Chuyện về người phụ nữ kiên cường

30/04/2024 13:20

Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng mỗi lần hồi tưởng về những năm tháng sống trong gia đình là cơ sở cách mạng ở Phương Quý (xã Vinh Quang ngày nay), bà Nguyễn Thị Đức Hạnh (tổ 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) lại càng thêm tự hào, xúc động.

Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh (sinh 1950) trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954), cha tập kết ra Bắc, mẹ tần tảo một nách 3 con nhỏ. Năm 1960, mẹ quang gánh dẫn các con lên Kon Tum lập nghiệp, chọn vùng ven Phương Quý làm nơi dừng chân.

Mấy năm sau, mẹ đi bước nữa, các em lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình đông người càng thêm vất vả. Năm 1965, đang học đệ tứ (tương đương lớp 9 sau này), Hạnh nghỉ học, ở nhà làm rẫy và chăm lo việc nhà đỡ đần cha mẹ.

Tại địa bàn tỉnh Kon Tum, từ năm 1961, H5 (Bí danh của thị xã Kon Tum trong kháng chiến) đã ra đời. Trước Chiến dịch Mậu Thân (1968), cán bộ H5 đã bí mật vào Phương Quý tìm hiểu tình hình để gây dựng cơ sở. Sau Tết Mậu Thân thì anh em chính thức móc nối với mẹ ruột Hạnh là bà Trần Thị Tiên.

Cựu tù chính trị Nguyễn Thị Đức Hạnh. Ảnh: N.H

 

Hồi ấy, để dễ bề cai quản, chế độ cũ đã hình thành tại thôn Phương Quý một ấp chiến lược bao bọc bởi hàng rào kẽm gai kiên cố. Do có một khu vực rẫy rộng đến 4-5ha, nên ba má Hạnh làm nhà ở đó cho tiện làm lụng, trông coi. Khi có diễn biến về an ninh trật tự tại địa bàn và theo “lệnh” của chính quyền địa phương, thì buổi tối, người trong gia đình mới phải vào ấp chiến lược ngủ nhờ nhà người quen.

Vào một đêm tháng 4/1968, cả nhà đang ngon giấc thì được đánh thức bởi tiếng gõ cửa bất ngờ, chậm rãi - bà Hạnh nhớ lại - Lần đầu tiên sau gần 10 năm rời quê hương cách mạng, mẹ được cán bộ cách mạng đến trực tiếp vận động, móc nối.

Sau này, bà Hạnh mới biết rằng, đó là cán bộ của Đội Công tác A25 thuộc H5. Đội do ông Lê Quốc Thành (sau là Giám đốc Ty Công an tỉnh Gia Lai - Kon Tum) làm đội trưởng, cùng các cán bộ cốt cán, trong đó có chú Viêm, anh Ninh.

Nhờ sự nhanh nhẹn, tháo vát của mẹ, gia đình nhanh chóng trở thành cơ sở tin cậy của đội công tác. Từ đây, các mặt hàng thiết yếu (gạo, muối, đường, sữa, tư trang, thuốc chữa bệnh thông thường...) được mẹ mua sắm, cất trong thùng phuy úp dưới đất, để ban đêm, cán bộ vào mang ra vùng giải phóng. Hạnh khi đó đang vào độ đôi mươi khỏe khoắn, nhanh nhẹn, lại có chữ nghĩa nên được các chú mạnh dạn giao nhiệm vụ phù hợp. Thử thách đầu tiên là đánh mật mã trên giấy được Hạnh nhanh chóng hoàn thành. Đó là các chữ viết bằng “ký hiệu” theo các chữ cái tiếng Việt, được ghi lại theo nội dung nguồn tin từ các chú, các anh trong đội công tác, sau đó, chuyển vào “hộp thư chết” trước khi cán bộ nhận lại và chuyển lên cấp trên. “Hộp thư chết” bình thường chỉ đơn giản là một vị trí được chọn trên đất rẫy, phủ lá khô hay nhánh cây xanh. Tuy vậy, gặp lúc “có động” thì ám hiệu là cành củi khô để các chú các anh nhanh chóng cắt liên lạc, tránh bị lộ.

