Chuyện vui ở Mường Hoong

12/10/2021 13:06

Từ một loại cây ở rừng, đến nay, sâm dây được xem là một trong những cây trồng chính ở xã Mường Hoong. Cùng với cà phê, mì, sâm dây được xem là một trong những nguồn thu chính của người dân nơi đây.

Chiều, từ các điểm làng, người dân tranh thủ xuống trung tâm xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) để bán sâm dây sau khoảng 1 năm trồng và chăm sóc. 

Mường Hoong đón cơn bão số 6 bằng những cơn mưa tầm tã. Mới 4h chiều, trời đã sẩm tối. Dẫu vậy, ở trung tâm xã, người, xe vẫn tấp tập. Từ các tuyến đường, người dân tranh thủ chở sâm dây đi bán sau một ngày thu hoạch.

Chị Y Năng ở làng Ngọc Nang nhẹ nhàng đổ 2 bao sâm dây lấm đất bùn ra sân bê tông để người mua kiểm tra. Trong lúc đợi đến lượt được cân, chị Năng cho biết, mấy năm trở lại đây, nhà chị trồng xen ít sâm dây trên rẫy bắp. Đám sâm phát triển, giúp chị có thêm nguồn thu để cải thiện bữa ăn gia đình.

Người dân bán sâm sau 1 ngày thu hoạch. Ảnh: H.T

 

Nhà ở làng Đăk Bối (làng xa nhất xã Mường Hoong), những ngày nhổ sâm, tầm 3-4 giờ chiều, em A Cam (18 tuổi) đã phụ bố mẹ chở sâm xuống trung tâm xã để bán. Bố mẹ A Cam làm được khoảng 1 sào sâm. Vào mùa thu hoạch, A Cam đã phụ bố mẹ nhổ và bán sâm. Đếm kỹ sấp tiền trên tay, A Cam phấn khởi chia sẻ: Nhà em vẫn chưa nhổ hết đâu. Không chỉ bán củ, sâm còn bán được cả lá nữa. Đường sá thuận tiện hơn trước nên trên làng em nhiều người trồng sâm dây lắm.

3-4 năm nay, anh A Thong ở làng Ngọc Nang cũng trồng được hơn 1 sào sâm dây. Thấy sâm dây hiệu quả hơn so với các loại cây trồng khác, năm nay, anh lại tiếp tục mở rộng diện tích. Anh Thong nói rằng, trước đây, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm dây nên anh cùng nhiều người dân trong thôn mạnh dạn trồng. Từ việc trồng lứa đầu tiên, anh lấy củ, tiếp tục nhân giống. “Mình bón phân, làm cỏ thường xuyên nên sâm cũng tốt. Tuy nhiên, những năm sau này, củ sâm nhỏ hơn so với năm đầu xuống giống”- anh Thong nói.

Trời tối dần, vì lượng người xuống bán sâm khá đông nên chị Bùi Thị Hợp – hộ kinh doanh, mua bán ở xã toát mồ hôi vì cân sâm cho khách. Thu mua sâm dây được khoảng 15 năm, chị nói rằng, trước đây, người dân chủ yếu vào rừng tìm sâm tự nhiên về bán, 3-4 năm trở lại đây, người dân đã biết trồng.

Hiện nay, sâm nhỏ có giá từ 25-30 ngàn đồng/kg; sâm xô lớn có giá từ 80-100 ngàn đồng/kg. Chị Hợp cho biết, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển sâm khó khăn, giá sâm cũng chững lại. Vào vụ sâm, mỗi ngày, chị thu mua khoảng 1-2 tạ sâm tươi. Ngoài lượng khách bán lẻ, chị thường nhập sỉ cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Từ một loại cây ở rừng, đến nay, sâm dây được xem là một trong những cây trồng chính ở xã Mường Hoong. Ông Lê Bá Thế - Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết, trên địa bàn xã có hơn 260ha sâm dây; khoảng 80% số hộ dân tham gia trồng sâm. “Hiện nay, các tổ liên kết trồng sâm dây trên địa bàn xã cũng phát triển, hỗ trợ người dân trong việc trồng sâm dây, phát triển kinh tế. Cùng với cà phê, mì, sâm dây được xem là một trong những nguồn thu chính của người dân nơi đây”- ông Thế nói.

Trời tối dần, người dân tranh thủ bán sâm, háo hức mặc áo mưa rồi trở về làng. Trên gương mặt nhem nhuốc, đôi mắt ai nấy đều rạng rỡ niềm vui. “Có lá sâm nấu canh rồi, em mua ít cá, trứng về nấu cơm. Từ lúc trồng sâm, đời sống nhà em đỡ hơn rất nhiều” - A Cam vội vàng nói rồi chạy xe về làng.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác