Cùng nhau hiến đất mở đường, xây trường mới

29/01/2020 06:26

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh có không ít tấm gương điển hình đảng viên, quần chúng nhân dân tự nguyện hiến tài sản, đất đai để làm đường giao thông, xây dựng trường học... Tiêu biểu cho những hành động tốt đẹp vì cộng đồng đó, có đảng viên A Rơi ở thôn Đăk Nu, xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) và quần chúng Xa Văn Dương ở thôn Bắc Phong, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi).

Ông Dương “vé số” dỡ nhà, hiến đất làm đường giao thông

Đến thôn Bắc Phong, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi), ai cũng biết đến việc ông Xa Văn Dương thuộc diện hộ nghèo, phải bán vé số dạo kiếm thêm thu nhập, nhưng vẫn “hào phóng” phá bỏ 1 căn nhà cấp 4 và hiến 250m2 đất mặt tiền Quốc lộ 40B có giá trị 400 triệu đồng để làm đường giao thông, phục vụ đi lại thuận lợi cho gần 500 hộ dân ở khu dân cư.

Vợ chồng ông Dương quê gốc ở tận tỉnh Hòa Bình. Năm 1992, đôi vợ chồng trẻ theo bố mẹ vào xã Pờ Y lập nghiệp. Khi ấy, với sức trẻ ở tuổi 30, ông Dương và vợ đã siêng năng đi làm thuê, thời gian rảnh rỗi khai hoang đất rẫy. Đến năm 2006, vợ chồng có trong tay 2ha đất trồng mì, sau đó chuyển diện tích đất này sang trồng cây cao su. Tuy nhiên, sau nhiều năm, vườn cây cao su không cho được 1 lít mủ nào, đành chấp nhận mất bao công sức, tiền của đầu tư, ông Dương phá bỏ chuyển sang trồng 1ha cà phê, 1ha mì.

“Từ năm 2014 đến nay, vợ chồng đầu tư hết tiền vào vườn cà phê được 2 năm, xong thu được 2 năm đầu rất ít, chưa đủ tiền trả nợ tiền đầu tư trồng cao su thất bại trước đó. Với cuộc sống khó khăn như thế, tranh thủ sau thời gian không đi rẫy, tôi đã bán vé số, mong phụ vợ tiền đi chợ mỗi ngày ” - ông Dương tâm sự thêm.

Ông Dương đứng trước con đường thôn Bắc Phong nhánh 2, vốn là diện tích nhà và đất đã hiến tặng làm đường. Ảnh: MT

 

Nói về hiến đất mở đường, ông Dương cho hay, năm 2016, cán bộ xã về thôn Bắc Phong tuyên truyền chủ trương Nhà nước quy hoạch, làm đường giao thông nhánh 2 nối từ Quốc lộ 40B đến 4 tuyến đường nhánh 1, 3, 4 trong khu dân cư kéo dài ra đường nội đồng của thôn, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ dân sinh và vận chuyển hàng hóa cho nhân dân.

Anh Trần Ngọc Anh - Cán bộ Văn phòng UBND xã Pờ Y cho biết, muốn thi công được tất cả các tuyến đường nhánh trong thôn Bắc Phong, bắt buộc phải làm trước con đường nhánh 2, nhưng căn nhà cấp 4 của ông Dương có mặt tiền thuộc Quốc lộ 40 lại nằm ngay trên con đường này, với chiều ngang 5m và dài 50m. Tính thời điểm 2016, diện tích 250m2 đất của ông Dương có giá bán 370-400 triệu đồng, chưa kể căn nhà cấp 4 xây được hai năm vẫn còn nợ tiền vật liệu chưa trả hết. Thế nhưng, với nhận thức mở đường giao thông, người dân có đường đi mới, không phải “đi ngang về tắt” qua vườn cà phê của gia đình, nên ông Dương đã gật đầu.

Ông Dương chia sẻ: Tôi cũng đắn đo suy nghĩ nhiều lắm, nhưng vì cái lợi chung khi có con đường, nên tôi đã động viên vợ tự nguyện hiến nhà, đất. Và rồi sau đó con đường nhánh 2 được khởi công đổ bê tông thẳng tắp. Tiếp đó năm 2017, các tuyến đường 1, 3, 4 và nội đồng được cũng lần lượt làm xong.

