Có một Kon Tum như thế

12/08/2021 13:28

Sáng nay, 12/8, đi dưới bóng cờ trên đường Trần Phú, chợt thèm được kể cho bạn nghe về một Kon Tum rất quen thuộc nhưng cũng rất mới mẻ; một Kon Tum đang phát triển mạnh mẽ, năng động nhưng vẫn giữ được bản sắc hiền hòa, thân thiện, như những giá trị bất biến.

1. Nếu như lấy ngày 12/8/1991 là mốc đánh dấu quá trình phát triển mới của phố núi, thì ngày 12/8 năm nay, Kon Tum bước vào tuổi 30, độ tuổi tráng niên, sung sức nhất. Và vui thay, tôi đã gắn bó với vùng đất này hơn 2/3 chặng đường đã qua.

Tháng 4/1999, hay tin tôi sẽ vào Kon Tum lập nghiệp, gia đình, bạn bè đều lo lắng. Không ít người còn chưa biết Kon Tum nằm ở đâu trên bản đồ, một số người tìm kiếm thông tin rồi kêu lên: Sao liều thế? Ở đó xa xôi, hẻo lánh, lạc hậu lắm.

Mẹ tôi thì không nói gì, chỉ khóc, rồi chạy vạy vay tiền cho tôi làm lộ phí. Khi xe chuẩn bị chạy, bà dúi vội vào tay tôi một bì thuốc cảm, sốt và… mấy chai dầu gió.

Ngày ấy, không ai ngờ, Kon Tum đón tôi với tất cả sự mềm mại, ấm áp và ngọt ngào!

Tôi đặt bước chân đầu tiên xuống Kon Tum ở đầu cầu Đăk Bla, khi đất trời đang chuyển mình từ ngày sang đêm. Ngẩn ngơ nhìn con đường vắng vẻ hồi lâu, rồi theo chỉ dẫn, tôi lầm lũi đi bộ đến nhà người quen.

Lạ một điều, đi trên vùng đất mới mà tôi không thấy mình xa lạ, bỡ ngỡ. Có lẽ vì sự thoáng đãng và yên bình từ những ngôi nhà cấp 4, mái lợp tôn; giàn hoa giấy mọc bên hiên một ngôi nhà đang nở chói chang; con đường đất nhỏ với những vũng nước đọng sau cơn mưa. Chúng không khác với quê tôi là mấy!

Sáng hôm sau, tôi mon men ra đầu ngõ, mạnh dạn thuê hẳn một anh xe ôm chở đi dạo. Chú em đi đâu? Dạ đi đâu cũng được- tôi nói nhỏ, vì cảm giác giọng Bắc hơi to so với sự êm đềm, nhẹ nhàng của buổi sáng phố núi.

Người mới hả- anh xe ôm nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi chở tuột tôi ra cầu Đăk Bla. Con đường này sẽ dẫn ta về đâu? Tôi chỉ đường 14 mờ trong sương. Anh xe ôm cười trong tiếng gió ù ù: Vào rừng. Đường cụt mà.

Vậy đấy. Quốc lộ 14 có tiếng trong chiến tranh, mà ai học Lịch sử cũng từng biết tới lại là đường cụt. Và Kon Tum như một “ốc đảo”, chỉ có vào mà không có ra- anh xe ôm nói. Sau này tôi mới biết, đó lại là một nhà thơ khá có tiếng ở Kon Tum.

Kon Tum, những ngày đầu, cuộc sống trôi qua chậm rãi như chiều. Thời gian như ngưng đọng trên gương mặt mọi người, trên dòng sông, trên những bãi bồi xanh rì cây trái. Xe cộ thong dong trên phố. Người ta cười nói chậm rãi, đi lại chậm rãi. Một cơn mưa ào xuống bất chợt, đường phố sạch sẽ tinh tươm, người ta dừng xe, gấp áo mưa cũng chậm rãi.

Tôi quen dần với phố núi bằng những chuyến lang thang bằng xe đạp. Thị xã Kon Tum cũng nhỏ bé hơn tôi tưởng, với dăm ba con đường nhựa. Nhưng dường như ở đây trời cao và xanh hơn. Nắng mênh mang, hừng hực hơn. Gió cởi mở, phóng túng hơn. Cây trái thì xanh rưng rức đến nao lòng. Còn người thì hào sảng, đã thương là thương sâu, đã nhớ thì nhớ đậm.

Khác với khái niệm đô thị thông thường, làng ở Kon Tum vẫn hiện diện nhẹ nhàng trong đời sống đô thị, chứ không hề lạ lẫm và tách biệt. Đạp xe ít phút đã hết phố, lạc vào làng. Rất gần. Những Kon Tu, Kon Tum Kơ Pâng, Kon Rờ Bàng, Plây Tơ Nha, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn… 

Ở làng, luôn có những ngôi nhà không bao giờ đóng cửa, mở toang cho nắng, gió và khách khứa thoải mái ra vào. Nhìn nhà là hiểu người, chân chất, thật tình lắm, chân thật đến bày cả gan ruột.

Ở làng, bà con vẫn gieo trồng và chăn nuôi theo cách riêng của mình. Đầu làng vẫn thấy đám trẻ nghịch ngợm hoặc người già ngồi trước cửa cười hiền lành. Những buổi sáng, bóng gùi vẫn thấp thoáng trên các tuyến phố, và cô gái Ba Na, Xơ Đăng xập xòe váy áo thổ cẩm nhìn khách bằng ánh mắt sáng long lanh như chứa cả khoảng trời xanh.

Và mưa! Không như ở quê tôi, đã mưa là dầm dề, thối đất thối cát, mưa phố núi mang nét duyên thầm riêng có, như cô gái hay dỗi hờn, đến đi bất chợt, đầy quyến rũ. Trong một buổi chiều mưa ấy, tôi được nghe kể truyền thuyết về một vùng đất.

