Cơ duyên đến với nghề báo

20/06/2019 06:12

Đến tháng sáu này, với tôi cũng vừa tròn 23 năm gắn bó với công việc ở Tòa soạn Báo Kon Tum. 23 năm ấy biết bao tình cảm thân thương với nghề, với công việc “bếp núc”, hậu kỳ của một tờ báo. Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin được chia sẻ một chút cảm xúc về nghề, về công việc mà mình đã gắn bó.

Đến với nghề báo, với tôi đó là một cơ duyên nhiều may mắn.

Thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, bắt đầu biết mộng mơ và “hoạch định” cho mơ ước của mình, tôi rất thích được làm cô giáo. Với quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, năm 1988, tôi thi đậu vào Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Được vào học ngành mà mình yêu thích, ước mơ của tôi như được chắp thêm đôi cánh để mình chăm chỉ học tập hơn.

Nhưng rồi, đời vốn dĩ “không như là mơ”, khi năm 1990, gia đình tôi gặp biến cố lớn, ba mẹ tôi rơi vào khánh kiệt. Đôi vai gầy với 8 đứa con là gánh nặng quá sức đối với ba mẹ tôi (sau tôi còn 6 đứa em đang tuổi ăn, tuổi lớn). Không có sự lựa chọn nào, tôi buộc phải rời xa giảng đường đại học, mang trong lòng một nỗi buồn man mác.

Từ đó, tôi làm đủ nghề để phụ giúp gia đình lo cho các em ăn học. Công việc cứ thế kéo dài 2 năm, cho đến buổi tối “định mệnh” hôm đó (tôi thường nói vui với bạn bè như vậy) tôi tình cờ xem được thông báo phát trên Đài PT-TH Kon Tum, Xí nghiệp In Kon Tum đăng tuyển nhân viên đi đào tạo chế bản điện tử chuyên ngành in. Nghe thông báo này, trong đầu tôi liên tưởng đến công việc sẽ gắn liền với chữ nghĩa, thơ, văn, sách, báo… - công việc mà tôi cũng yêu thích - nên sáng ra đã quyết định đến Xí nghiệp In Kon Tum để mua hồ sơ dự tuyển.

Nhớ lại thời điểm ấy, tôi thấy mình có nhiều may mắn. Bởi lúc ấy, cũng ít người quan tâm đến công việc này và tôi cũng có chút kha khá tiếng Anh để phục vụ cho công việc nên được lãnh đạo Xí nghiệp chấp nhận. Sau khi được nhận vào Xí nghiệp In Kon Tum, tôi cùng một số anh chị em được Xí nghiệp gởi vào thành phố học các khâu xuất bản, in ấn…

Trở lại Thành phố Hồ Chí Minh với bao tâm trạng, nhưng tôi xác định không có điều kiện vào đại học, thì phải cố gắng có một nghề, một công việc ổn định để giúp đỡ gia đình. Từ suy nghĩ ấy và không ngờ học vi tính từ các phầm mềm chế bản như Ventura, Photoshop, CorelDraw lại hấp dẫn với tôi đến vậy. Tôi học ngày học đêm, cái gì chưa rõ tôi học hỏi thêm thầy cô và các bạn đi trước. Khóa học kết thúc, tôi cũng đã có khá khá kiến thức chuyên môn về công việc in ấn…

Về lại Xí nghiệp In Kon Tum, tôi được làm công việc chuyên môn chính là tạo mẫu, thiết kế các mẫu mã mà khách hàng yêu cầu; dàn trang các loại sách, báo, tạp chí… Công việc này đòi hỏi phải có sáng tạo, tỉ mỉ, cẩn trọng, kiên nhẫn và chính xác.

Từ nhỏ, tôi rất thích thơ, văn và đam mê đọc sách nên được làm việc gần với chữ nghĩa, sách vở, tôi thấy như được sống lại với mơ ước của mình.

Thời gian đó, Xí nghiệp In Kon Tum hợp đồng với Báo Kon Tum đảm nhận khâu dàn trang, chế bản báo mỗi tuần 2 số báo. Trong công việc hàng ngày, tôi tiếp xúc được nhiều tin, bài của nhiều nhà báo, nhà văn, tác giả trong và ngoài tỉnh. Đọc để đánh máy, đọc để dàn trang, đọc để kiểm tra lỗi đã không chỉ là công việc mà còn là niềm vui, gắn bó với tôi như cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Cơ duyên đến với nghề báo với tôi bắt đầu từ năm 1996. Khi ấy, Ban Biên tập Báo Kon Tum đặt vấn đề với lãnh đạo Xí nghiệp In Kon Tum xin một nhân viên vi tính chuyên thiết kế dàn trang về làm việc cho tờ báo để chủ động trong việc kiểm tra hơn. Và tôi đã được chọn về công tác tại Báo Kon Tum.

