Có một ngày 8/3 khác

11/03/2024 13:04

Ở mình ấy - chị cán bộ phụ nữ thôn, có dáng vẻ đậm thấp và phúc hậu, cười vui vẻ - ngày 8/3 vẫn như những ngày khác thôi.

Mọi năm, vào những ngày này, tôi đều đang bận tâm với việc tìm hiểu xem “thiên hạ” sẽ đón Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 như thế nào.

Tôi dám chắc rằng, đây cũng là chủ đề chính, được nhiều người bàn đến nhất. Bởi từ công sở đến quán cà phê, từ nhà ra đường, tôi đều được nghe người ta bàn tán nhiều về những hoa, những quà.

Nhưng năm nay tôi muốn viết về ngày 8/3 của những phụ nữ ở một ngôi làng nằm bên sườn đồi, phía dưới là những ruộng bậc thang trồng lúa nước. Xa nữa là trập trùng núi đồi, phía ấy có rẫy trồng sâm dây.

Tôi về làng đúng những ngày nóng nhất. Mặt trời như cái bếp lò, tỏa ra những quầng nắng hừng hực, mênh mang và chói chang. Thứ nắng như muốn vắt kiệt từng giọt nước trong người.

Con đường bê tông dẫn vào làng hắt cái nóng hầm hập, sền sệt, bức bối lên người. Tôi cố gắng chạy hết quãng đường chục cây số. Cho đến khi một “ốc đảo” xanh hiện ra trước mắt.

Đi rẫy ngày 8/3. Ảnh: TH

 

Cách biệt với trung tâm xã bởi miên man đèo dốc, làng là một thế giới khác, một thế giới của núi, của cây rừng xanh thắm, suối reo, chim hót và không gian trong veo.

Tôi vốn có nhiều kỷ niệm với ngôi làng này. Nên khi trở lại, già làng nắm lấy hai tay tôi rung rung bày tỏ rằng vẫn nhớ tôi lắm đấy.

Dù cuộc sống đổi thay nhiều, nhưng dân làng vẫn vậy, nồng hậu, mến khách và chân thành. Giống như ghè rượu ủ khéo, vẫn ngọt ngào và nồng đượm như xưa.

Bữa cơm chiều đông vui hơn vì có mấy chị em trong tổ hợp tác đến bàn chuyện “mần ăn”, nhân có khách nên chủ nhà giữ lại ăn cơm luôn. Câu chuyện lan man rồi rẽ ngoặt sang đề tài ngày 8/3 hồi nào. 

Hôm nay ngày 8/3 đấy- tôi “mở màn”.

Biết chứ - chị con dâu già làng, và là cán bộ chi hội phụ nữ thôn nói- Bây giờ cuộc sống nâng cao, tivi, điện thoại, sóng di động đủ cả, sao lại không biết. Nhưng biết thì biết vậy thôi, chứ vẫn làm việc bình thường như 364 ngày còn lại trong năm.

Quà ấy à, sao lại được tặng quà? Chồng mình làm gì có tiền mà mua. Chồng Y Biết ấy, nó nói thế này: Đừng có mà đua đòi theo cái mạng xã hội. Vừa tốn tiền, lại không no bụng, biết chưa? Thế đấy- một chị thủng thẳng.

Mọi người cười váng lên!

Các chị hay cười. Cười khi kể về cuộc sống còn nhiều khó khăn, cười khi biết mình nhầm lẫn giữa hai ngày lễ dành cho phụ nữ. Cười khi được hỏi có được tặng hoa và quà vào ngày này không.

Có tiếng gọi ngoài cổng, Y Lơ dẫn chồng là A Bay đến chào tôi. Tôi nhận ra người phụ nữ gầy như que củi, lúc nào ánh mắt cũng buồn rười rượi này. Hoàn cảnh Y Lơ cũng tội. Chồng lười lao động, lại nghiện rượu, có tiền là say xỉn suốt ngày, mỗi lần say rượu lại đánh con, đuổi vợ.

A Bay ấy à, đã bỏ hẳn rượu rồi, không còn đánh vợ con nữa, nay chí thú làm ăn lắm. Nhà Y Lơ đã thoát nghèo đấy- già A Gưng khen. Y Lơ hân hoan nhìn chồng khi nghe  già làng nói.

