Cuộc đấu tranh Lưu huyết - đau thương và hào hùng

12/12/2023 13:05

Theo dấu chân những người bạn đi dọc bờ sông Đăk Bla, tôi đã có dịp đến thăm nhà ngục Kon Tum - nay đã trở thành di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia. Nơi đây đã chứng kiến một quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của hàng trăm người tù chính trị trước chính sách tàn bạo của thực dân Pháp. Trong không gian ấy, trong tôi lại ngược dòng thời gian tìm về lịch sử của Cuộc đấu tranh Lưu huyết năm xưa.

Hình ảnh từng đoàn người keo lê xiềng xích bị đày đi trên đường, phải lao động khổ sai dưới thời tiết khắc nghiệt, bị đánh đập, bị tra tấn, đau ốm, bệnh tất, thiếu thốn, phải bỏ mạng… thật đau thương; rồi hình ảnh của các tù nhân dũng cảm đứng lên phản đối chính sách đàn áp, tra tấn dã man của cai ngục và binh lính Pháp để rồi từng người một ngã xuống trước họng súng của kẻ thù. Có lẽ, trong một phút giây nào đó, bọn cai ngục và binh lính Pháp - những kẻ trực tiếp cầm súng bắn vào những chiến sĩ của ta và kể cả bộ máy của chính quyền thực dân đã cảm thấy run sợ trước tinh thần anh dũng, quả cảm ấy. Người Việt Nam vốn hiền hòa, nhưng người Việt Nam giàu lòng yêu nước, người Việt Nam có tinh thần kiên cường, bất khuất, lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của một dân tộc nhỏ bé phương Đông luôn phải đối đầu với âm mưu xâm lược, đồng hóa, thôn tính của các thế lực ngoại bang không phải là một sự hư cấu nào cả, nó đang biểu hiện một cách hiên ngang, sinh động ngay trước mắt kẻ thù.

Ngục Kon Tum. Ảnh: Bộ VHTT&DL

 

Thật may mắn thay trước đó, Chi bộ Binh và Chi bộ đường phố đã ra đời. Mặc dù trong hoàn cảnh bị giam cầm, nhưng lý tưởng cộng sản, khí thế cách mạng mà Đảng và đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra đã len lỏi vào tâm khảm của mỗi con người cách mạng nơi đây. Sự hy sinh anh dũng của những người tù chính trị ấy đã thổi bùng ngọn lửa căm hờn của những người còn lại đang bị giam giữ ở nhà lao, nung nấu thêm ý chí quyết tâm đấu tranh đòi bọn thực dân và tay sai phải thay đổi chính sách đối với nhà lao và các chính trị phạm. Sau cuộc đấu tranh này, nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị có án nhẹ và một số tù thường phạm; phải nhượng bộ bằng việc thay đổi chế độ lao dịch của tù, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 4/1934, thực dân Pháp phải xóa bỏ ngục Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.

Có thể coi đó chính là thắng lợi bước đầu của cuộc đấu tranh, một mặt đã nêu cao tinh thần yêu nước, khí thế cách mạng, đồng thời củng cố thêm niềm tin của các tù nhân chính trị cũng như của nhân dân các dân tộc ở Kon Tum vào sự lãnh đạo, tổ chức đúng đắn của Đảng, trở thành một tấm gương tiêu biểu cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân các địa phương khác trong cả nước.

Phòng trưng bày trong Ngục Kon Tum. Ảnh: Bộ VHTT&DL

 

Cuộc đấu tranh Lưu huyết với tinh thần quyết liệt, chấp nhận hy sinh của các tù nhân chính trị trong Ngục Kon Tum vì mục tiêu cao cả “chết để sống”, “chết một người để cứu muôn người” đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách kiên trung của các chiến sĩ cộng sản trước lưỡi lê, mũi súng tàn bạo của quân thù. Điều đó cũng đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người; để dư luận trong nước và thế giới thấy rõ hơn chính sách cai trị lao tù của Pháp ở Đông Dương; lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” của thực dân Pháp. Hình ảnh những người chiến sĩ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, người trước ngã xuống, người sau tiến lên, chết hiên ngang, mỉm cười, chết để cho những người sau được sống tốt hơn là một bức tranh lịch sử được vẽ nên bằng máu và nước mắt.

Từ di tích lịch sử Ngục Kon Tum, chỉ với khoảng 2 giờ đi trên con đường “lên Đăk Sút, Đăk Pao” để đến Đăk Glei. Con đường ấy ngày xưa từng thấm bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của hàng trăm người tù cộng sản làm khổ sai, ngày nay đã được sửa sang làm mới, trở thành con đường huyết mạch kinh tế nối Kon Tum với Gia Lai và Đà Nẵng. Nơi đây còn dày đặc những phế tích cứ điểm, đồn bốt, sân bay dã chiến của Mỹ - Ngụy, cùng dấu ấn những trận chiến thắng Đăk Sút, Đăk Pét… những làng kháng chiến với những chiến sĩ du kích kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, trong gần 30 năm chống Pháp và chống Mỹ. Tuy những vết tích này đã bị bào mòn bởi thời gian, nhưng âm vang về một thời đau thương của những tù nhân chính trị đã ngã xuống vẫn còn lẩn khuất đâu đây.

92 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc đấu tranh Lưu huyết nổ ra. 15 chiến sĩ ngã xuống ngày ấy ở nhà lao Kon Tum, máu các anh nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, tô thắm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc. Thế hệ chúng tôi hôm nay được sống trong hòa bình và phát triển cảm thấy vô cùng biết ơn và tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh, hi sinh anh dũng, kiên cường của cha anh. Đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình, của thế hệ trẻ đối với tương lai của quê hương, của dân tộc. Chiến tranh qua đi, quê hương Kon Tum ngày nay đã đổi thay, phát triển. Nhân dân các dân tộc Kon Tum tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền cùng nhau xây dựng tỉnh nhà ngày càng phồn vinh.

Minh Phượng

Chuyên mục khác