19/06/2019 13:07
Ví dụ, anh viết bài báo “Mùa gặt trong niềm vui đại thắng”, viết về vụ gặt ở quê tôi, mở đầu bằng khổ thơ:
“Mùa gặt trong niềm vui đại thắng
Những tên đồng Ngô Xá, Vũ Dương
Cô gái trẻ tiễn chồng đi đánh giặc
Khẩu súng ngời theo chuyến xe lương”.
Đọc bài của anh và nhiều bài khác trên báo tỉnh, tôi rất thích. Và thế là, mới khoảng 15-16 tuổi, sáng đi học, buổi chiều tôi xách xe đạp cũng đi tìm nguồn để viết báo. Một hôm, đang lang thang ở đê xã Yên Phong, tôi nghe mọi người kháo nhau: “Đêm qua vỡ đê bao, nếu không có dân công xã Yên Hưng mang cánh cửa, tấm ván, tre gỗ ra chặn dòng nước thì hôm sau cả huyện phải dừng đắp đê”. Nghe hay quá, tôi về viết bài báo “Một giờ lao động giá trị nghìn giờ”. Bài báo sau đó được đăng trên Báo Nam Hà và phát trên Đài PT-TH của tỉnh. Vui quá, mấy hôm sau, tôi lại lang thang trên đê của huyện và nhìn thấy hơn 10 con lợn đang gặm cỏ và ăn bèo ở mé đê. Tôi lần mò và hỏi được chủ nhà của đàn lợn ở xã Yên Hồng. Ông khoe: “Nhà tôi nhờ thả rông lợn như vậy, tốn rất ít thức ăn mà mỗi năm nộp cho Nhà nước gấp 30 lần định mức giao cho lao động (ngày đó bao cấp Nhà nước giao khoán mỗi lao động phải nộp 30kg lợn hơi)”. Thích quá, tôi về viết bài “Gấp 30 lần”. Bài báo được đăng trên Báo Nhân dân, Báo Nam Hà và phát trên đài tỉnh.
Và rồi, vào một buổi chiều, có một thanh niên dong dỏng cao tìm đến nhà gặp tôi. Người thanh niên đó chính là anh Lê Văn Thiềng, cộng tác viên xuất sắc của Báo Nam Hà. Anh động viên tôi tiếp tục phát huy viết báo. Tôi biết anh từ đó.
Đầu năm 1977, anh Nam tiến trong biên chế của Đội Công trình huyện Ý Yên vào xây dựng vùng kinh tế mới huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai-Kon Tum) Chỉ trong vòng ít ngày anh đã có bài “Người Hà Nam Ninh trên đất Chư Prông”. Bài đăng trên Báo Nhân dân, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và đăng trên Báo Gia Lai-Kon Tum. Tháng 8/1977, anh được nhận về làm phóng viên Báo Gia Lai-Kon Tum, bắt đầu hoạt động báo chí chuyên nghiệp.
Cuối năm 1978, anh cùng anh Đường Trung Tính, phóng viên Đài PT-TH tỉnh Gia Lai-Kon Tum được cử đi học Lớp Báo chí khóa VIII, tại Trường Tuyên huấn Trung ương 3 có trụ sở ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này tôi đã nhập ngũ vào Sư đoàn 372 Không quân, đóng quân ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thỉnh thoảng, ngày nghỉ chủ nhật, lúc thì anh đi một mình, lúc cùng anh Đường Trung Tính từ Thủ Đức, cách gần 30 cây số, đến thăm tôi ở đơn vị. Sau này, tôi chuyển lên làm tờ tin cho Sư đoàn 372 và ra Hà Nội tham gia Trại viết hồi ký về các anh hùng không quân thì không có điều kiện gặp anh trong một thời gian dài. Sau này tôi về công tác tại Báo Kon Tum thì được ở gần anh cho đến nay.
|
Làm Báo Gia Lai-Kon Tum, Lê Văn Thiềng đi nhiều đến với đồng bào ở vùng sâu vùng xa. Anh phát hiện đề tài rất hay; viết nhanh, viết sâu, viết nhiều, có nhiều bài được bạn đọc đánh giá cao. Từ phóng viên mẫn cán, xuất sắc đi lên, anh trở thành Phó phòng rồi Trưởng phòng Phóng viên, có giai đoạn làm Bí thư Chi bộ cơ quan Báo Gia Lai-Kon Tum.
Ngày ngày, anh đi khắp đó đây, khi tựa mình vào gốc cây nhìn bầy chim kơ tia bay trên những vòm cây cao, khi theo lũ con nít đi câu cua trong hốc đá ven suối. Có những lúc anh băng mình qua những cánh rừng rậm rạp trên con đường mòn từ làng này sang làng khác, đến khu rừng “ma” xem những bức tượng gỗ cũ kỹ, xiêu vẹo bên các ngôi mộ hoang hay lội ven bờ suối dưới hàng cành le ken dày. Rồi anh vào làng, cùng cán bộ vận động quần chúng tham gia các phong trào: Khai hoang, làm thủy lợi, xây dựng cánh đồng cấy lúa hai vụ; xây dựng đời sống văn hóa; đấu tranh giải quyết vấn đề Fulro; rồi cùng uống rượu ghè, nắm tay các cô gái trong đêm xoang; say mê đến ngẩn ngơ trước tiếng kèn đing nam, t’rưng, tiếng chinh chiêng và đắm đuối như bị hớp hồn trước những bài kể khan của già làng...
Cuối năm 1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum tách ra thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, anh được điều lên Kon Tum với cương vị Phó tổng Biên tập và sau khoảng 2 năm (tháng 10/1993) anh được bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Kon Tum.
Những năm đầu của một tỉnh mới chia tách, thiếu thốn đủ bề, trong đó đội ngũ phóng viên của Báo Kon Tum còn quá ít, thiếu lực lượng, thiếu bài vở, anh vừa làm công tác quản lý, biên tập vừa tham gia tác nghiệp viết tin bài để cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Tháng 6/2004, được sự thống nhất của Tỉnh ủy Kon Tum, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa anh về cơ quan Trung ương Hội và được giao nhiệm vụ quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận; đến hết tháng 10/2006, anh được phân công giữ cương vị Trưởng Ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam cho đến trước ngày nghỉ hưu (1/8/2014).
Bên cạnh làm báo, Lê Văn Thiềng còn là một nhà văn. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều tác phẩm văn học đã xuất bản, nổi bật với tiểu thuyết Bình minh Cheo Reo, Đổi phận, Dấn thân, truyện ký Thư ký tình nguyện, 2 tập thơ: Tiếng vọng thời gian và Bay trong thời gian.
Năm 2015, anh được Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp báo chí.
Hiện nay, sau ngày nghỉ hưu, anh vẫn tiếp tục làm phóng viên Báo Người cao tuổi thường trú ở 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, quyết chí vươn lên, để rồi trở thành một nhà báo, nhà văn; cả cuộc đời gắn bó với cây bút, trang giấy; sống trong sáng, giản dị, nhà báo Lê Văn Thiềng xứng đáng được nhận tấm Huân chương cao quý đó.
Hoàng Đăng Du