Cuộc sống mới trên làng tái định cư ở Kon Plông

25/01/2017 08:16

Vẫn tên làng cũ, vẫn là nếp nhà sàn gỗ, vẫn bà con trong cùng cộng đồng dân cư bấy lâu, thế nhưng, cuộc sống của những người dân thuộc các làng tái định cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đã hoàn toàn đổi khác. Sau nhiều cố gắng của huyện Kon Plông, 139 hộ dân thuộc diện tái định cư tập trung có chỗ ở mới an toàn, ổn định.

Chớm xuân, ban mai đầy sương bảng lảng cùng những làn khói bay lên từ các nóc bếp kết thành vệt trắng mờ tỏa khắp núi rừng. Những ngôi nhà sàn, kho lúa của dân làng Đăk Da (xã Đăk Ring) ẩn hiện trong sương sớm.

Trên con đường bê tông phẳng lì, lũ trẻ tung tăng đến trường, chốc chốc lại có từng cặp vợ chồng đeo gùi, người vác cuốc rủ rỉ chuyện trò trên đường đi làm rẫy. Ngó vào mấy nhà ven đường, tôi thấy nhà nào cũng có một bồn đựng nước sinh hoạt, đường dây điện cũng được kéo về đến từng nóc nhà.

Đường bê tông, điện sinh hoạt được đầu tư đồng bộ. Ảnh: T.H

 

Hỏi thăm nhà thôn trưởng, lũ trẻ dẫn tôi đến một ngôi nhà mới làm rồi bảo: Nhà chú Chính đó, sau khi từ làng cũ dời ra đây, chú ấy xây nhà mới liền, đẹp lắm cô ơi.

Trong ngôi nhà mới lát gạch men sáng trưng, thôn trưởng Đinh Quốc Chính kể: Làng cũ nằm cách vị trí của làng mới 4km, nằm rất sâu trong núi nên dân làng chỉ mở được con đường mòn, mùa nắng đi lại đã khó khăn, còn mùa mưa thì cả làng chỉ đi bộ để ra ngoài.

“Vì địa hình hiểm trở, dân số ít nên điện lưới cũng chưa được kéo về, mấy nhà toàn phải chung nhau làm thuỷ điện nhỏ để giải quyết nhu cầu bức bách về điện, song nguồn điện này cứ chập chờn theo sự thất thường của dòng suối chảy ven làng. Thương nhất là mấy đứa nhỏ, đi học xa, gặp khi mưa gió, rét buốt cực khổ vô cùng; rồi trong làng có người ốm đau cũng rất khổ sở vì ở xa Trạm y tế. Về nơi ở mới bây giờ, quá sướng rồi, cuộc sống cứ như được bước sang một trang mới vậy.” - anh Chính tâm sự.

Làng Đăk Da hôm nay nằm cách trung tâm xã Đăk Ring chỉ chừng hơn cây số, đường bê tông được thảm đến tận cổng của các gia đình; trạm y tế, trường học ở ngay sát làng, điện lưới, nước sinh hoạt đầy đủ. Hỏi thăm người dân trong làng, ai cũng hớn hở, A Hiếu bày tỏ: Thật đúng là trước đây mình không dám mơ có được cuộc sống như hôm nay. Nhà báo thấy đó, bây giờ xe máy có thể đi từ nhà đến tận rẫy, từ việc đi lại của mọi người đến việc học hành của con trẻ đều thuận lợi. Ra làng mới, nhiều nhà đã mạnh dạn mua xe máy, sắm tivi, tủ lạnh...

Tuy nhiên, để làm một cuộc cách mạng chuyển cả làng đến nơi ở mới là điều không dễ dàng. Anh Mai Xuân Mậu – Chủ tịch UBND xã Đăk Ring nhớ lại: Xã Đăk Ring có 2 làng là Đăk Da và Kíp La với 60 hộ dân nằm trong khu vực không an toàn vì gần khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cuộc sống rất bất tiện, thiếu thốn. Trong khi đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng cũng không khả thi vì phải cần rất nhiều kinh phí, nhưng lại không hiệu quả vì số dân được hưởng ít; huyện có chủ trương di dời các hộ dân thuộc diện này đến khu vực an toàn, thuận lợi hơn.  

Thế nhưng, khi đưa ra chủ trương dời làng đến nơi khác, chính quyền xã cũng vấp phải không ít khó khăn bởi người dân vốn đã quen với nếp sống ở làng cũ, trong khi nơi ở mới thì chưa biết thế nào nên nhiều người không muốn thay đổi, thậm chí phản đối quyết liệt. Với sự kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục; được già làng, thôn trưởng tin tưởng, ủng hộ rồi dần dần bà con cũng hiểu và tự nguyện rời nơi ở cũ.

Là một trong những làng cũng nằm trong diện tái định cư tập trung, 40 hộ dân của làng Măng Krí (xã Ngọc Tem) đến nay đã ổn định cuộc sống nơi ở mới, các gia đình đã “an cư” đang từng bước “lạc nghiệp”.

