Con người có tổ có tông

06/04/2025 06:01

Gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch), tôi- một đứa con xứ Thanh- tình cờ được ngồi ở nhà anh Bùi Hữu Trình (đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Kon Tum) nghe những người con đất Tổ (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bàn chuyện tổ chức Giỗ Tổ.

Mọi năm, việc chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ được giao cho ban liên lạc hội đồng hương huyện Lâm Thao tại Kon Tum (tỉnh Phú Thọ) chủ động thực hiện, nhưng năm nay, ban liên lạc mời đại diện các gia đình họp bàn cẩn thận trước khi tiến hành.

Nếu ai đã từng quen những người con Phú Thọ đang làm ăn, sinh sống ở Kon Tum hẳn sẽ không quên rằng, năm nào cũng vậy, họ luôn tổ chức Giỗ Tổ với tất cả sự thành kính, kể cả những đận khó khăn nhất.

Ý thức đây là dịp đặc biệt, họ chuẩn bị Giỗ Tổ rất trân trọng, chu đáo. Với một tấm lòng thành kính, thiêng liêng, những bậc cao niên luôn tin rằng, khi thắp nhang lên bàn thờ Tổ sẽ bớt đi bệnh tật, con cháu khỏe mạnh, lúa trúng đầy bồ, làm ăn khá giả.

Ngồi nghe mọi người bàn chuyện mà tâm trí tôi như trở về những lần dự Giỗ Tổ nơi quê nhà thời thơ ấu.

Lau dọn bàn thờ gia tiên trước ngày Giỗ Tổ. Ảnh: T.H

 

Ngày ấy, ở quê tôi, Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 là một ngày lễ trọng. Từ khi còn nhỏ, đám trẻ đã thuộc lòng “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, hay “Dù đi buôn bán gần xa. Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười”.

Vào ngày Giỗ Tổ, làng tổ chức cúng ở đình làng. Người già khăn đóng áo thụng thành kính thắp nhang trước bàn thờ Tổ, cảm ơn ân đức tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Còn thanh niên hết thi gói bánh chưng, giã bánh dày lại xoay qua thi kéo co, đẩy gậy. Đám nhỏ chúng tôi thì chạy lăng xăng, hò hét váng trời.

Sau lễ cúng ở đình, các gia đình sẽ cúng ở nhà. Ở nhà tôi, khi bố dâng hương thì bà ngoại dẫn đám cháu lít nhít xếp hàng thành kính cúi đầu phía sau.

Theo thời gian, tôi lớn lên, đi học rồi đi làm ăn xa. Kon Tum thành quê hương thứ hai, nơi tôi gắn bó cả tuổi thanh xuân. Nhưng những mâm cơm cúng Tổ Hùng Vương nơi quê nghèo vẫn còn in đậm trong tâm trí.

Mấy mươi năm lập nghiệp ở quê mới, ngày 10/3 âm lịch hàng năm, tôi vẫn được dự những  lễ Giỗ Tổ, trang nghiêm có, đầm ấm có. Năm thì ở Đăk Hà, năm ở thành phố Kon Tum, có năm thì ở gia đình bạn bè là người Phú Thọ.

Nếu không thì ở nhà mình, hoặc trong thôn, trong xóm. Như những ngày thơ bé, tôi lại đứng trước bàn thờ tổ tiên, thành kính thắp nén nhang thơm với tất cả lòng tự hào, thành kính, ngưỡng vọng thiêng liêng về nòi giống con Lạc cháu Hồng.

Tôi cũng biết, vào ngày này, trong mỗi mái nhà, ở nơi trang trọng nhất, đều có mâm cỗ, dù sang trọng hay đơn sơ, dâng lên tổ tiên, và nén tâm nhang được thắp lên với lòng thành kính, biết ơn.

Cứ thế, tín ngưỡng Giỗ Tổ luôn được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự nhiên và bền vững. Từ khi mới sinh ra, những đứa trẻ đã được cha mẹ, ông bà truyền cho lòng tự hào về nguồn cội.

Và tôi nhận thức được rằng, Giỗ Tổ, không chỉ là ngày hội của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt, khẳng định sức mạnh và giá trị thiêng liêng của nguồn cội.

Chị em chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ. Ảnh: TH

 

Tiếng bàn bạc rôm rả của mọi người kéo tôi về thực tại. “Thời gian, địa điểm tổ chức đã xác định, giờ lên danh sách đi. Nhớ rà soát kỹ số khẩu ở các gia đình, nhất là những nhà có ông già bà cả để ban liên lạc trực tiếp đi mời. Còn con cháu học hành giỏi giang nữa, ghi tên họ, thành tích đầy đủ để còn báo cáo với các Vua Hùng, với ông bà tổ tiên”- tiếng anh Trình oang oang.

Mọi người hăm hở bàn nhờ bạn bè ở quê mua bánh chưng, bánh  giầy gửi vào để đặt mâm cúng. Bởi đây là hai loại bánh mang hồn dân tộc, phải có trên mâm cỗ cúng mới đúng làm Giỗ Tổ, cũng là để nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc qua truyện Lang Liêu

Anh Trình bộc bạch: Số anh em đây đều vào Kon Tum lập nghiệp từ khá lâu rồi, ít cũng mười mấy năm, lâu thì 25-30 năm. Mặc dù xa quê lập nghiệp đã lâu, nhưng họ luôn gìn giữ được lòng tự hào về cội nguồn, về truyền thống đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, góp phần xây dựng quê hương mới.

Cùng với giáo dục lòng tự hào về quê cha đất tổ, chúng tôi luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương mới Kon Tum; trong dạy dỗ con cái; trong giữ gìn, phát huy truyền thống quê hương.

Ngày Giỗ Tổ, mọi người quây quần làm lễ, dâng hương, hoa, bánh chưng, bánh dày tưởng nhớ các Vua Hùng; báo cáo những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua.

Lễ vật dâng các Vua Hùng trong ngày Quốc Giỗ, ngoài những món ăn quen thuộc hàng ngày ở quê mới Kon Tum còn có những “đặc sản” do các bà, các chị chế biến đúng kiểu… Phú Thọ, như thịt heo chua Thanh Sơn, canh lá sắn chua nấu với tép đồng, cơm lam, cơm nắm lá cọ.

Rồi nữa, sau phần lễ, mọi người quây quần bên nhau vui liên hoan. Và các tiết mục văn nghệ với những giọng hát “cây nhà lá vườn” đem lại không khí tươi vui cho ngày họp mặt.

Bên cạnh những bài hát ca ngợi quê hương, về tình cha, nghĩa mẹ còn có cả tiếng hát xoan của các ông, các bà, các chị “Tám người chân kiệu bước ơ, bước vào. Tay lót khăn đào i ơ, rước lấy cơ hồ mà vua lên”.

Theo anh Trình, bản sắc văn hóa được bà con giữ một cách hồn nhiên. Những hộ gia đình từ đất Tổ vào Kon Tum có cách giáo dục truyền thống vào hàng “siêu”.

Từ khi sinh ra, những đứa trẻ luôn được kể về quê hương, về đất Tổ. Nên dù còn rất nhỏ, trong lòng đã có lòng tự hào về nguồn cội.

“Đất Tổ, với các thế hệ chúng tôi xa mà gần. Bởi hàng ngày, trong lời cha ông mình truyền dạy, Kon Tum là nhà, đất Tổ là nguồn cội. Con người có tổ có tông. Những ai ăn ở mất gốc, không biết nguồn cội cũng không nên người đâu, các cụ thường dạy con cháu như vậy”- anh Trình chia sẻ. 

Thành Hưng

Chuyên mục khác