Công nghệ thông tin với cải cách TTHC

06/08/2023 06:42

Câu chuyện của một nông dân về thanh toán trực tuyến thuế, lệ phí trước bạ khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai giúp tôi hình dung ra tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong cải cách TTHC hiện nay.

Trong lần gặp cách đây khá lâu, anh Nguyễn Văn Tuấn- một nông dân ở xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum- bày tỏ sự e ngại, và cả lo lắng, khi phải thực hiện các TTHC liên quan đến đất đai.

Lý do là anh đã được nghe nói nhiều về “sự rắc rối, phức tạp” của chúng. Mà trong đó, như bất cứ một nông dân nào, điều anh ngại nhất là phải đến cơ quan nhà nước nhiều lần. 

Nhưng khi tình cờ gặp lại mới đây, tôi khá bất ngờ khi anh “khoe” rằng đã hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và “gọn ơ” mà không phải đi lại cơ quan nhà nước nhiều.

Khi được hỏi thì anh hồ hởi nói rằng, tất cả là nhờ được hướng dẫn áp dụng thanh toán thuế, lệ phí trước bạ trực tuyến.

CNTT có vai trò đặc biệt quan trọng trong cải cách TTHC. Ảnh: H.L

 

Theo anh, với việc thực hiện thanh toán trực tuyến, người dân không phải đến cơ quan thuế, ngân hàng; không phải tiếp xúc với bất kỳ ai khi thực hiện thủ tục và có thể thực hiện vào bất cứ thời gian nào.

Sau khi cơ quan thuế xác định mức của các loại nghĩa vụ tài chính về đất đai phải nộp, Cổng dịch vụ công tỉnh sẽ gửi tin nhắn thông báo đến điện thoại cá nhân, người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tra cứu nghĩa vụ tài chính và nộp trực tuyến qua ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Chứng từ nộp tiền được ký số bởi ngân hàng hoặc trung gian thanh toán và chuyển đến các cơ quan nhà nước phục vụ cho việc giải quyết TTHC tiếp theo.

Đây rõ ràng là tiện ích chỉ có được từ việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào lĩnh vực cải cách TTHC.  

Câu chuyện của anh nông dân Nguyễn Văn Tuấn giúp tôi hình dung rõ hơn vai trò và tác động của CNTT trong cải cách TTHC hiện nay.

Theo ông Trịnh Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trong quá trình cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng, CNTT có vai trò đặc biệt quan trọng.

CNTT giúp kiểm soát tốt hơn mọi hoạt động của cơ quan công quyền. Ảnh: HL

 

Xác định rõ điều ấy, thời gian qua, tỉnh rất chú trọng triển khai hoạt động ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC, từ đó góp phần đẩy mạnh tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, TTHC, tạo phong cách làm việc mới, cải tiến hình thức cung cấp dịch vụ công hướng tới phục vụ tốt nhất người dân và tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng CNTT, bộ máy hành chính dễ dàng liên kết với nhau hơn trong thực hiện nhiệm vụ, Chính quyền cũng thông qua đó để điều hành bộ máy một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác; kiểm soát tốt hơn mọi hoạt động của cơ quan công quyền.

Đơn cử trong tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, từ năm 2019, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kon Tum (dùng chung 3 cấp đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC, dịch vụ công) đã được đưa và sử dụng; cuối năm 2020 thực hiện tại cấp huyện, cấp xã. Đến nay đã đáp ứng 100% yêu cầu kỹ thuật triển khai Đề án 06.

Hiện nay, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã 6.451 tài khoản người dân và 115 doanh nghiệp đăng ký để nộp hồ sơ trực tuyến; số lượng tài khoản người dân, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trực tuyến là 6.270 (gồm 6.194 tài khoản của người dân, 76 tài khoản của doanh nghiệp).

Với việc triển khai tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã giúp cho việc giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh được công khai, minh bạch; người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi quá trình giải quyết TTHC.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC còn giúp cho lãnh đạo các cơ quan, địa phương theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết TTHC từ đó để kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết TTHC đảm bảo đúng quy định.

Ứng dụng CNTT cũng cho phép cơ quan hành chính nhà nước đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến đối với các TTHC. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 1.730 TTHC, trong đó đã triển khai 1.052 DVCTT toàn trình (chiếm 60,81% tổng số TTHC), 207 DVCTT một phần (chiếm 11,97% tổng số TTHC). Tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận trực tuyến trong 06 tháng đầu năm 2023 là 29.981.

Hay trong thanh toán trực tuyến thuế, lệ phí trước bạ trong thực hiện TTHC về đất đai, theo thống kê từ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đến nay đã có 1.473 giao dịch, với tổng số tiền thanh toán 3,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC cũng đã được một số đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; tổng số giao dịch thanh toán là 1.235 giao dịch, với số tiền là 146 triệu đồng.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thời gian tới cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước về CNTT.

Tổ chức đào tạo, tập huấn, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, phần mềm đã được đầu tư.  Quan tâm, cân đối thêm nguồn lực cho phát triển và ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT.

Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tiếp tục kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC để phục vụ tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan hành chính nhà nước.

Khuyến khích người dân, doanh  nghiệp sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số, nhất là tạo lập danh tính điện tử, cài  đặt, sử dụng, thực hiện các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm  nâng tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.   

Hồng Lam

Chuyên mục khác