Có một loài hoa

13/01/2024 14:02

“Ai lên xứ hoa đào”, mỗi lần nghe câu hát này là tôi cứ nghĩ về Đà Lạt phố mộng mơ hoặc nhớ tới miền Bắc, nơi xứ lạnh đặc trưng luôn chơi hoa đào vào mỗi dịp tết đến, xuân về.

Đó là trước kia, chứ bây giờ, cao nguyên Kon Tum không chỉ là xứ sở của những đặc sản cà phê, bơ, sầu riêng, sâm, mật ong; không chỉ vẫn còn nhiều nơi với đại ngàn hoang sơ, với bồng bềnh tận hưởng thú săn mây mà Kon Tum còn là điểm hẹn của mai anh đào tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, cách trung tâm thành phố tầm 50km.

Năm nay mai anh đào nở muộn. Ảnh: HP

 

Mảnh đất Kon Plông cũng sắp vừa tròn 22 năm thành lập huyện. Có lẽ một trong những thế mạnh của Kon Plông chính là du lịch, và vẻ đẹp của mai anh đào đã góp phần nâng lượt khách du lịch nơi đây. Cũng đúng thôi, Măng Đen đèo dốc quanh co, trập trùng đồi núi, bạt ngàn sắc xanh cây lá, giờ điểm thêm sắc hồng rực rỡ của mai anh đào giữa mênh mông đất trời như một bức tranh hoàn mĩ dễ say lòng người. Có lẽ vì thế nên loài hoa này trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến Măng Đen.

Tôi được biết chủ trương của chính quyền nơi đây là cấp giống hoa cho người dân, vận động người dân trồng mai anh đào không chỉ trên những con đường vào thị trấn, trên các vỉa hè, mà cả ở những nơi đất trống, trước sân của từng ngôi nhà. Để đến khi nắng ấm xuân về, mai anh đào bừng lên sắc thắm rực hồng thị trấn miền cao, như gọi mời, níu chân du khách gần xa đến với Măng Đen.

Năm nay ít lạnh nên đào nở muộn. Nhớ năm ngoái, tầm này Măng Đen đã khoác lên chiếc áo hồng đẹp lạ. Từ khu trung tâm dọc các đường đi, đến các hồ, thác, từng vạt hoa nghiêng mình rung rinh trước gió. Khó ai có thể cầm lòng trước cái đẹp, mọi người đua nhau chụp hình, góc này, lối kia. Thời tiết thì lúc nắng lúc mưa lất phất, tôi cầm chiếc ô nhưng không dám bật lên bởi sợ che mất vẻ lung linh của hoa khi lên hình.

Du khách chụp ảnh bên mai anh đào. Ảnh: HP

 

Cái giống mai anh đào là thế, cứ phải lạnh một đợt rồi có nắng ấm lên thì hoa mới bung nở rộ. Sắp hết đông rồi mà mai anh đào vẫn như những cành cây khô khẳng khiu, nụ mới xíu xiu chứ chưa chúm chím. Dù vậy có vài nơi cây bắt đầu trổ hoa lác đác. Tận mắt ngắm cánh hoa be bé, phơn phớt hồng, tôi chợt nhớ tới bài tập đọc thuở ấu thơ: “Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào nhưng cánh hoa mai to hơn cánh hoa đào một chút”. Có phải vì đào ở Măng Đen có năm cánh giống hoa mai nên người ta mới gọi tên là mai anh đào không nhỉ! Bận lòng chi, chỉ biết lâng lâng tự hào bởi có một ngày, Kon Plông trở thành điểm đến của khách phương xa khi mỗi năm hoa đào nở.

Dường như đứng trước cái đẹp và mong manh của hoa, ngắm hoa mà ai cũng nhẹ nhàng sợ hoa bị lìa, bị rụng, nhóm bạn chúng tôi chẳng ai nỡ hái hoa, bẻ cành để làm niềm vui riêng cho mình. Tôi thắc mắc rằng mai anh đào có được đem về nhà chưng tết hay không? Có lẽ không đâu, vì đào ở đây chỉ trồng làm cảnh hợp với mây trời, gió núi. Hết mùa, hoa sẽ tàn rồi mùa sau hoa lại nở, lại bung sắc thắm hồng điểm tô cho núi rừng cao nguyên.

Cô em họ gắn bó gần hai mươi năm trên xứ này kể với tôi: Hiếm hoi lắm mới có người ra vườn chặt một cành chưng tết, nhưng sau đó tiếc lắm vì cứ để trên cây ngắm cho thỏa, năm sau hoa nở lại ngắm tiếp, vừa đẹp sân, đẹp vườn nhà, đẹp thị trấn, vừa đỡ xót khi phải chặt hoa chơi có vài ngày ngắn ngủi rồi bỏ đi. Ngắm hoa, nghe em nói mà nghĩ đến cái hữu hạn của đời người, cái nối tiếp vô tận của thời gian, cái vô tình mà nghiệt ngã như quy luật của cuộc đời:“Bàn tay tôi trồng đào/Bàn tay tôi chặt đào/Bàn tay tôi cắm đào vào lọ/Bàn tay tôi cũng bàn tay tôi/Vứt đào ra ngõ”.

Ừ thì, mai anh đào chỉ hợp với mây trời gió núi, ai nỡ chặt đem về chưng tết.  

HẠNH PHƯỚC

Chuyên mục khác