Cựu chiến binh DTTS vùng sâu nỗ lực thoát nghèo

08/10/2023 06:29

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Đăk Glei đã năng động, sáng tạo, chủ động tìm hướng phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định, từ đó thoát nghèo và làm giàu.

Tiêu biểu như hội viên CCB A Sinh (sinh năm 1981), trú tại thôn Pêng Seil Pêng, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei. Năm 2004, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh A Sinh lập gia đình và ra ở riêng. Kinh tế của gia đình anh dựa vào 1ha đất trồng mì được bố mẹ chia cho, chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt, không có dư giả.

Với mong muốn cuộc sống gia đình khấm khá hơn, vợ chồng anh vừa nỗ lực tăng gia sản xuất trên mảnh đất của gia đình vừa đi làm thuê, làm mướn để có thêm thu nhập. Cần mẫn lao động, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, vợ chồng anh có được vốn để làm ăn, nhưng lại chưa tìm được hướng đầu tư hợp lý.

Anh A Sinh (bên trái) cung cấp cây giống cho bà con. Ảnh: YĐ

 

Thời gian này, anh tham gia sinh hoạt tại Hội CCB xã Đăk Pek. Được cán bộ hội động viên, hướng dẫn, sau thời gian suy nghĩ, học hỏi, tìm tòi, anh A Sinh đã phát triển thành công mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải, cung cấp cây, con giống, thu mua nông sản của bà con trên địa bàn.

Anh A Sinh kể: Nhận thấy bà con trong làng tới mùa thu hoạch vận chuyển nông sản đem đi bán rất khó khăn, phải thuê xe từ nơi khác chở đi, tốn nhiều chi phí, nên tôi nảy ra ý tưởng mua xe tải về chở thuê nông sản cho bà con. Nghĩ là làm, tôi đi học, thi giấy phép lái xe, sau đó được hỗ trợ vay vốn, cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, năm 2015 tôi mua trả góp một xe tải để kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa và mua bán nông sản.

Đến nay, mô hình này không chỉ đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm cho gia đình anh A Sinh mà còn tạo được việc làm cho 4-6 lao động thường xuyên, đều là những quân nhân xuất ngũ ở địa phương.

Mô hình trồng cà phê xứ lạnh cho gia đình anh A Đại (bên trái) có được nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: YĐ

 

Còn với hội viên CCB A Đại (trú tại thôn La Lua, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei) kinh tế gia đình đã được cải thiện nhờ trồng cà phê xứ lạnh. Vào khoảng 4 năm trước, anh trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi các loại giống cây trồng có thể thay thế được cây mì, lại có giá trị kinh tế cao. Sau nhiều lần học tập, tìm hiểu thực tế từ các mô hình sản xuất, tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh quyết định trồng cà phê xứ lạnh.

Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cà phê xứ lạnh do Hội CCB huyện tổ chức và được cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng nên diện tích cà phê của gia đình anh phát triển ngày càng xanh tốt, nay đã cho thu nhập. Đến nay, từ 1ha cà phê này, gia đình anh thu lãi ổn định từ 80-100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn trồng thêm cây mắc ca, quế và dự tính mở rộng diện tích cây trồng để phát triển kinh tế gia đình.

Dù là vùng sâu, vùng xa nhưng hiện nay số gia đình hội viên CCB ở huyện Đăk Glei có mức kinh tế khá, giàu chiếm 27,2 %. Toàn huyện có 18 gia trại và 6 mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên CCB làm chủ, tạo việc làm cho hơn 1.000 lượt lao động.

Có được kết quả này, nhiều năm qua, cùng với việc tuyên truyền, động viên hội viên phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, năng động, sáng tạo, chủ động tìm hướng phát triển kinh tế, Hội CCB huyện Đăk Glei đã triển khai nhiều phong trào, mô hình nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Đặc biệt là phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, qua đó đã huy động những hộ hội viên có mức kinh tế khá giàu, có kinh nghiệm trong lao động sản xuất, giúp đỡ những hội viên nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Ông Nghiêm Minh Hiệu – Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đăk Glei đánh giá: Hầu hết cán bộ, hội viên của Hội CCB ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hội viên người DTTS cũng đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tự tìm được hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Trong đó nhiều hội viên có các mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả, là gương điển hình, tiêu biểu để Huyện hội tuyên truyền cho các hội viên khác học tập và làm theo.      

Y Đô

Chuyên mục khác