Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

03/02/2018 07:17

Đêm 29, rạng sáng 30/1/1968 (tức rạng sáng ngày mùng Một Tết Mậu Thân), theo giờ G thống nhất chung trên toàn miền Nam, quân và dân Kon Tum đã cùng với quân và dân toàn miền Nam đồng loạt nổ súng tấn công vào các trung tâm đầu não của địch.

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở Bắc Tây Nguyên, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp với tỉnh Gia Lai, phía đông giáp với tỉnh Quảng Ngãi, phía tây giáp với tỉnh Attapư, Sê Kông (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia); có đường biên giới dài 280,7km (giáp Lào 142,4km, giáp Campuchia 138,3km). Nằm ở ngã ba khu vực Đông Dương, Kon Tum có vị trí địa lý và chính trị hết sức quan trọng đối với cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng, là hướng tấn công chủ đạo của chiến dịch Bắc Tây Nguyên Đông – Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân – Hè 1972.

Tháng 12/1967, trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình chiến trường miền Nam sau hơn hai năm đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược (1966 – 1967), Bộ Chính trị đã quyết định “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định” với mục tiêu: “Nhằm tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) và các Tỉnh ủy Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk đã tổ chức Hội nghị liên tịch để thống nhất cách phối hợp hoạt động. Đối với tỉnh Kon Tum, mục tiêu tấn công tập trung vào 2 căn cứ lớn của địch là thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum) và Đăk Tô – Tân Cảnh. Công tác chuẩn bị được tiến hành gấp rút và hết sức kỹ càng, cùng với bộ đội chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên (B3), Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dồn sức cao độ cho chiến dịch.

Tỉnh ủy và Ban cán sự thị xã Kon Tum (H5) đã xây dựng các phương án đánh địch: Diệt ác ôn ở nội ô, nổi dậy của quần chúng khi lực lượng vũ trang của ta từ ngoài đánh vào; đồng thời phân công cán bộ bám trụ địa bàn để tiếp tục gây dựng cơ sở.

Trong thị xã Kon Tum, các cơ sở mật của ta tích cực hoạt động, thông qua sinh hoạt hằng ngày để ngụy trang, nhằm tránh sự phát hiện của cảnh sát ngụy, bí mật thực hiện việc cất giấu, vận chuyển vũ khí đạn dược, các phương tiện, vật dụng cần thiết vào nội thị; nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và nhân dân ở nội thị nói riêng đã đóng góp đến mức cao nhất có thể về sức người, sức của phục vụ chiến dịch (chuẩn bị 618 bộ quần áo lính ngụy để bộ đội đặc công của ta cải trang khi đánh vào thị xã, cất giấu vũ khí để phục vụ cuộc tổng tấn công...).

Nhận thấy tình hình cơ sở hoạt động cách mạng của ta ở nội thị tương đối vững vàng, tháng 1/1968, Ban cán sự thị xã Kon Tum đã thống nhất phương án diệt ác ôn làm trong sạch địa bàn; theo đó, ngày 19/1/1968, đã giao đồng chí Trần Văn Hai thực hiện nhiệm vụ tấn công địch tại 3 điểm gồm: Tòa hành chính tỉnh, cơ quan tình báo Mỹ tại Kon Tum, đồn cảnh sát thị xã và tiêu diệt tên Nguyễn Hợp Đoàn – Tỉnh trưởng Kon Tum. Tuy nhiên, đến ngày 22/1/1968, đồng chí Trần Văn Hai bị lộ, địch bắt và tra tấn hết sức dã man nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết, không hề khai báo. Lợi dụng lúc địch sơ hở, đồng chí Trần Văn Hai cướp lựu đạn giấu vào người chờ khi bọn địch đến gần thẩm vấn đã bung lựu đạn tiêu diệt được một tên sĩ quan ác ôn của địch và đồng chí đã anh dũng hy sinh. Gương hy sinh dũng cảm của đồng chí Trần Văn Hai đã động viên mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Ngày 24/1/1968, Ban cán sự H5 quyết định đưa 9 đồng chí đặc công của chi bộ A51 và chuyển 4 tạ thuốc nổ, 8 khẩu AK, 1 khẩu B40 vào nội thị trước. Các hoạt động khác chuẩn bị cho chiến dịch cũng được các cơ sở xúc tiến với một tinh thần khẩn trương và bí mật.

Trong thế tích cực khẩn trương chuẩn bị cho tổng tấn công, Ban Chỉ huy chiến dịch được thành lập gồm các đồng chí: Vương Tuấn Kiệt – Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên (B3) làm tư lệnh, Nguyễn Văn Tiềm – Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum làm Chính ủy và một số đồng chí: Phùng Bá Thường, Nguyễn Tập, Lê Tấn Thuận. Chiều 29/1/1968, ta tổ chức cho bộ đội ăn tết trước. Sau đó các lực lượng bộ đội, đảng viên, đội công tác, biệt động, tự vệ mật cùng Tiểu đoàn đặc công 406 và Tiểu đoàn bộ binh 304 của tỉnh bí mật hành quân vào các vị trí tập kết trong thị xã chờ giờ nổ súng theo quy định. Riêng Tiểu đoàn đặc công 406 cải trang thành lính ngụy bí mật tiến sâu vào nội thị.

Đêm 29, rạng sáng 30/1/1968 (tức rạng sáng ngày mùng Một Tết Mậu Thân), theo giờ G thống nhất chung trên toàn miền Nam, quân và dân Kon Tum đã cùng với quân và dân toàn miền Nam đồng loạt nổ súng tấn công vào các trung tâm đầu não của địch.

Tại Đăk Tô – Tân Cảnh, một bộ phận bộ đội chủ lực cùng lực lượng vũ trang địa phương đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn thị trấn Tân Cảnh, tiêu diệt đồn cảnh sát, đánh phá khu đồn Đăk Prông, cơ quan tổng xã của địch; pháo kích uy hiếp quận lỵ Đăk Tô và các bốt gác lẻ xung quanh, làm tê liệt hoàn toàn khả năng phản kích của địch.

Tại hướng trọng điểm thị xã Kon Tum, lực lượng ta đã nhanh chóng triển khai đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch đã định. Tiểu đoàn Đặc công 406 đánh vào Toà hành chính, Ty cảnh sát và Tiểu khu Kon Tum; Tiểu đoàn bộ binh 304 tấn công sân bay; bộ đội thị xã và trinh sát Tỉnh đội đánh vào cư xá sĩ quan địch.

Ngoại trừ Biệt khu 24 của địch ta chưa chiếm được và cầu Đăk Bla ta không phá được. Sau 30 phút chiến đấu quyết liệt, quân ta đã đánh chiếm và làm chủ hai phần ba thị xã Kon Tum, trong đó có các khu vực quan trọng như Tòa hành chính, Ty cảnh sát ngụy, Tiểu khu Kon Tum và sân bay Kon Tum, tiêu diệt 1.800 tên địch, phá hủy 250 xe quân sự, 26 máy bay và nhiều kho tàng đạn dược. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng và do không đánh chiếm được Biệt khu 24 nên địch đã dựa vào đây để củng cố lại lực lượng tiến hành phản kích. Chúng dùng máy bay, phi pháo kết hợp với bộ binh phản công ta mạnh mẽ. Trước tình hình trên, để bảo toàn lực lượng, Ban Chỉ huy chiến dịch đã quyết định rút phần lớn lực lượng ra bên ngoài. Riêng Tiểu đoàn đặc công 406 và Tiểu đoàn bộ binh 304 ở thế khó rút lui nên những chiến sĩ của hai Tiểu đoàn trên đã anh dũng chiến đấu với địch. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa các chiến sĩ của ta với địch diễn ra trong lòng thị xã vô cùng ác liệt. Các chiến sĩ đã dựa vào các vật cản trong khu phố làm công sự để chiến đấu với địch. Tiêu biểu là đồng chí A Xâu (Tiểu đoàn Đặc công 406) một mình trụ bám tại khu chợ chiến đấu với địch suốt 2 ngày, 3 đêm, sau đó tự phá vòng vây trở về với đơn vị; đồng chí A Than (16 tuổi) diệt được nhiều tên địch và thoát ra ngoài an toàn.

Gần một tuần làm chủ tình hình và chiến đấu ác liệt với địch, ngày 6/ 2/1968, tất cả các lực lượng của ta đều rút khỏi thị xã Kon Tum về vùng căn cứ H5 để củng cố lại lực lượng và chuẩn bị cho đợt tấn công mới.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở tỉnh Kon Tum đã giành được thắng lợi quan trọng; cùng với quân, dân toàn miền Nam tạo nên thế đánh bất ngờ, táo bạo, giáng cho địch một đòn chí mạng, gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc chúng phải đối phó bị động, lúng túng. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân tỉnh Kon Tum mở một cuộc tổng tiến công với quy mô lớn, đánh vào ngay chính trung tâm đầu não lớn nhất của địch trên địa bàn tỉnh. Trên cục diện chiến trường chung của cả nước, đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là cuộc tổng diễn tập quan trọng để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đã mở ra bước ngoặt mới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địch bị thất bại buộc phải xuống thang chiến tranh, thay đổi “Chiến lược chiến tranh cục bộ” thành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chấp nhận mở hội nghị đàm phán 4 bên ở Pari. Từ đây, cách mạng Việt Nam có thêm một mặt trận mới, mặt trận đấu tranh ngoại giao để đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là dịp để mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum ôn lại sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng của đất nước nói chung, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng. Kết quả và những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 không chỉ có giá trị trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập dân tộc, mà cả trong thời kỳ cách mạng hiện nay, thời kỳ đổi mới phát triển quê hương đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát huy truyền thống cách mạng của các chế độ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, thời gian tới, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp do Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ đạo trên các mặt công tác; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đề ra biện pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án đã ban hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển bền vững.

                                                            Nguyễn Văn Hùng

                  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum

Chuyên mục khác