Năm nay dân làng Măng Krí được mùa lúa rẫy nên nhà nào cũng dự định ăn tết to. Ảnh: T.H

 

Không giấu được niềm vui khi về ở làng mới, bà Y Nin chia sẻ: Cả đời mẹ cũng không mơ rằng mình có nơi ở mới tốt như thế này. Làng cũ nằm ở dưới chân núi lại sát ngay suối, đến mùa mưa lũ ai cũng lo nước ngập, rồi sạt lở. Thế nhưng, rất may huyện và xã đã nhanh chóng tìm quỹ đất và đưa cả làng đến ở nơi mới cao ráo, an toàn, mẹ yên tâm lắm. Cái nhà này là nhà cũ, cây cột đều là cột cũ nhưng đám thanh niên đã dựng lại cho mẹ vững chắc lắm. Đây là năm thứ hai cả làng được đón tết ở làng mới, năm nay được mùa lúa rẫy nên mẹ làm mấy ghè rượu, nuôi mấy con gà để dành ăn tết.

Hai khu dân cư của làng Măng Krí đều nằm trên những khu đất bằng phẳng, sát với đường liên thôn, gần ngay điểm trường mầm non và tiểu học; đường nội thôn, điện, nước sinh hoạt... cũng được huyện đầu tư xây dựng đồng bộ theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Từ đó, cuộc sống của người dân đã được nâng lên rất nhiều, ấm no hơn.

Để được mục sở thị địa thế của làng Măng Krí trước đây, tôi nhờ trưởng thôn A Quýu dẫn đường. Từ trên đường Trường Sơn Đông nhìn xuống khu đất vốn là nơi định cư của 40 hộ dân làng Măng Krí giờ đã bỏ hoang nằm sâu hun hút, sát cạnh con suối Đăk Lò. Tôi hình dung, nếu như không may có một trận lũ quét qua nơi này thì khó có thể nói hết được số phận của cả làng Măng Krí. Thế mới thấy, chủ trương dời toàn bộ làng đến nơi ở mới của chính quyền huyện Kon Plông là một quyết định sáng suốt, đúng đắn và kịp thời.

“Vẫn biết khi phải chuyển đến nơi mới, người dân không tránh khỏi cảm xúc bùi ngùi, lưu luyến bởi từ khi chọn vị trí đất để lập làng, những người hiền minh nhất của cộng đồng đã lựa chọn rất kỹ càng rồi mới định cư, trải qua năm tháng nếp ăn, nếp ở đã quen. Thế nhưng, trước những thay đổi và tác động của tự nhiên, xã hội; làng cũ không còn phù hợp nên khi huyện và xã phân tích những thiệt hơn thì bà con dân làng dần dà cũng đã hiểu và thuận lòng. Mình vui lắm! Hai năm nay, cuộc sống của bà con trong làng an toàn và đỡ khổ nhiều rồi. Dân làng tập trung gần nhau rất vui, đầm ấm và càng thêm gắn kết, quây quần” – A Quýu chia sẻ.

Theo ông Lê Tấn Hiển – Trưởng phòng Dân tộc huyện Kon Plông, trước thực trạng một số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện sống ở những khu vực không an toàn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, trong đó có 5 khu vực cả làng nằm trong vùng nguy hiểm, huyện Kon Plông đã có chủ trương di dời các hộ dân đến nơi ở mới an toàn, thuận tiện hơn theo diện định cư tập trung, số hộ nằm rải rác thì được bố trị định cư xen ghép.

Để làm được điều này, việc đầu tiên là tìm quỹ đất nơi tái định cư. Ở Kon Plông, đất rừng, đất rẫy mênh mông, nhưng để tìm một diện tích đất lớn bằng phẳng, thuận tiện thì rất khó, trong khi kinh phí để san ủi, hỗ trợ rất hạn chế, do đó, huyện và các xã đã vận động những người có đất ở khu vực hội đủ các yếu tố để lập làng tự nguyện hiến đất, đổi đất, huyện đền bù hoa màu. Sau đó, các địa phương có trách nhiệm thuyết phục người dân di dời đến nơi ở mới.

Khi di dời, mỗi hộ dân được hỗ trợ 20 triệu đồng để tháo dỡ nhà cũ và dựng lại nhà mới. Phòng Dân tộc phối hợp với các xã huy động lực lượng giúp đỡ người dân chuyển nhà, các ngành chức năng tạo điều kiện để người dân khai thác gỗ rừng để làm nhà, làm bếp...

Điều đáng nói, những làng tái định cư ở Kon Plông, người dân chỉ di dời nơi ở, còn đất sản xuất, canh tác của bà con vẫn được giữ nguyên. Đa phần các xã lựa chọn vị trí lập làng mới đều ở gần nơi canh tác, nên dù thay đổi chỗ ở nhưng không làm đảo lộn nhiều về cuộc sống, sản xuất của người dân.

Đi qua các làng tái định cư tập trung này, những hình ảnh để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, đó là đám trẻ con hớn hở chạy nhảy trên những con đường bê tông uốn lượn, chiều chiều từng đàn bò thong dong đi về làng; trong các gia đình, xe máy, ti vi, tủ lạnh trở nên phổ biến. Làng mới, nhà mới, cơ sở hạ tầng đồng bộ… đã giúp người dân nơi đây ổn định đời sống, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác