Công tác thu thập thông tin dân cư, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia: Đảm bảo chính xác, đúng tiến độ

14/01/2019 13:03

Thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư trên địa bàn tỉnh, chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 8/2018 đến 31/11/2018), lực lượng Công an đã phối hợp tốt với chính quyền các địa phương hoàn thành công tác thu thập thông tin dân cư, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo chính xác, đúng tiến độ…

Xác định công tác thu thập thông tin dân cư, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, ngay từ đầu năm, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã tổ chức tuyên truyền về Luật Căn cước công dân, những nội dung trong công tác triển khai, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để mọi người dân được rõ.

Mục đích của công tác tuyên truyền là tạo sự đồng thuận của người dân cũng như sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng- Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chia sẻ: Sau khi tổ chức tuyên truyền, phải tiến hành tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác thu thập dữ liệu dân cư cho cán bộ trực tiếp làm công tác thu thập, cập nhật dữ liệu dân cư. Sau đó, phải chọn lựa, bố trí cán bộ làm công tác này có năng lực, chuyên môn phù hợp để trực tiếp xuống cơ sở làm công tác thu thập…

Cán bộ Công an tỉnh đang thu thập thông tin cá nhân tại xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông

 

Được triển khai từ đầu tháng 8/2018, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Công an các đơn vị đã lựa chọn triển khai thu thập theo các phương pháp như phát phiếu tự khai đến từng hộ gia đình hay tiến hành thu thập thông tin tập trung tại các điểm hội họp, nhà rông…

Tuy nhiên, quá trình triển khai đến cơ sở, những người làm công tác thu thập thông tin dân cư đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc bởi nhiều yếu tố khách quan.

Việc thu thập thông tin dân cư khi triển khai ở các địa bàn là thành phố, thị trấn… thì rất thuận lợi, bởi sự am hiểu pháp luật cũng như nhận thức của người dân. Nhưng khi triển khai về các xã, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thì gặp không ít trở ngại, làm chậm tiến độ thu thập thông tin.

Đại úy Nguyễn Tiến Dũng- Đội phó Đội hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội)- người trực tiếp bám cơ sở để làm công tác thu thập, chia sẻ: Mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng một số người dân vì lý do nào đó nên chưa nắm bắt được chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thu thập thông tin dân cư, nên thời gian đầu chưa thật sự hợp tác và tạo điều kiện cho tổ công tác thu thập thông tin. Bên cạnh đó, do trình độ học vấn của người dân còn thấp, nên việc tự kê khai phiếu có tỷ lệ sai sót, hư hỏng khoảng 30%. Nhiều trường hợp đi làm ăn xa, đi khỏi địa phương lâu ngày, xuất cảnh hoặc vắng mặt tại địa phương mang theo các giấy tờ tùy thân của bản thân và gia đình, gây khó khăn cho công tác thu thập thông tin dân cư.

Hoặc là nhiều trường hợp công dân không có các loại giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân… hay có các loại giấy tờ trên nhưng thông tin không đầy đủ, chính xác. Hoặc việc thực hiện đăng ký khai sinh lại của cán bộ tư pháp cấp xã chưa đúng quy định, còn sơ hở gây khó khăn cho công tác đăng ký, quản lý cư trú và thu thập thông tin dân cư…

Đại úy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ thêm: Khi triển khai thực hiện công tác thu thập thông tin dân cư, khó khăn nhất là ở huyện Tu Mơ Rông, huyện Kon Plông… Ngoài gặp khó khăn trong việc đi lại do đường sá một số xã lầy lội trong mùa mưa bão, trình độ học vấn của người dân ở đây còn thấp nên khi kê khai rất mất thời gian. Nhiều người dân, ngay cả phiếu kê khai cũng không viết được, cán bộ làm công tác thu thập phải tự viết hộ vào bản nháp cho họ, sau đó kiểm tra lại thông tin khi họ cung cấp thông qua tra cứu tàng thư, sổ hộ tịch, quản lý cư trú nhân khẩu… rồi mới viết chính thức vào bản chính để tránh sai sót.

Qua câu chuyện của những cán bộ làm công tác thu thập thông tin dân cư của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, mới thấy hết được tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của họ tận tâm, nhiệt tình như thế nào. Suốt 4 tháng trời, họ rong ruổi trên các nẻo đường của các thôn, làng, ở những nơi heo hút, xa xôi.

Đại úy Nguyễn Tiến Dũng nhớ lại: Anh em tiến hành thu thập theo kiểu “cuốn chiếu”. Cứ làm xong ở xã này, lại triển khai đến xã khác, nơi nào xong dứt điểm nơi đó, nên phải tranh thủ làm việc vào ban đêm. Nhiều thôn, làng ban đêm lại không có điện, như thôn 10, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, anh em phải bật đèn pin, thay điện để ghi chép…

Một vướng mắc khác nữa là tại tỉnh ta đang triển khai thực hiện Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại địa phương, điều này đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý của cán bộ là trưởng, phó Công an các xã và Công an viên là bán chuyên trách ở xã, đang thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin dân cư…

Tuy gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhưng với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm với công việc và thái độ vì nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Công an tỉnh cũng như sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cấp, ngành và chính quyền cơ sở, công tác thu thập thông tin dân cư đã đảm bảo chính xác, đúng tiến độ đề ra…

Bài, ảnh: Dương Đức Nhuận

 

Chuyên mục khác