Từ trước đó, Báo Kon Tum và Xí nghiệp In Kon Tum đã gắn bó nhiều trong công việc, nên tôi về Báo với tâm thế giống như người nhà. Đây cũng là lý do khiến tôi không bỡ ngỡ buổi ban đầu mà đã nhập cuộc với công việc một cách nhanh chóng…

Tôi mang một niềm vui sướng tràn ngập khi được về công tác tại Phòng Thư ký xuất bản Báo Kon Tum (nay là Phòng Thư ký Tòa soạn). Về đây, tôi được Ban Biên tập cũng như các anh chị Báo Kon Tum tạo điều kiện tốt nhất để được làm việc, được thể hiện những điều mình được học, được tham khảo từ sách vở, tài liệu của các tờ báo lớn.

Hàng ngày, tin, bài của phóng viên, cộng tác viên chuyển về Phòng Thư ký Tòa soạn với khối lượng lớn để chúng tôi lên trang. Nhiều người nghĩ đây là công việc kỹ thuật thuần túy, nhưng thật ra, đây là công việc đòi hỏi nhiều sự sáng tạo, tỉ mỉ. Từ một tin hay một bài, khi dàn trang, chúng tôi cũng phải chọn font chữ cho phù hợp, tìm tòi sáng tạo để chạy tít sao cho hấp dẫn và đặc biệt hơn là khâu chọn ảnh minh họa cho bài viết của phóng viên, cộng tác viên để làm tăng thêm chất lượng bài viết, cuốn hút người đọc, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Nhân viên Phòng Thư ký Tòa soạn đang thiết kế, dàn trang cho số báo cuối tuần. Ảnh: TQ

 

Trong những ngày làm việc ở Phòng Thư ký Tòa soạn, tôi có thật nhiều kỷ niệm với công việc, với nghề. Nhớ nhất, vui nhất và cũng là cực nhất đó là thời điểm gần tết, cả phòng cùng làm báo xuân. Ấn phẩm báo xuân thường làm gộp chung từ 4-6 số báo thường (tùy theo số ngày nghỉ Tết Nguyên đán theo quy định). Điều mà bạn đọc mong đợi với một tờ báo xuân là ngoài nội dung hay còn phải được trình bày đẹp. Vì thế, bước vào mùa làm báo xuân, chúng tôi nói vui đó là bước vào một “chiến dịch quan trọng” trong năm. Vì vậy mà cả phòng Thư ký Tòa soạn gần như dồn hết tâm sức cho “chiến dịch” này. Sáng sớm đến tòa soạn, tối khuya mới về đến nhà, cứ như thế kéo dài đến vài tuần. Mệt nhưng mà vui vì khi ấy tất cả mọi người đều chung sức, đồng lòng làm việc để đạt kết quả cao nhất với quyết tâm làm ra tờ báo xuân thật đẹp như một món quà xuân dành tặng cho bạn đọc.

Không chỉ lo chuyện “bếp núc” cho tòa soạn, hàng ngày, chính nhờ được tiếp xúc với các bài viết của các anh, chị, em phóng viên còn tiếp thêm cho tôi động lực để tập tành viết nên những bài báo, để rồi tôi cảm thấy yêu công việc viết lách này thật nhiều. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường trải lòng mình qua những trang viết, chia sẻ về những câu chuyện buồn, vui của cuộc sống quanh mình.

23 năm gắn bó với nghề báo, tôi thật hạnh phúc và tự hào khi đã có hàng nghìn số báo của Báo Kon Tum được phát hành (trong đó có 23 ấn phẩm báo xuân) có sự tham gia của mình trong khâu thiết kế, trình bày, chế bản.

Trong không khí của những ngày tháng sáu nhiều ý nghĩa đối với những người làm báo, tự trong đáy lòng mình, tôi xin cảm ơn nghề đã chọn tôi và để tôi có được một phần đời gắn bó với công việc mà mình yêu thích. Yêu nghề, yêu công việc, tôi nguyện sẽ làm hết sức mình để góp sức cho tờ báo ngày càng phát triển. 

Hạ Mi

 

Chuyên mục khác