Cuộc sống mới trên vùng chiến trường xưa

24/04/2020 06:07

48 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn xây dựng cuộc sống mới trên vùng chiến trường khốc liệt năm xưa.

Ngày 24/4/1972 trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của huyện Đăk Tô, mở ra trang sử mới: Đảng bộ và quân dân trong huyện tiếp tục chiến đấu bảo vệ, xây dựng quê hương đồng thời góp sức người, sức của vào sự nghiệp giải phóng tỉnh Kon Tum.

Từng làm công tác mặt trận tại địa phương vào những năm 1980 cho đến nay, Trưởng Ban Mặt trận khối phố 7 (thị trấn Đăk Tô) - Trịnh Quang Vinh nhớ lại, sau chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, huyện Đăk Tô được giải phóng hoàn toàn, lúc đó nhiều gia đình đang sống tản mát trong rừng núi để tránh chiến tranh được vận động trở về địa phương. Cuộc sống sau chiến tranh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình không có nhà ở (do bom đạn tàn phá), không có lương thực. Thêm vào đó, thiên tai, dịch bệnh (như sốt rét, cúm..) hoành hành, nên số người đau ốm, mất sức lao động chiếm phần đông trong dân cư.

Trước thực tế khó khăn diễn ra như thế, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết trước mắt. Trong đó, xuất nguồn lương thực dự trữ để chia sẻ lương thực tối thiểu cho nhân dân, đồng thời chỉ đạo chính quyền và mặt trận, các tổ chức đoàn thể phụ nữ, thanh niên… vận động tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ trong người dân. Đối với nhu cầu nhà ở của nhân dân, huyện huy động lực lượng giúp các hộ gia đình không có nhà ở dựng nhà mới… 

Để giải quyết những vấn đề bức thiết cho nhân dân, huyện Đăk Tô còn được Tỉnh ủy quan tâm, tăng cường đội ngũ cán bộ cốt cán về xây dựng hệ thống chính trị ở các xã, bước đầu thực hiện vai trò quản lý cơ sở và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo xây dựng cuộc sống mới nơi đây.

Nhớ lại ngày tháng vượt gian khó xây dựng chính quyền ở cơ sở, ông Nguyễn Thanh Long (cán bộ hưu trí, ở tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Tô) chia sẻ, vốn là cựu chiến binh của Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 152 (Quân khu IV), từ năm 1978 - 1990, ông được tăng cường về địa phương (huyện Đăk Tô) và được phân công làm Đội trưởng Đội công tác xây dựng cơ sở tại xã Pô Kô. Trong thời gian ở xã Pô Kô, ông đã cùng với cán bộ, đảng viên khác vừa thực hiện nhiệm vụ truy quét FULRO, vừa tuyên truyền, giáo dục chính trị và vận động nhân dân tăng gia sản xuất, tham gia các lớp học chữ để diệt  “giặc dốt”.

Những tuyến đường sẽ được bê tông mới ở thị trấn Đăk Tô đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV. Ảnh: MT

 

Theo ông Long, những tháng ngày xây dựng chính quyền mới ở cơ sở dù vất vả nhưng cũng đầy tự hào vì được cống hiến công sức cho cách mạng xây dựng quê hương, đất nước sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Do đó, ngoài nhiệm vụ quản lý xây dựng cơ sở, ông Long còn là cán bộ gương mẫu, tiên phong đăng ký nhận khoán đất công để kêu gọi người thân và nhân dân, đồng bào DTTS tại chỗ gieo trồng những cánh đồng lúa lớn, đến trồng cây cao su…với tổng diện tích trên 450ha và chăn nuôi đàn gia súc hàng trăm con ở các xã Pô Kô, Diên Bình, Ngọc Tụ, Văn Lem, Đăk Tờ Kan…

Vượt qua thời kỳ gian khó trên, Đảng bộ huyện Đăk Tô tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa tích cực những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, huyện đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các nguồn lực khác để đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hóa cơ sở) đáp ứng tốt nhu cầu giao thương, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân.

Nhờ đó, huyện đã có những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, đến giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 14,7%. Giai đoạn 2015-2020, tổng giá trị sản xuất ước bình quân tăng 9,12%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng ước tăng bình quân 8,32%/năm; ngành thương mại - dịch vụ ước tăng 10,12%/năm; ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 9,59%/năm. Thu nhập bình quân đầu người ước năm 2020 đạt 36,92 triệu đồng, tăng 15,92 triệu đồng so với năm 2015; thu ngân sách trên địa bàn tăng qua các năm, ước thu ngân sách năm 2020 đạt 100 tỷ đồng.

Mạng lưới y tế và hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từ huyện đến cơ sở có chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ. Đến nay, 9/9 trạm y tế có bác sỹ, 100% trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2019 đạt 87%. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp hằng năm đạt trên 98%; tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố đạt trên 99,8%, có 30/38 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,9%. Các chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt; đã có nhiều mô hình, dự án, chính sách giảm nghèo được lồng ghép triển khai đồng bộ. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,36%...

Ngoài ra, phát huy nguồn lực sẵn có, năm 2015 đến nay, nhân dân đồng thuận, đóng góp gần 8 tỷ đồng để xây dựng các tiêu chí đô thị loại IV của thị trấn Đăk Tô, chung tay xây dựng nông thôn mới cho các xã trong huyện. Qua đó, đưa 4 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn các tiêu chí về nông thôn mới, các xã còn lại đạt  trung bình 14,5 tiêu chí/xã.

Có thể nói, 48 năm sau chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972), với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ cho vùng đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa.

 Trần Hà  

Chuyên mục khác