Bà Hạnh trở về khu rẫy cũ của gia đình. Ảnh: NH

 

Trong thời gian hoạt động “kín”, cơ sở liên lạc Nguyễn Thị Đức Hạnh đảm nhận việc tuyên truyền trong lòng địch bằng cách treo băng rôn, rải truyền đơn. Có lần, vào khoảng 3 giờ sáng một ngày tháng 9/1969, hai cán bộ Đội Công tác A25 mang theo súng AK vào rẫy đón Hạnh cùng nhận nhiệm vụ bí mật. Sau khi cắt đường bí mật để vào ấp chiến lược, họ nhanh chóng cột băng rôn mang dòng chữ “Tinh thần quốc khánh 2/9 bất diệt” lên hàng rào, rồi mau lẹ rút êm. Hôm sau, nghe bà con kể lại rằng, sáng ra, quân ngụy trong ấp náo loạn bởi sự xuất hiện của “Cộng sản”.

Sau hơn 2 năm (1969-1970), tích cực công tác với nhiều lần trực tiếp rải truyền đơn, tháng 2/1971, Hạnh bị địch bắt, sau một lần nhà rẫy bị cảnh sát dã chiến và địa phương quân khám xét. Vì không khai thác được gì nên sau hơn 1 tháng giam giữ, địch tạm thả cô gái “cứng đầu”. Sau khoảng 20 ngày theo dõi gắt gao để “nhử” quân ta không thành, lần thứ hai, địch quyết định bắt lại Hạnh. Từ đây đánh dấu những tháng ngày người nữ liên lạc kiên cường đối mặt với cuộc sống bị giam cầm, tù tội; bị tra khảo, hành hạ vẫn nhất quyết không khai.

Trong thời gian bị giam giữ tại an ninh quân đội của ngụy, bà được tiếp thêm ý chí, sức mạnh từ tinh thần hy sinh anh dũng của chú Viêm, anh Lê - 2 cán bộ của Đội Công tác A25 đã anh dũng hy sinh khi có kẻ chiêu hồi chỉ điểm hầm bí mật tại Phương Quý và bị địch bao vây, chiêu hàng.

Sau gần 3 năm bị tù đày, từ nhà giam Kon Tum đến Pleiku, bà Hạnh là một trong số tù chính trị có tên trong danh sách đày đi Côn Đảo, tuy vậy, do tình hình chiến sự diễn biến có lợi cho cách mạng, nên chưa kịp thực thi. Sau Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), bà cùng các anh chị em tù chính trị ở Pleiku được đưa về lại Kon Tum. Tháng 8/1974, tại Tòa án quân sự Quân khu 2 của ngụy, bà được trả tự do.

Từ một cô gái ngây thơ, trong sáng với mong ước được gặp lại người cha thân yêu đã đi tập kết, bà Nguyễn Thị Đức Hạnh đã đến với cách mạng, kiên cường chấp nhận thử thách, hy sinh để bảo vệ cơ sở, bảo vệ cách mạng cho đến ngày toàn thắng. Trong gia đình nhỏ của mình, bà tự hào noi gương mẹ và người cha dượng tốt bụng đã không quản ngại gian nan, thử thách, tận tình đóng góp cho H5.

Sau ngày Kon Tum giải phóng, bà Hạnh nhanh chóng tiếp quản cơ sở, đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang và là một trong số nữ đại biểu HĐND 3 cấp đầu tiên của tỉnh. Nhiều năm, bà đóng góp cho công tác mặt trận, phụ nữ của thị xã Kon Tum và có 10 năm làm giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, trước khi nghỉ hưu.     

Nghĩa Hà

Chuyên mục khác