“Cuộc đua” khắc nghiệt

22/06/2023 13:13

Chưa bao giờ báo chí lại chịu sức ép nhiều từ mạng xã hội như hiện nay. Hay đúng hơn là mạng xã hội đang có sự xâm lấn, đe dọa thay thế chức năng thông tin của báo chí, thách thức chỗ đứng của nhà báo, buộc báo chí phải bước vào “cuộc đua” khắc nghiệt.

“Bạn” hay “thù”?

Rất nhiều lần, trong quá trình hoạt động báo chí, tôi nhận được câu hỏi: Báo chí với mạng xã hội là bạn hay thù?

Mạng xã hội có thể cung cấp mọi thông tin, từ những thông tin ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người như động đất, bão lũ, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, đến những điều nhỏ nhặt bình thường nhất trong cuộc sống riêng tư mỗi người.

Vì vậy, có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí, thậm chí làm đảo lộn và thay đổi môi trường truyền thông hiện nay.

Báo chí cần làm tốt nhiệm vụ định hướng dư luận. Ảnh: H.L

 

Trở lại với câu hỏi trên, nhiều năm qua, dù không phải là người thích sử dụng mạng xã hội, cũng hiếm khi sử dụng mạng xã hội, nhưng tôi vẫn thừa nhận rằng, báo chí với mạng xã hội vừa là “bạn” vừa là "thù”.

Sở dĩ nói vậy vì giữa báo chí và mạng xã hội có sự tác động qua lại lẫn nhau. Báo chí tác động thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ, hàng phút đến mạng xã hội và ngược lại, mạng xã hội cũng tác động liên tục và mạnh mẽ đến báo chí.

Trước hết, báo chí và mạng xã hội là nguồn đề tài, nguồn tư liệu cho nhau. Nếu như các bài báo mang tính thời sự cao trên báo chí nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận và chia sẻ trên mạng xã hội thì ngược lại, những thông tin, tư liệu cá nhân phong phú trên mạng xã hội cũng là nguồn tham khảo, gợi ý phong phú và vô tận đối với các nhà báo.

Ví dụ như, trong thời gian dài chống dịch Covid-19, các phóng viên, nhà báo đã nắm bắt được những thông tin mới xảy ra để kịp thời tìm hiểu, phản ánh.

Hoặc từ thông tin về mưa lũ được đăng tải trên mạng xã hội, phóng viên nhanh chóng tiếp cận hiện trường để đưa tin trung thực, khách quan về tình hình mưa lũ và thiệt hại. 

Nguồn thông tin đó lưu chuyển lẫn nhau. Báo chí sử dụng, thẩm định, phát triển nguồn thông tin từ mạng xã hội và mạng xã hội chia sẻ, quảng bá, bàn luận, thẩm định các tác phẩm báo chí đã được đăng tải.

Trong quá trình tương tác qua lại với mạng xã hội, báo chí còn thực hiện việc định hướng, điều chỉnh thông tin trên mạng xã hội. Thông tin từ mạng xã hội lại mang tính cá nhân, chưa được kiểm chứng và nhìn chung là được lan truyền theo kiểu “một đồn mười, mười đồn trăm”.

Chỉ khi báo chí tiếp nhận, xử lý, kiểm chứng và tổ chức lại thông tin thì thông tin từ mạng xã hội mới trở nên đáng tin cậy.

"Cuộc đua" khắc nghiệt

Chỉ thị 43- CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư nhận định: “Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều tác hại”.

Thực tế cũng cho thấy, mối quan tâm của công chúng đối với báo chí cũng đang có xu hướng giảm dần.

Lý do bắt nguồn từ sự tiện lợi, cung cấp thông tin nhanh, rộng, sâu tới mọi người. Và nhất là, với mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể thành “nhà báo”, nếu chỉ xét ở nghĩa cung cấp thông tin cho công chúng.

Vì vậy, mạng xã hội đang có sự xâm lấn, đe dọa thay thế chức năng thông tin của báo chí, thách thức chỗ đứng của nhà báo, buộc báo chí phải bước vào “cuộc đua” khắc nghiệt.

Cần khẩn trương nắm bắt và thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu mới trong tác nghiệp và xuất bản. Ảnh: HL

 

Trong "cuộc đua" ấy, mạng xã hội tạo ra sức ép cập nhật tin tức, buộc nhiều cơ quan báo chí phải chạy đua xem ai nhanh hơn, với mục tiêu không “đi sau” hay “chạy theo” mạng xã hội.

Từ đó, không ít nhà báo, phóng viên ngày càng trở nên phụ thuộc vào mạng xã hội trong quá trình tác nghiệp. Rốt cuộc, họ bị cuốn vào “cuộc chơi”, miệt mài chạy theo những thông tin lan truyền trên mạng, sử dụng nguồn tin thiếu kiểm chứng từ mạng xã hội, dẫn đến cung cấp thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Đây là nguyên nhân khiến nhiều tờ báo đã bị “tuýt còi”, buộc phải cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật; nhiều nhà báo bị xử phạt, thậm chí thu hồi thẻ, một số tờ báo bị thu hồi giấy phép có thời hạn.

Trong sự vận động và phát triển của báo chí đương đại, việc sử dụng và tích hợp truyền thông xã hội vào báo chí là một trong những xu hướng phát triển mới của báo chí truyền thông hiện đại.

Tuy nhiên, bị mạng xã hội dẫn dắt hay phát huy được vai trò định hướng trong cuộc chạy đua với mạng xã hội không phải là điều đơn giản với mỗi nhà báo.

Với nhà báo, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn mà bất cứ nhà báo nào cũng luôn phải “khắc cốt ghi tâm” là: Thông tin trên mạng xã hội thật giả lẫn lộn, luôn phải sàng lọc và kiểm chứng thông tin.

Về phía cơ quan báo chí, với tốc độ của mạng xã hội, báo chí có thể không theo kịp về thông tin nhưng phải thắng, vượt lên ở độ chính xác của thông tin ấy, từ đó định hướng dư luận xã hội. 

Thay vì bị cuốn vào cuộc đua khắc nghiệt, mà trong đó phải chịu thua thiệt nhiều thứ, báo chí phải chủ động hợp tác với nhau để dẫn dắt và giải quyết hài hòa hai nhiệm vụ. Đó là làm thế nào để vừa có thể đưa thông tin nhanh nhạy, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của công chúng mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, tính định hướng dư luận của báo chí.

Tin vui là, trong "biển" thông tin tràn ngập, thật giả lẫn lộn như hiện nay, vai trò của báo chí ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Khi người dùng phải “bơi” giữa "biển" thông tin, họ rất cần những “ngọn hải đăng” chỉ lối để không bị “chìm”.

Đây sẽ là lợi thế của báo chí trong cạnh tranh với mạng xã hội. 

Hồng Lam

Chuyên mục khác