Chuyện về người lãnh đạo cũ của chúng tôi

24/09/2024 12:26

Biết anh Phan Đức Luận vốn là một cựu chiến binh, chiến sĩ quân tình nguyện của Quân đội giải phóng Pa Thét Lào, nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thông tin, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thời kỳ 1991-2005 (và cũng là lãnh đạo của chúng tôi) còn giữ một số tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình công tác, chúng tôi đã đến nhà anh sưu tầm.

Trong buổi làm việc hôm đó, được anh kể cho nghe về gia đình, về những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ trên đất bạn Lào, những câu chuyện liên quan đến mỗi hiện vật, hình ảnh đã gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của anh. 

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết, mới chưa đầy 10 tuổi, Phan Đức Luận theo cha, anh cả và chị gái tập kết ra Bắc. Một nửa gia đình anh ở lại miền Nam. Tưởng rằng chỉ tạm xa nhau 2 năm, đợi ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nào ngờ cuộc chia li đó lại kéo dài đằng đẵng hơn 20 năm. Hai mươi năm gia đình anh cùng mong ngóng ngày thống nhất non sông, để mẹ lại gặp con.

Ra Bắc, anh Phan Đức Luận học tại Trường học sinh Miền nam tại Hải Phòng, năm 1964 tốt nghiệp cấp 3, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn gay go quyết liệt. Trong khi tiêu chuẩn được ưu tiên đi học nước ngoài, anh quyết xung phong lên đường nhập ngũ, muốn về Nam trực tiếp cầm súng góp sức mình giải phóng quê hương.

Sau thời gian huấn luyện tân binh, anh Phan Đức Luận được điều về Đoàn 959 làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của cấp trên: "Giúp bạn cũng là giúp mình", ở đâu cũng là chiến đấu góp phần giải phóng quê hương, anh nhanh chóng học tiếng Lào, tiếp xúc với văn hóa Lào, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những năm tháng trong sắc phục người chiến sĩ tình nguyện quân đội Pa Thét Lào, anh đã đi từ Sầm Nưa, Mường Hàm, Phu Viêng, Phu Nốc Lốc đến Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Trung Lào), rồi lên Nậm Bạc, Luông Pha Băng (Bắc Lào)...

Năm 1979, sau 15 năm quân ngũ, từ Cục chính trị Binh đoàn Trường Sơn, anh Phan Đức Luận chuyển công tác về làm Trưởng phòng báo cáo viên tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum. Năm 1985 được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Lưu học sinh Lào, đào tạo con em các bộ tộc Lào của các tỉnh Attapư, Sê Kông, Pắc Xế góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước Lào trong thời kỳ mới.

Năm 1987, anh được cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương, ra trường được bổ nhiệm làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc Sở Văn hóa , Thông tin - Thể thao tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Chia tách tỉnh năm 1991, anh về Kon Tum làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin - Thể thao, rồi Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật của tỉnh.

Anh Phan Đức Luận (bìa trái) và anh em trong đoàn công tác năm 2001. Ảnh: VTM

 

Tiếp xúc, làm việc với anh Phan Đức Luận, mọi người luôn có cảm giác tin tưởng, quý mến bởi sự điềm đạm, sắc sảo và hiểu biết của một người lãnh đạo đã làm công tác chính trị, tư tưởng lâu năm, là sự từng trải, được tôi luyện của những người đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, phẩm chất đáng quý của anh Bộ đội Cụ Hồ.

Nói về sự sắc sảo, bản lĩnh của sếp cũ, tôi xin kể câu chuyện nhỏ mà đến giờ, sau hơn 20 năm vẫn còn nhớ rõ. Những năm 2001- 2002, tình hình Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung có nhiều bất ổn, phức tạp do sự chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh uỷ, ngành Văn hoá - Thông tin được giao phụ trách xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy), một xã phần lớn là đồng bào dân tộc Gia Rai. Các đơn vị của ngành thay nhau cử cán bộ xuống trực tại UBND xã. Đúng thời điểm đó, có 1 nghiên cứu sinh người Nhật (tôi quên tên) đến tỉnh Kon Tum xin đi thực tế tại 1 xã của đồng bào dân tộc Gia Rai để chuẩn bị cho luận án tiến sĩ.  

Đoàn công tác xuống xã Ya Xiêr lần ấy có 7 người, có cả anh Luận đi cùng, anh kết hợp xuống làm việc gì đó với xã… Gần 6 giờ tối, đoàn mới chuẩn bị về tỉnh, ở dưới làng ngày ấy không điện, trời đã chập choạng, dân làng đã đi làm về, thấy có khách kéo đến nhà rông khá đông, trong lúc chào hỏi chia tay nhộn nhịp của hàng chục người lúc đó, chợt tôi thấy anh Luận đi nhanh về phía anh phiên dịch, nói nhỏ: “Anh đưa tờ giấy vừa xong cho tôi”. Anh phiên dịch nói: “Chỉ là lá thư bình thường, không có gì anh ạ” - “Không có gì mà lại có gì đấy. Anh đưa cho tôi”!

Anh phiên dịch móc túi lấy ra tờ giấy đưa cho anh Luận, khi đó chúng tôi và cả đồng chí công an đi cùng mới biết lợi dụng lúc đông người, lộn xộn không ai để ý, một đối tượng đã lén lút đưa cho anh phiên dịch một lá thư nhờ chuyển cho ai đó. Ngày ấy, các đối tượng ở địa phương thường tranh thủ khi có người nước ngoài là gửi đơn thư bôi nhọ, kêu ca nói xấu chế độ, kêu gọi nước ngoài giúp đỡ. Ngồi trên xe trở về thị xã, cậu chụp ảnh của cơ quan ghé tai tôi cười nói nhỏ: “Không qua được mắt sếp”. Câu chuyện nhỏ nói lên sự tỉnh táo, luôn cảnh giác và sự nhạy bén của một người lính Cụ Hồ, một người lãnh đạo, một người làm chính trị dày dạn kinh nghiệm.

Gần như trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cả khi trong quân ngũ cũng như khi đã chuyển sang dân sự, anh Phan Đức Luận đều gắn bó với công tác tư tưởng văn hóa và văn hóa văn nghệ luôn là một phần máu thịt cuộc đời anh. Anh có một số ca khúc viết về đề tài cách mạng kháng chiến khá hay, để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu âm nhạc Kon Tum như Chư Tan Kra, về Đăk Tô…

Nghỉ hưu mặc dù tuổi cao, sức yếu anh Phan Đức Luận vẫn nhiệt tình tham gia một số công tác tại địa phương, phát huy vai trò của người đảng viên, người cựu chiến binh, của anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Được chia sẻ yêu thương, được giúp đỡ mọi người là niềm vui, là lẽ sống của anh: Việc gì có lợi cho bà con lối xóm, cho anh em đồng nghiệp cũ anh đều không nề hà. Cách đây mấy năm, thấy anh em đồng nghiệp cùng cảnh nghỉ hưu ít có điều kiện gặp nhau, anh đứng ra vận động, thành lập Câu lạc bộ hưu trí ngành Văn hoá, Thông tin - Thể thao của tỉnh để anh em “xuân thu nhị kỳ” gặp mặt hàn huyên tâm sự, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Một lần tôi có việc đến cơ quan cũ, gặp anh Phan Đức Luận đang trò chuyện với mấy cháu học sinh về trận đánh Chư Tan Kra tại Bảo tàng tỉnh. Nhìn cảnh một ông già gần 80 năm tuổi đời, với gần 60 năm tuổi Đảng đang say sưa kể chuyện chiến trận năm xưa, trong lòng tôi chợt ngân lên câu thơ của vua Trần Nhân Tông thời nhà Trần “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Lịch sử giữ nước oai hùng của dân tộc đang được người đảng viên già- sếp cũ của tôi và các thế hệ đi sau viết tiếp trên mảnh đất này.

Vũ Thị Mai      

Chuyên mục khác