25/03/2018 13:12
Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn đầu tư của các chương trình như 135, 134, dự án giảm nghèo Tây Nguyên..., huyện Đăk Glei đã đầu tư xây dựng 70 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn nhằm mục tiêu cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào khai thác, sử dụng, nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng, bỏ hoang không mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Đăk Glei chỉ có vỏn vẹn 14 công trình nước sinh hoạt tập trung hoạt động hiệu quả, 28 công trình hoạt động cầm chừng, còn lại 28 công trình không hoạt động.
|
Chẳng hạn ở thôn Đăk Rú (xã Đăk Pét), năm 2008, thôn được đầu tư một công trình cấp nước tập trung với mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 150 hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, công trình chỉ phát huy được hiệu quả trong một thời gian ngắn khi mới đưa vào sử dụng, sau đó thì hoạt động cầm chừng, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.
Ông A Thoan - Tổ trưởng tổ tự quản thôn Đăk Rú cho biết: Chỉ một số hộ ở đầu nguồn thì còn có nước dùng chứ những hộ ở cuối nguồn thì gần như không được sử dụng. Mùa nào cũng thiếu, vì mùa khô thì nước ở đầu nguồn ít, mùa mưa thì đường ống lại tắc không dẫn nước về được. Vậy là, một số nhóm hộ phải góp tiền lại để đào giếng dùng chung, những hộ khó khăn quá thì đi lấy nước giọt về dùng.
Hay như ở xã Mường Hoong, toàn xã có tới 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng đến nay, chỉ còn 1 công trình tại trung tâm xã là hoạt động do mới được sửa chữa; các công trình còn lại đều trong tình trạng bỏ hoang. Để có nước dùng, người dân hoặc là ra suối lấy nước hoặc là tìm các nguồn nước giọt rồi dẫn về dùng. Lẽ dĩ nhiên, những nguồn nước này khó mà đảm bảo được vệ sinh.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến một loạt các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động, ông Trịnh Xuân Lộc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do sau khi bàn giao công trình cho cộng đồng quản lý, người dân chưa có ý thức bảo vệ, xây dựng hạ tầng qua đường nước, không tự giác đóng góp kinh phí tu sửa mà vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Mặt khác, người dân chưa biết cách phân phối nguồn dùng một cách hợp lý, những hộ dân ở gần đầu nguồn sử dụng nước lãng phí, trong khi đó, các hộ dân ở cuối nguồn không có nước; rồi tình trạng người dân tự đục đường ống để dẫn nước sinh hoạt vào ruộng, ao vẫn còn xảy ra đối với nhiều công trình. Một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quản lý vận hành các công trình cấp nước...
Nguyên nhân khác là do một số công trình được đầu tư từ khá lâu, nhưng lại không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên bị hư hỏng, bồi lấp. Hàng năm, kinh phí để sửa chữa, bảo trì, quản lý các công trình còn ít nên những công trình bị xuống cấp không kịp thời khắc phục dẫn đến ngày càng hư hỏng.
Một số công trình thiết kế thi công còn bất hợp lý. Ví như, ở một số nơi, người dân phản ánh các điểm xả cát trong đường ống chưa được đặt ở những vị trí thích hợp gây khó khăn cho công tác xúc rửa. Bên cạnh đó, sự theo dõi, giám sát của ngành chức năng chưa thật sự chặt chẽ dẫn đến chất lượng một số công trình sau khi hoàn thành chưa tốt, nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp...
Việc nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn không phát huy được hiệu quả sử dụng không chỉ gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, mà còn khiến cho mục tiêu nâng cao chất lượng nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn ở Đăk Glei không được như mong đợi.
“Giải pháp mà Đăk Glei đề ra để hạn chế tình trạng công trình bị hư hỏng, xuống cấp là tuyên truyền, vận động người dân chung tay góp sức để bảo vệ, nâng cao ý thức sử dụng nguồn nước. Huyện cũng cố gắng tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ các địa phương sửa chữa, khôi phục những công trình còn giá trị sử dụng” – ông Trịnh Xuân Lộc chia sẻ thêm.
Hương Nga