Con chữ nơi sóng nước Sê San

29/11/2017 07:09

​Tôi giật mình tỉnh giấc, cũng là lúc tiếng hò ngọt lịm từ đâu vọng lại “Ầu ơ…! Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Anh Hai Triều cười: Bà xã tôi đấy. Sáng nay bả thay tôi đưa sắp nhỏ vào bờ đi học...

"Khổ mấy cũng quyết cho con đi học"

Tôi bước ra lồng bè, trời mới lờ mờ sáng. Phía xa, con xuồng đang găm mũi vào bờ, trên xuồng thấp thoáng bóng người hiện lên dưới ánh sáng nhờ nhờ của buổi mai. Tiếng hò của chị Hai Triều lăn dài, lăn dài theo sóng nước lòng hồ thủy điện Sê san 4 vỗ ì oạp.

Có biết bao nhiêu nhẫn nại, kiên trì và hy vọng trong dáng người phụ nữ cần mẫn chèo đò đưa con đến trường vào buổi sáng mai mờ sương ấy? Tôi tự hỏi lòng mình.

Nhìn hút theo con xuồng, anh Triều cho biết: Tôi có 1 cháu học lớp 9, một cháu học lớp 6. Hàng ngày, các cháu dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị sách vở rồi ba hoặc mẹ chèo xuồng đưa vào bờ, lấy xe máy chở đến trường. Nhà xa, đi lại vất vả thật, nhưng các cháu đều đi học chuyên cần.

Học sinh làng chài trên đường đến trường. Ảnh: T.H

 

Ở vùng sông nước này, bước xuống sông là có cá, ngó lên trời là thấy chim, cuộc sống không thoải mái, đủ đầy lắm, nhưng cũng đã "ngon lành" hơn nhiều so với ngày đầu lập nghiệp. Nhưng nỗi niềm lớn nhất của mỗi gia đình ở đây là tương lai của sắp nhỏ- anh Hai Triều rủ rỉ.

Tôi biết, đã bao đêm, trên lồng bè của anh Hai Triều, những người đàn ông da đen sạm, quen ăn to nói lớn lại tìm đến, im lìm ngồi bên ly rượu cay nồng, lòng xoắn lại bởi câu hỏi "Chẳng lẽ cứ để tụi nó theo mình lênh đênh sóng nước, chịu cảnh mù chữ hoài".

Sẽ là như vậy, nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và ngành Giáo dục. Thầy Nguyễn Quang Thọ- Trưởng phòng Giáo dục huyện Ia H’Drai nhớ lại: Khi thành lập huyện, qua khảo sát, chúng tôi phát hiện hầu hết con em xóm chài đều bỏ học giữa chừng, cả xóm chỉ còn mấy em được đến trường. Quyết không để tình trạng ấy kéo dài, Phòng Giáo dục chỉ đạo các trường học phối hợp với chính quyền địa phương đến từng bè để vận động phụ huynh cho con em đi học. Mà muốn vậy, trước hết phải vào sống ven bờ để dễ đưa đón..

Nhắc lại mới nhớ, ở xóm chài này, các gia đình đều nhắc đến Thầy  Nguyễn Quang Thọ với sự cảm kích. Bởi khi mà nhiều người dân xóm chài ngại đưa con đến trường vì đường sá xa xôi, cuộc sống còn khó khăn, ông và các giáo viên chèo xuồng ra tận từng bè, nói chuyện với từng người, kiên trì vận động để tụi nhỏ xóm chài được đi học.

Rất may là trong quá trình vận động gian nan ấy có sự trợ giúp hết sức hiệu quả của một số gia đình hiếu học. Hồi chiều qua, tôi có gặp một chị phụ nữ đang ngồi trên bờ chờ con đi học về. Hỏi thăm thì được biết con trai chị đang học lớp 9, trường THCS Trần Quốc Tuấn. Nhìn người phụ nữ chân chất, quanh năm quần quật với nắng gió và sóng nước ấy, ai mà ngờ được chị lại mạnh mẽ nói: Có đi ăn xin, tui cũng tìm mọi cách để con mình biết chữ.

Hay như vợ chồng anh Hai Triều, khi có ai đó nói "học hành làm gì, có no bụng được đâu, theo ba mẹ đi thả lưới, giăng câu kiếm tôm cá mới là hợp lẽ" thì anh gạt ngay: Khổ đến mấy cũng quyết cho bọn trẻ ăn học đàng hoàng".

"Bây giờ thì ổn rồi. 100% trẻ em trong độ tuổi đều đi học, trong đó có 1 cháu học Trung học phổ thông, 4 cháu học Trung học cơ sở, 5 cháu học Tiểu học. Cũng mừng vì nghe thầy Hào (thầy Thạch Văn Hào- Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Tuấn) nói, mấy cháu đều cố gắng trong học tập, rèn luyện, có học lực khá”- anh Triều nói, mắt ánh lên niềm vui.