Chuyện rằng, thuở xa xưa ấy, trong vùng người Ba Na (thuộc thành phố Kon Tum ngày nay) có làng người dân bản địa tên gọi là Kon Trang Or (về sau gọi là Chư Hreng), sinh sống gần sông Đăk Bla. Lúc ấy, làng Kon Trang Or rất thịnh vượng, với dân số khá đông. Bấy giờ giữa các làng luôn đánh nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ.

Trong số những người dân làng Kon Trang Or có một người tên là Jaxi, có 2 con trai là Jơ Rông và Uông; hai người này không thích cảnh làng này đánh nhau với các làng khác, nên đã ra đi làm nhà ở riêng, gần hồ nước cạnh sông Đăk Bla. Vùng đất này rất tốt nên dần dần có nhiều người đến ở, mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành một làng mới với tên gọi Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập ra của người Ba Na sát bên bờ sông Đăk Bla, nơi có nhiều hồ nước trũng.

Đô thị Kon Tum phát triển theo đinh hướng ''thành phố xanh''. Ảnh: HL

 

2. Tôi rất vui vẻ mà thừa nhận rằng, mình đã "phải lòng" mảnh đất này từ những buổi chiều ngắm dòng Đăk Bla hiền hòa; từ sự bình yên khi đi trên những con đường nhỏ, hai bên phủ đầy hoa lá; cảm giác ấm áp với những người bạn ít nói hay cười, từ tốn; cảm giác thơm thảo như mùi bắp nướng bên bãi sông; cảm giác lâng lâng khi men rượu ghè ngấm vào lòng.

Trải qua thời gian, tình cảm của tôi với phố núi, sự tự hào của tôi về phố núi không hề thay đổi, mà chỉ ngày càng dày thêm.

Đất Kon Tum vẫn hiền hòa, yên bình. Người Kon Tum vẫn chân chất, thân thiện và hiếu khách, như một giá trị bất biến.

Nhưng rồi ta lại nhận ra, bên cạnh nét lặng lẽ, yên bình vốn có ấy, là một Kon Tum mới, một Kon Tum đang phát triển mạnh mẽ, năng động. Âu cũng là bước phát triển tất yếu của một vùng đất. Không thể giữ tấm áo quá cũ cho một cơ thể bắt đầu cường tráng hơn.

Những tuyến giao thông trọng yếu như Quốc lộ 14- đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C… được đầu tư nâng cấp, mở rộng phá thế ngõ cụt, đưa Kon Tum gần hơn với biển, thành điểm sáng trong bản đồ giao thương khu vực.

Phát triển mạng lưới giao thông là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy phát triển. Ảnh: HL

 

Ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa đã có chuyển biến toàn diện và mạnh mẽ về diện mạo và đời sống người dân thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự triển khai quyết liệt và đồng bộ các chủ trương, chính sách, đặc biệt là hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

“Lên thành phố” năm 2009, sau 12 năm, dáng dấp đô thị Kon Tum hiện đại hơn, người đông hơn; không gian phố đổi thay nhiều; những ngôi nhà chật hẹp, thấp lè tè đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Phát triển theo mô hình “Thành phố xanh mới” hiện đại, sôi động và bền vững, có bản sắc riêng, thành phố Kon Tum xứng tầm trung tâm văn hóa, giáo dục, chính trị, khoa học kỹ thuật và vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Thêm những cánh tay lực lưỡng thúc đẩy hành trình vươn mình đầy mạnh mẽ và năng động, như Tuyến tránh thành phố Kon Tum, tuyến đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24... Và không lâu nữa, trên bản đồ sẽ gọi tên tuyến tránh phía Tây thành phố Kon Tum và hàng loạt cây cầu nối đôi bờ sông Đăk Bla.

Bên cạnh các công trình giao thông, Kon Tum tiếp tục tập trung kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn để phát triển dịch vụ mang tính cấp thiết, các cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, trung tâm thương mại kết hợp nhà phố, các khu du lịch - nghỉ dưỡng.

Sự vận dụng một cách thông minh và sáng tạo quy hoạch xây dựng, phát triển vùng, cũng như tinh thần sẵn sàng đón nhận những vận hội mới giúp định hình nên một Kon Tum hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tiến trình này bước đầu ghi nhận khi một số nhà đầu tư uy tín đã đặt chân tới đây, như Tập đoàn FLC, Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn TH…

Có thể câu chuyện về Kon Tum được viết vào đúng ngày 12/8/2021, tròn 30 năm sau ngày tái lập, hơi rời rạc và chắp vá bởi người viết vụng về.

Nhưng hẳn rằng, đất Kon Tum và người Kon Tum cũng thông cảm cho tôi, khi mà tôi chỉ viết theo cảm xúc và tình cảm của mình, giống như niềm yêu lấp lánh trong ánh mắt cô gái năm nào kể cho tôi nghe truyền thuyết về một vùng đất.

Và cũng xin đừng cười buồn vì đâu Kon Tum vẫn chưa trở thành trung tâm kết nối các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, cũng như chưa tận dụng được vị trí trọng yếu trong thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại hành lang biên giới giữa 3 nước Đông Dương.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với địa chính trị trọng yếu- nằm ở cửa ngõ cực Bắc của “con đường xanh Tây Nguyên”, tại vị trí ngã ba Đông Dương; thời tiết lý tưởng; giao thông thuận lợi…, Kon Tum có tất cả các yếu tố để trở thành một trung tâm kinh tế của khu vực.

Và tôi tin vào điều đó!

Hồng Lam

Chuyên mục khác