Có một ngày như thế

16/03/2023 18:07

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum yêu dấu luôn có những mốc thời gian trọng đại mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong hành trình phát triển. Và 16/3/1975 là một trong những ngày như vậy.
Thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: TH

 

Tôi gõ những dòng chữ này khi ánh nắng sớm ngày 16/3 đang tràn đến nơi tôi ngồi, đang tràn trên phố xá và trên khắp nẻo quê hương Kon Tum yêu dấu.

Được tắm trong ánh nắng ấm áp, bừng sức sống của ngày mới, tôi lại nhớ đến đoàn quân giải phóng lấm láp bụi đường từ các hướng tiến vào giải phóng thị xã Kon Tum, cũng vào ngày 16/3 của 48 năm về trước.

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum yêu dấu luôn có những mốc thời gian trọng đại mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong hành trình phát triển. Và 16/3/1975 là một trong những ngày như vậy.

Do đặc thù nghề nghiệp, tôi vẫn thường được nghe những câu chuyện về ngày 16/3/1975; về những người từng chiến đấu, từng sống trong những giây phút hào hùng ấy.

Với những người đã trải qua tất cả những thái cực của cuộc sống, ánh sáng và bóng tối, lụi tàn và tái sinh, sống và còn, được và mất, thì ngày 16/3/1975 chính là ngày được sống, được gặp nhau và được yêu thương.

Cho nên, những gì tôi nghe luôn là những lát cắt, chi tiết đắt, được chọn lọc một cách tự nhiên và đầy chân thực. Việc của tôi chỉ là sắp xếp các lát cắt, chi tiết ấy thành một câu chuyện.

Chính sử ghi rõ, ngày 4/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum phối hợp với Sư đoàn 968 và các đơn vị chủ lực Mặt trận B3 liên tục hoạt động nghi binh, thu hút địch, chia cắt, cô lập và tiêu diệt địch tại chỗ.

Trước những diễn biến mau lẹ và thuận lợi của chiến trường, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Kon Tum gấp rút chuẩn bị phương án giải phóng thị xã Kon Tum.

Lúc này, lực lượng vũ trang tỉnh tham gia có 2 tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 1 và 2), 4 đại đội độc lập (3 đại đội pháo binh và 1 đại đội công binh), 6 đại đội của huyện, 2 đại đội thị xã, 1 đại đội an ninh vũ trang, 200 du kích của các xã.

Lực lượng chủ lực phối hợp có Trung đoàn bộ binh 9 (Sư đoàn 968), gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn thiết giáp (dự bị).

Ngày 7/3/1975, kế hoạch tiến công giải phóng thị xã Kon Tum bắt đầu. Các đơn vị tham gia nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch hiệp đồng.

Trước sức tấn công mạnh mẽ của ta từ các hướng, từ chiều 16/3/1975, địch ồ ạt tháo chạy khỏi thị xã theo đường 14 sang Plei Ku, đi Cheo Reo. Ta đã đánh chiếm các khu vực quan trọng trong nội ô và giải phóng hoàn toàn thị xã Kon Tum.

Và trong ngày lịch sử ấy, lạ kỳ thay khi có những sự đóng góp thầm lặng nhưng ý nghĩa của những  người “bên kia chiến tuyến”. Vì lương tâm, lòng chính nghĩa và tình yêu quê hương, họ đã âm thầm giúp đỡ cách mạng để ngày toàn thắng bớt đi những mất mát, thiệt hại.

Câu chuyện về hai công nhân điện ngày ấy đã chống lệnh không phá hủy nhà máy đèn là một trong những minh chứng. Và tôi may mắn khi có được khá đầy đủ tư liệu về hành động dũng cảm ấy.

Trước ngày tỉnh Kon Tum được giải phóng, ông Đinh Thục đang làm việc tại Trung tâm Điện lực Kon Tum. Những ngày đầu tháng 3/1975, tình hình ở Kon Tum lộn xộn chưa từng thấy, mạnh ai nấy chạy.

12 giờ ngày 16/3, ngay trước giờ phút cáo chung của chế độ cũ, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kon Tum Phan Đình Hùng điện thoại trực tiếp cho ông Đinh Thục ra lệnh cài thuốc nổ phá hủy nhà máy đèn, nơi cung cấp điện cho thị xã Kon Tum.

 Là công nhân, chỉ làm thuê mưu sinh, ông Đinh Thục yêu quý máy móc như con mình nên thấy rất xót xa nếu phải phá hủy.

Hơn nữa, ông Đinh Thục luôn có một niềm tin rằng, những người chiến thắng sẽ không làm hại ông.

Trước tình thế cấp bách, lương tâm không cho phép làm điều phi nghĩa, ông Đinh Thục bàn với ông Trần Lâm (công nhân đường dây) rồi quyết định chống lệnh, không cài thuốc nổ, bảo vệ nhà máy.