Niềm hy vọng nơi sóng nước Sê San

Có tiếng xuồng cặp vào lồng bè, rồi giọng cười rổn rảng vọng vào: Hôm nay anh Hai Triều không đi lưới à? Anh Hai Triều hất hất đầu ra cửa: Ba Nhàn, người có lồng bè hồi hôm đi qua đó.

Trong đầu tôi thoáng hiện lên khuôn mặt đen đúa nhưng xởi lởi, dễ gần, có giọng nói oang oang, đặc trưng của người quen ăn sóng nói gió. Giống như anh Nguyễn Văn Triều, anh Ba Nhàn thuộc lớp công dân đầu tiên của làng chài, đều vì mưu sinh mà phải tha hương, sống lênh đênh nơi lòng hồ thủy điện Sê San 4 rộng tới hơn 58,4 km2 này. Vì vậy mà họ đối đãi nhau như anh em ruột thịt. Cho nên, tôi cũng chẳng ngạc nhiên khi bữa cơm chiều qua đông vui đến vậy.

Nào, chúng ta nâng ly, mừng xóm ta ngày càng bớt khó khăn- "xóm trưởng" Hai Triều nói. Đã qua rồi cái thời nay neo góc này, mai đậu góc khác, do không được đăng ký tạm trú nên nơm nớp lo bị...đuổi. Bây giờ, được sự quan tâm của chính quyền, họ được đăng ký tạm trú tạm vắng, xóm có địa chỉ hẳn hoi: thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai.

Thêm nữa, ngoài đánh bắt tôm, cá tự nhiên, 14 hộ gia đình trong xóm còn được Nhà nước hỗ trợ  nuôi 20 lồng cá, gồm cá thát lát cườm (4 hộ), cá diêu hồng (6 hộ), cá lăng đuôi đỏ (4 hộ), hiện cá lồng đang sinh trưởng tốt, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nơi xóm chài.

Còn ly này là chúc cho con em học hành tấn tới. Mọi người vỗ tay. Vậy là chủ đề học hành lại được khơi lên. Nói không ngoa, đây chính là chủ đề cả xóm quan tâm nhất hiện nay. Dù là bàn chuyện luồng lạch đánh cá hoặc tranh luận nuôi cá thát lát cườm khó hơn hay dễ hơn nuôi cá lăng đuôi đỏ thì cuối cùng vẫn quay lại chuyện con anh học hành thế nào, điểm số có tốt không?

Nhớ tối qua, khi tôi đến xóm chài được ít phút thì những đứa trẻ cũng được đón về, cả xóm rộn lên, tiếng cười đùa, réo gọi nhau lan xa theo sóng hồ lăn tăn. Vừa đi học về, một cậu nhóc đã chạy nhanh đến chỗ mẹ nũng nịu và không quên khoe với mẹ trang vở được viết nắn nót từng con chữ đều đặn. Mải mê ngắm nhìn từng dòng mà bà mẹ trẻ bỏ quên vị khách đang ngẩn người trước khung cảnh bình yên nơi sóng nước.

Còn những đứa trẻ đã quen với chuyện chài lưới từ nhỏ nay cũng đã quen với việc thức khuya học bài, dậy sớm đến lớp, chiều tối mới về đến nhà, quen cả với việc ăn cơm trưa bán trú ở trường. "Điều kiện học hành, đi lại của chúng cháu không thuận lợi như những bạn khác, nên để có kết quả học tập tốt, chúng cháu phải nỗ lực rất nhiều"- Nguyễn Công Khanh, học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Quốc Tuấn chín chắn nói.

Còn Nguyễn Thị Diễm Kha, con gái anh "xóm trưởng" Hai Triều lại chia sẻ ở góc độ khác: Ở nhà, dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng ba mẹ vẫn bỏ nhiều công sức đưa đón con đi học; đến trường lại được thầy cô động viên, giúp đỡ, vì vậy, con quyết tâm học tập tốt để không phụ lòng thầy cô và ba mẹ...

Và đêm ấy, tôi lặng lẽ ngồi nghe Hai Triều kể chuyện đời mà lòng bâng khuâng nghĩ về một ngày không xa, xóm chài lên bờ, cất nhà, con em không còn phải ngồi trên lồng cá, học bài dưới ánh đèn bình ắc quy le lói như 2 cháu Diễm Kha, Diễm Hương bây giờ.

Ở một lồng bè nào đó có tiếng trẻ em đọc bài, âm thanh lan xa theo những con sóng Sê San dập dềnh. Hai Triều xoay xoay ly trà nguội trên tay, đôi mắt ánh lên niềm hy vọng về tương lai tươi sáng hơn phía trước...!

          Thành Hưng

Chuyên mục khác