A Rơi phá bỏ vườn cao su để xây trường học

Nói về gương điển hình A Rơi, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tụ - Lê Văn Dương nhận xét, gia đình đảng viên A Rơi là hộ đi đầu ủng hộ chủ trương của Nhà nước kêu gọi bà con tự nguyện hiến đất xây dựng trường mầm non của địa phương, góp phần đạt các tiêu chí về xây dựng trường học ở xã nông thôn mới vào năm 2019.

Biết khách đến thăm, ông A Rơi đã vui vẻ bỏ ngày công đi rẫy, để ở nhà đón và đưa khách đi thăm ngôi trường mầm non đã được xây dựng mới, có sự đóng góp của gia đình mình.

Cô giáo Tô Thị Tơ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Tụ thông tin: Năm 2017 về trước, trường nằm cạnh đường lộ chính liên xã và hàng ngày đón khoảng 150 cháu cháu nhỏ 1-5 tuổi ở các thôn ra học. So với các khu dân cư, điểm trường chính cách các thôn 2-4 km, vì đường sá đi lại khá xa, nên việc các cháu nhỏ đi học chưa thường xuyên và tan trường tự về nhà chưa đảm bảo an toàn giao thông. Thêm vào đó, trường chỉ có 3 phòng học, 1 phòng hiệu bộ diện tích 12m2/phòng khá chật chội, chưa đáp ứng việc học tập, vui chơi của trẻ. Hơn nữa, trường được xây dựng hơn 20 năm đã xuống cấp và thường xuyên bị thấm nước vào mùa mưa.

Ông A Rơi (bên trái) và Bí thư Chi bộ thôn Đăk Nu tại khuôn viên trường mầm non mới xây dựng (năm 2018) có phần diện tích hiến tặng của ông. Ảnh: MT

 

Theo cô Tơ, thấy được sự khó khăn, vất vả của nhà trường, Đảng ủy và UBND xã đã ủng hộ phương án đầu tư trường học mới, tuy nhiên, quỹ đất để xây dựng trường học ngay tại trung tâm xã khoảng 3ha lại vướng vào đất sản xuất của hộ A Rơi và một số hộ khác là 0,5ha. Nhiều cán bộ địa phương lo lắng phương án sử dụng đất trên sẽ rất khó khăn, khi phải đền bù cho nhân dân số tiền vài trăm triệu đồng; còn việc vận động bà con ủng hộ, hiến tặng vài ngàn mét vuông đất rất khó, do các hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho vườn cây cao su.  

Nhưng thật bất ngờ, được sự vận động của xã, cuối năm 2017, A Rơi đồng ý phá vườn cao su 1.400m2 và hiến tặng không đòi hỏi tiền đền bù. Ông còn vận động thêm gia đình A Dương, A Diên… hiến gần 2.000m2 liền kề để xây dựng trường học.

Ông A Rơi chia sẻ: Tôi thấy cán bộ xã đến nhà phân tích việc xây dựng trường học mới rất hợp lý, đảm bảo cho con cháu có chỗ học tập rộng rãi, thoáng mát. Hơn nữa, trường nằm ở khu vực bên trong khu dân cư yên tĩnh, đường sá đi lại cũng thuận lợi, không nguy hiểm cho các cháu, nên tôi cũng gật đầu đồng ý.       

Từ diện tích đất của các hộ hiến tặng, năm 2018, ngôi trường mầm non được khởi công xây dựng với tổng diện tích gần 2,5ha. Đến tháng 2/2019, trường đã khánh thành và đón 146 học sinh ở điểm trường chính cũ về nơi học tập mới. Ngôi trường mới có 5 phòng học, có khu vui chơi ngoài trời rộng rãi, thoáng mát và khu hiệu bộ, nhà để xe, nhà ăn gắn với bếp ăn 1 chiều, dãy nhà vệ sinh dành cho học sinh và giáo viên; còn lại là không gian đất trống dành xây dựng hội trường đa năng 400m2.

Có thể nói, việc dỡ nhà, hiến đất làm đường của ông Xa Văn Dương hay phá bỏ vườn cao su để xây trường học của ông A Rơi đã góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Việc làm thật trân trọng, họ xứng đáng là những tấm gương sáng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cả cộng đồng.  

Mai Trâm

Chuyên mục khác