Công bố hết dịch Covid-19?

02/06/2023 13:27

Dù rất mừng trước thông tin đủ điều kiện để công bố hết dịch Covid-19, nhưng tôi vẫn lo lắng khi tâm lý chủ quan trước dịch bệnh đang trở nên phổ biến hơn.

Từ tháng 10/2021, thực hiện chiến lược thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, cả nước nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đã trải qua hơn một năm phục hồi kinh tế-xã hội mạnh mẽ.

Dịch bệnh được kiểm soát tốt; các hoạt động kinh tế, giao lưu hàng hoá được triển khai bình thường; kinh tế - xã hội khởi sắc, tăng trưởng GDP phục hồi mạnh. Người dân thêm bình tĩnh, tin tưởng vào các giải pháp của Đảng, Nhà nước và đồng lòng góp sức vì sự phục hồi và phát triển nhanh, bền vững.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, những chuyên gia y tế hàng đầu cũng cho rằng có đủ các yếu tố cần thiết để yên tâm công bố hết Covid-19.

Theo các chuyên gia, đã hội đủ ba điều kiện cơ bản và cần thiết để công bố hết dịch và chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, gồm: Tỷ lệ bệnh nặng giảm mạnh, hầu như không còn bệnh nhân tử vong do Covid-19 (nếu có thì cũng là những trường hợp bệnh nền nặng dương tính Covid-19); tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cao và trên diện rộng; tình hình Covid-19 trên thế giới đã ổn định (WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào đầu tháng 5/2023).

Tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin cao, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ảnh: H.L

 

Như ở tỉnh ta, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt; không có ca tử vong vì Covid-19; 102/102 xã, phường, thị trấn thuộc vùng xanh (cấp độ I); trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể mới của SARS-CoV-2.

Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến tháng 5/2023, đã có 99,62% đối tượng ≥ 18 tuổi tiêm vắc xin, trong đó đã tiêm đủ liều cơ bản đạt 98,62%; tiêm liều bổ sung đạt 96,22%; tiêm liều nhắc lại đạt 55,73%.

Có 99,93% đối tượng 12 tuổi - 17 tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó đã tiêm đủ liều cơ bản đạt 95,46%. Có 67,7%  dân số của tỉnh tiêm đủ liều vắc xin cơ bản.

Mới đây, ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam.

Đọc thông tin trên mà tôi mừng - lo lẫn lộn!

Mừng vì cả nước nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đã trải qua những tháng ngày chống “giặc” Covid-19 căng thẳng, nhọc nhằn. Với nỗ lực lớn lao và không ít hy sinh, mất mát, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt; kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Và đến nay, nếu công bố hết dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc chúng ta có thể mạnh dạn dồn nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Điều mừng nữa là trải qua cơn “bạo bệnh”, sức đề kháng của “cơ thể” đã cao hơn rất nhiều. Người dân đã quen và thích ứng tốt với Covid-19, cũng như nắm vững cách xử lý nếu “dính” Covid, chứ không còn hoang mang lo sợ như trước.

Năng lực ứng phó với các tình huống dịch bệnh khẩn cấp của đội ngũ nhân viên y tế cũng được cải thiện, nâng cao hơn rất nhiều. Hệ thống y tế được vận hành trơn tru, nhịp nhàng, đã cơ bản khắc phục được sự bị động, lúng túng, chồng chéo.

Dù rất mừng trước thông tin đủ điều kiện để công bố hết dịch Covid-19, nhưng tôi vẫn có nhiều điều lo lắng.

Đầu tiên là kể cả khi công bố hết dịch thì Covid-19 vẫn rất nguy hiểm, bởi khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.

Hơn nữa, theo các chuyên gia y tế, vi rút SARS-CoV-2 liên tục có sự biến đổi với các biến thể mới, biến thể phụ của virus tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị.

Lo lắng thứ hai là nếu công bố hết dịch, Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, rất có thể sẽ được coi như nhiều bệnh truyền nhiễm thông thường khác.

Khi đó vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế. Khả năng cung ứng dịch vụ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân. Vai trò của y tế dự phòng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và toàn diện.

Lo lắng thứ ba là sự chủ quan của đa số người dân hiện nay, mặc dù số liệu thống kê cho thấy số ca Covid-19 đang tăng. Tháng 5/2023, toàn tỉnh ghi nhận 70 ca mắc mới, tăng mạnh so với các tháng trước.

Cần khắc phục tâm lý chủ quan trong phòng dịch bệnh của người dân. Ảnh: HL

 

Có nhiều biểu hiện cho thấy, không ít người đã quên rằng Covid-19 có thể phát triển, diễn biến phức tạp và bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào, đe dọa sức khỏe, tính mạng con người và tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Dần dần đã có nhiều người không đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao, như bệnh viện, nơi đông người trong môi trường kín, dù đó là biện pháp tốt nhất để phòng Covid-19 và những bệnh truyền nhiễm khác như cúm mùa.

Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng, một khi công bố hết dịch Covid-19, thì điều đầu tiên cần làm là phải có chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài.

Sở Y tế có nhiệm vụ căn cứ khuyến cáo của Bộ Y tế và tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 tại địa phương để xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh.

Đặc biệt lưu ý các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng, truyền thông, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương.

Luôn chủ động trong công tác y tế dự phòng, đảm bảo nếu dịch bùng phát trở lại ở địa phương có thể kích hoạt các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt trở lại (kể cả biện pháp 5K) để kịp thời khống chế dịch bệnh, không để dịch tác động lớn tới an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng của người dân.

Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống dịch cần tiếp tục được quan tâm.

Nhất là tuyên truyền để người dân khắc phục tâm lý chủ quan, lơ là, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Hồng Lam

Chuyên mục khác