Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

04/06/2023 13:05

Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc từ thời kỳ đổi mới đất nước đến nay được thể hiện cơ bản thống nhất, đó là: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Ngoài ra, còn có các dân tộc từ miền Bắc di cư vào như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Thổ, Sán Dìu, Sán Chay, HMông, Dao, Lào, Giáy...

Các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, qua đó đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia và thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc.

Tỉnh đã quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung, hoạt động trọng tâm của từng chương trình, huy động nguồn vốn ODA, qua đó góp phần nâng cao kết quả thực hiện các chính sách dân tộc, từ đó nâng cao đời sống đồng bào các DTTS, củng cố mối đoàn kết giữa các dân tộc.

Bên cạnh đó, có sự quan tâm đặc biệt trong việc đầu tư, bảo tồn, phục dựng và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc.

Nỗ lực củng cố, phát huy khối đoàn kết giữa các dân tộc. Ảnh: S.C

 

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách về phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành, nhờ đó, đời sống của đồng bào các DTTS không ngừng được nâng cao.

Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đóng góp phần mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, sống tốt đời, đẹp đạo; xây dựng đời sống mới.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, các dân tộc anh em cũng đặc biệt nỗ lực củng cố, phát huy khối đoàn kết giữa các dân tộc anh em, từ đó tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển.

Khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, sự giao thương mạnh mẽ, quan hệ dân tộc về vấn đề lãnh thổ và địa bàn cư trú giữa các tộc người dần trở nên bớt phức tạp; ranh giới xóa nhòa, cư dân các tộc người sống xen kẽ, tạo nên cộng đồng đa dạng về sắc tộc, văn hóa. Trong cộng đồng có sự đoàn kết, giúp đỡ, gắn bó tương đối chặt chẽ.

Như ở huyện Đăk Hà, có các làng có nhiều tộc người sinh sống (Ba Na, Tày, Nùng) cư dân sống xen kẽ. Giữa các làng, các tộc người không có mâu thuẫn quanh vấn đề lãnh thổ, không tranh chấp địa giới, đất canh tác, nguồn nước như trước đây.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, đáng lưu ý là những mâu thuẫn nhỏ về đất sản xuất, do sự di dời làng; phân bố lại địa giới hành chính, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các cuộc di dân lẻ tẻ, tự phát làm nảy sinh tình trạng thiếu đất canh tác.

Một số nét văn hóa truyền thống, tập tục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đang có biểu hiện dần mai một dưới tác động của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.

Tình trạng tiếp thu xô bồ các yếu tố văn hóa ngoại tộc, ngoại lai, dẫn đến chối bỏ, phủ nhận văn hóa truyền thống; xa rời các yếu tố văn hóa truyền thống ở thế hệ trẻ đang phổ biến.       

Nhiều làng đồng bào DTTS đã nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ảnh: SC

 

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động vẫn đang triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; gây mất an ninh trật tự, kích động bạo loạn.

Một số hoạt động của các tôn giáo còn vi phạm những quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và phát sinh những vấn đề mới tác động tới an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Những hoạt động này đã làm quan hệ cộng đồng căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp, như thờ cúng tổ tiên,  bị bỏ; quan hệ giữa các dân tộc sống chung trong địa bàn bị rạn nứt.

Để giải quyết các tồn tại, hạn chế trên, củng cố vững chắc khối đoàn kết toàn dân tộc, các cấp ủy, chính quyền cần đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án cụ thể, thiết thực đối với vùng đồng bào DTTS, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn.

Quan tâm phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống kinh tế mới, chăm lo đời sống vật chất tinh thần; giải quyết tốt vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và sản xuất, dạy nghề, bố trí việc làm. Đặc biệt quan tâm đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất, dịch vụ cho đồng bào các dân tộc.

Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS đoàn kết, chia sẻ, xây dựng cộng đồng. Đảm bảo sự bình đẳng về văn hóa giữa các dân tộc; hạn chế tối đa xung đột văn hóa; đầu tư các thiết chế văn hóa; bảo tồn, gìn giữ, phục hồi bản sắc văn hóa các DTTS.

Tăng cường đoàn kết các tôn giáo; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ của giáo hội; tăng cường nắm thông tin về hoạt động của các tổ chức tôn giáo.

Bên cạnh đó, chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Lồng ghép nhiệm vụ công tác tín ngưỡng, tôn giáo với các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của từng địa phương cụ thể; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là người của các tổ chức tôn giáo.     

Sông Côn

Chuyên mục khác