Khi cánh quân hướng Tây Bắc vào tiếp quản thị xã Kon Tum, đến nhà máy đèn thì phát hiện hai công nhân, mà sau này biết tên là Đinh Thục và Trần Lâm, đang ôm súng bảo vệ các máy phát điện.

Ông Đinh Thục đề nghị được gặp cấp chỉ huy và trình bày chi tiết sự việc và giao nộp súng cho đội công tác. Và hai ông rất bất ngờ khi được cấp chỉ huy tin tưởng, giao nhiệm vụ tiếp tục bảo vệ nhà máy đèn trong điều kiện an ninh trật tự còn rất phức tạp.

Sau này, ông Lê Anh Phương- Thường vụ H5 (bí danh thị xã Kon Tum), người trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Đinh Thục và Trần Lâm- kể lại: Khi ấy, tôi hỏi tại sao các anh không đi tản cư mà ở lại đây? Người công nhân nhà máy đèn trả lời: Tôi biết không trả thù nên ở lại đây. Tôi bảo: vậy thì tôi giao lại cho các anh một khẩu súng, các anh tiếp tục bảo vệ nhà máy đèn, không được để ai phá.

Nhờ bảo toàn được 6 tổ máy phát điện và hệ thống đường dây mà ngay sau ngày giải phóng Kon Tum, hệ thống phát điện hoạt động trở lại, phục vụ người dân và các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự của Ban quân quản thị xã Kon Tum.

Những máy phát điện diesel này chính là tài sản đầu tiên của ngành điện tỉnh Gia Lai- Kon Tum. Và chúng tiếp tục thực hiện sứ mệnh cấp điện của mình hàng chục năm sau.   

Cũng trong ngày giải phóng, đã có nhiều gia đình, nhiều người nhẹ dạ, nghe theo luận điệu tuyên truyền của ngụy quân, ngụy quyền rằng “phải tản cư, ở lại cộng sản tới sẽ giết chết hết”, hoảng hốt bồng bế nhau rời bỏ nhà cửa, quê hương.  

Theo dòng người di tản sáng sớm 15/3 có gia đình ông Trần Văn Tuyên- một nông dân ở vùng ven thị xã Kon Tum. Đến cầu Phú Bổn thì đường bị tắc, cả gia đình bồng bế nhau bỏ xe chạy bộ.

Chạy là chạy vậy, nhưng trong đầu tôi cứ quanh quẩn suy nghĩ: sao mình lại phải bỏ chạy? Nhà mình ở đó, bây giờ biết chạy đi đâu? Với lại, mình là nông dân, chỉ biết làm ruộng, có hại ai bao giờ. Hơn nữa, trước đây nghe người dưới quê nói rằng cách mạng không hại người dân vô tội- ông Tuyên nhớ lại.

Trăn trở mãi, rồi ông Tuyên quyết định quay về. Khi về đến Kon Tum, ông thấy cờ giải phóng phấp phới tung bay trong niềm vui tràn ngập khí thế chiến thắng, bà con reo mừng hân hoan đón chào cán bộ, chiến sĩ giải phóng, trong đó có hàng xóm, bạn bè, học trò mình. Ông thở phào nhẹ nhõm, thấy mình trở về là đúng.

Và cuộc đời ông, vợ con ông cũng đã bắt đầu những trang mới, từ sau quyết định trở lại. Giờ đã hơn 70 tuổi, vui thú điền viên với con cháu, ông luôn tin rằng, mỗi người có một số phận, nhưng trong chiến tranh, qua chiến tranh, số phận mỗi người lại giống nhau: Được sống, được gặp nhau và có khởi đầu mới, dù gian khó nhưng tốt đẹp.

Khi tôi đang gõ những dòng cuối của bài viết này thì một người bạn nhắn tin hỏi: "Hôm nay có đi đâu không?". "Có thể sẽ đi dạo phố, như vẫn làm nhiều năm qua vào ngày này"- tôi trả lời.

Ngày này, năm 1975, bao người đã trào nước mắt vì niềm vui giải phóng khỏi sự kìm kẹp của Mỹ - Ngụy, vì cơn ác mộng của chiến tranh, của bom đạn đã kết thúc.

Diện mạo vùng đặc biệt khó khăn đổi thay sau 48 năm giải phóng. Ảnh: TH

 

48 năm sau, ngày 16/3/2023, nắng nhuộm vàng trên những mái nhà, sánh như mật. Các tuyến đường của thành phố Kon Tum rực một màu cờ đỏ sao vàng. Cả tôi, cả bạn và chúng ta đều biết, ngày hôm nay không chỉ để mừng kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh, mà còn là để thương nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc, họ luôn sống mãi trong lòng mọi người.

Cũng là lúc để mỗi người trong chúng ta nhìn lại những gì mình đã làm được, và cân nhắc xem có thể làm gì để cuộc sống tốt hơn.

Thành Hưng

Chuyên mục khác