Cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

29/04/2023 06:39

Giỗ Tổ, không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt, khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.

1. “Ông hãy cắt nghĩa cho tôi vì sao đất nước nhỏ bé của các ông lại có thể thắng được các nước đế quốc lớn như Pháp và Mỹ”. Đó là câu hỏi của một nhà báo, nhà văn người Mỹ dành cho một vị tướng của Việt Nam.

Và câu trả lời của vị tướng là: Muốn giải đáp câu hỏi này phải nhìn vào chiều sâu, bề dày lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình lịch sử ấy, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên một nền văn hóa dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí độc lập tự chủ - dòng chảy từ “Nam quốc sơn hà” đến Tuyên ngôn độc lập.

Nhưng lịch sử đã chứng tỏ chỉ có lòng yêu nước thôi là chưa đủ. Trong lịch sử dân tộc,  nhiều cuộc khởi nghĩa thất bại, bị dìm trong biển máu. Không thể nói là vì thiếu lòng yêu nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương tại các gia đình. Ảnh: H.L

 

Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều là những cuộc chiến tranh không cân sức, nhưng phần thắng lại không thuộc về kẻ mạnh với vũ khí hiện đại mà thuộc về nhân dân Việt Nam.

Nguyên nhân là, cùng với lòng yêu nước, nhân dân ta có đường lối cách mạng, đường lối chính trị quân sự đúng đắn của Đảng.

Một thành tố quan trọng hun đúc nên lòng yêu nước của người dân Việt Nam chính là tín ngưỡng về chung tổ tiên, cùng cội nguồn, niềm tin về “anh em cùng một bọc sinh ra”.

Niềm tin ấy, tín ngưỡng ấy mang lại sức mạnh đoàn kết và gắn bó không gì chia cắt được.

Và Vua Hùng, trong tín ngưỡng nguồn cội của người Việt, đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Xuất phát từ quan niệm “con cháu ở đâu, ông bà tổ tiên ở đó” của người Việt, nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Người Việt lập làng ở đâu, sẽ xây đền thờ Tổ Hùng Vương ở đó, cúng giỗ Tổ ở đó để cùng nhau tri ân công đức tổ tiên.

Trong tâm khảm mỗi người Việt Nam luôn hướng về ngày giỗ Tổ. Cha truyền con nối, thế hệ trước luôn dặn dò con cháu “Hằng năm ăn đâu làm đâu. Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

Giỗ Tổ, không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt, khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.

Tín ngưỡng giỗ Tổ luôn được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự nhiên và bền vững. Vì vậy, cùng với những tín ngưỡng tốt đẹp khác, giỗ Tổ góp phần đặc biệt quan trọng làm nên văn hóa Việt, trở thành “vòng bảo vệ” vững chãi trước mọi sự “xâm lược” văn hóa khác.

Tôi tin rằng, vào ngày này, trong mỗi mái nhà, ở nơi trang trọng nhất, đều có mâm cỗ, dù sang trọng hay đơn sơ, dâng lên tổ tiên, và nén tâm nhang được thắp lên với lòng thành kính, biết ơn.

Tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người. Cùng nhau nhớ về tổ tiên, hướng về đất Tổ cũng chính là để nhắc nhở nhau trách nhiệm tiếp tục giữ gìn và phát huy thành quả của cha ông bền vững cho muôn đời sau.

2. Từ năm 2007, Quốc hội đã chính thức công nhận đây là ngày Quốc Giỗ, một trong những ngày quốc lễ chính thức trong năm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ làm, hưởng lương, tương tự như ngày Quốc khánh.

Với kiến văn hạn hẹp của mình, tôi luôn nghĩ rằng, có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có ngày Quốc giỗ- giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch hàng năm).

Từ năm 2015, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được tổ chức theo sáng kiến của một số nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo hội đoàn cộng đồng kiều bào khi về dự “Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX” năm 2015 tại Thủ đô Hà Nội.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Chùa tháp Kỳ Quang (huyện Đăk Hà, năm 2022). Ảnh: H.L

 

Dự án đã góp phần kết nối người Việt ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Năm nay, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được tổ chức tại hai địa điểm chính là Đức (vào ngày 23/4) và Lào (ngày 29/4), với sự tham gia của đại biểu, kiều bào từ gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sự kiện cũng được thực hiện trực tuyến, kết nối hàng chục điểm cầu trên thế giới vào 13h ngày 29/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch).

Điều đó cho thấy, trải qua thời gian, giỗ Tổ không chỉ là sự kiện trọng đại trong nước mà đã vươn ra thế giới, đem theo sự tự hào của mỗi người con đất Việt.

Cho đến nay, sau nhiều năm nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương, có thể nói chúng ta đã khẳng định được thời Hùng Vương độc lập, tự chủ của người Việt là có thật; văn hóa Hùng Vương là văn hóa bản địa. Người Việt có cội nguồn, có nhà nước của mình trên dải đất này từ buổi bình minh của lịch sử.

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều những câu hỏi lớn, thậm chí là rất quan trọng về thời kỳ Hùng Vương chưa được giải đáp thấu đáo cả về lịch sử, chính trị, kinh tế, dân tộc, văn hóa.

Chỉ tính riêng về nhân chủng học thôi, dân cư Việt thời kỳ Hùng Vương nhân dạng ra sao? Về văn hóa, cư dân Việt thời kỳ Hùng Vương ăn, ở, mặc, đi lại thế nào; trang phục của họ; phong tục tập quán của họ; họ có chữ viết không cũng còn là vấn đề bỏ ngỏ.

Còn nữa, cho đến nay, chúng ta mới hình dung ang áng ăn mặc thời Hùng Vương qua những hoa văn hình người trên trống đồng Ngọc Lũ và ăn uống của họ qua truyện cổ tích Bánh chưng, bánh dày.

Chính vì sự nghèo nàn này nên cứ thể hiện về thời Hùng Vương y như rằng là đàn ông cởi trần, đóng khố, mũ cắm lông chim; phụ nữ thì quấn váy ngang ngực, đi chân đất. 

Tôi luôn mong rằng, giới nghiên cứu cố gắng hơn để tìm được nhiều cứ liệu về thời kỳ Hùng Vương. Không chỉ là để làm rõ thêm nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng, mà còn là để chứng minh cho những người luôn tìm cách bác bỏ cội nguồn thấy được gốc rễ bền chặt, và giá trị trường tồn của dân tộc.

Cũng là để mỗi người con đất Việt thêm tự hào, thêm nỗ lực xây đất nước hùng cường.        

Hồng Lam

Chuyên mục khác