Anh chồng ngượng ngùng nói lời cảm ơn. Trên gương mặt Y Lơ đã không còn nét buồn rười rượi nữa, mà lấp lánh ánh vui. Với Y Lơ, đó là món quà lớn nhất!

Nhìn nụ cười tươi của chị em vì chồng Y Lơ bỏ rượu, biết giúp vợ làm việc mà thấy nao nao trong lòng. Ở đâu đó ngoài kia, những chuyến đi chơi xa, những bữa liên hoan vui vẻ, hoa tươi và quà tặng đang tràn ngập trên mạng xã hội.

Nói đến chuyện uống rượu mới nhớ. Ngày trước, tôi ở lại nhà già làng mấy ngày là từng ấy đêm tôi “dự” những bữa rượu dài đằng đẵng.

Mà không riêng gì nhà già làng, ở đây, đến mùa mưa, trời lạnh giá, nhà nhà đóng cửa uống rượu. Chỉ cần trong nhà còn có cái để ăn, người già sẽ ở bên bếp lửa nhà mình uống rượu.

Cũng không chỉ thanh niên và đàn ông, mà chị em phụ nữ cũng tụ tập uống rượu. Vì thế nên ở làng, ngày nào cũng như ngày nào, đàn ông vẫn đi làm rẫy, có tiền thì uống rượu và đong gạo; phụ nữ vẫn miệt mài kiếm củi, trỉa bắp, trên đường đi chăm chắm tìm hái nắm rau rừng về luộc chấm muối.

Ngày 8/3 của phụ nữ vùng sâu không khác ngày thường. Ảnh: T.H

 

Có lần, khi viết bài về xóa bỏ hủ tục, tôi từng hỏi chị cán bộ xã là cần xóa bỏ hủ tục gì trước nhất, chị suy nghĩ rồi hỏi lại: Uống rượu nhiều có bị coi là hủ tục không?

Tôi đã suy nghĩ khá lâu về câu hỏi này. Uống rượu, vốn là văn hóa lâu đời của bà con, nói không được uống rượu là trật, bà con sẽ phản ứng.

Cuối cùng, tôi nói với chị rằng, uống rượu có chừng mực, vừa phải thì không sai, không phải hủ tục, nhưng uống nhiều, uống triền miên, uống ngày này qua ngày khác thì là không tốt, là hủ tục, vì ảnh hưởng sức khỏe, không làm ăn được.  

Chị cán bộ gật đầu: Vậy thì phải đẩy mạnh tuyên truyền trong bà con, không kể đàn ông hay phụ nữ, không được uống nhiều rượu, không được say tối ngày. 

Và lần này lên làng, không thấy cảnh ấy nữa. Hỏi ra mới biết bây giờ đời sống mới rồi. Già làng nói trước khác, nay khác. Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” như một luồng gió mát lành thổi tới, xua đi những hủ tục, những  thói quen xấu ở làng. 

Mai chị em tập trung vào chăm sóc rẫy sâm dây cho nhà Y Lơ nhé. Để nhiều cỏ như vậy là không được đâu- chị con dâu già làng chợt nói.

Thế là chủ đề câu chuyện lại chuyển. Chị con dâu già làng nói với tôi rằng, phụ nữ ở làng bây giờ khác nhiều rồi.

Họ không còn cam chịu nữa đâu, mà mạnh dạn, tự tin hơn, không còn “sợ gặp người lạ” nữa. Từ người chỉ quen với ruộng rẫy, bếp núc, nay đã biết bàn chuyện làm ăn, cải thiện vị thế trong gia đình và xã hội.

“À mà hôm nay là ngày đặc biệt, có lẽ chiều nay phải nghỉ việc, mấy chị em rủ nhau nấu nướng, tổ chức một bữa liên hoan mới được, gọn nhẹ thôi, nhưng cũng phải có, vừa để vui, vừa để nhắc mấy ông chồng nhớ năm sau chủ động hơn chứ’’- một chị lên tiếng.

Tiếng vỗ tay rào rào hưởng ứng!

Thành Hưng

Chuyên mục khác