nuôi. Hiện tại ông đang nuôi thử nghiệm hơn chục cặp gà đẻ trứng, 1 cặp heo rừng và 3 con dê.

Ông Huỳnh Nông cười sảng khoái: Tuy tôi già rồi, nhưng tôi vẫn muốn làm, vẫn muốn lao động để làm gương cho con cháu noi theo. Bởi tôi tin rằng nếu có ý chí, nghị lực và sự chăm chỉ thì sẽ đạt được những thành công trong cuộc sống. Đó cũng là bài học mà tôi đã rút ra từ những trải nghiệm của chính cuộc đời tôi…    

Tất Thành 

Chuyên mục khác