Chuyện trước Ngày hội đại đoàn kết

06/11/2023 13:05

Một bạn thanh niên trong thôn bất ngờ hỏi tôi rằng: Ý nghĩa của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là gì? Là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc- tôi đã trả lời như vậy. Nhưng câu chuyện tiếp theo làm tôi giật mình.

Mấy ngày nay, các “chức sắc” thôn tôi, như bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận bận tíu tít chuẩn bị cho Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay.

Đây là hoạt động được duy trì từ nhiều năm qua mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (ngày 18/11).

Không chỉ vậy từ mấy ngày nay, đoàn viên trong thôn hò nhau dọn dẹp đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, khơi thông cống thoát nước. Ai cũng có phần việc của mình.

Và tôi tin chắc rằng, không khí ấy hiện cũng đang hiện diện ở nhiều thôn, làng, khu dân cư khác. Bởi Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư đã thực sự trở thành một ngày vui chung, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đội chiêng chuẩn bị cho Ngày hội. Ảnh: T.H

 

Với nhiều hoạt động phong phú, Ngày hội đã góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần thôn quê thêm khởi sắc, tăng thêm tình đoàn kết, hiểu biết, tương trợ lẫn nhau, qua đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Vấn đề nhiều người bàn nhất là làm sao để phần lễ của Ngày hội được tổ chức trang trọng, thể hiện tính nghiêm túc; phần hội thì làm gì để tạo không khí sôi nổi, nhưng không kém phần thân mật, đoàn kết. 

Văn nghệ thì hẳn rồi, có nên tổ chức các trò chơi dân gian không? Có tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” không? Rồi chuyện trang trí nơi tổ chức Ngày hội, treo băng rôn, làm cổng chào và lễ đài. Mọi việc cứ bộn bề.

Tranh thủ ngày nghỉ, tôi cũng tham gia cùng các bạn thanh niên dọn dẹp vệ sinh trong xóm.

Trong khi mọi người đang lao động khá vui vẻ, nhiệt tình, cậu bí thư chi đoàn thôn chợt hỏi tôi rằng: Theo chú, ý nghĩa của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là gì.

Tất nhiên là tôi có thể diễn giải rằng, đây là sự kiện nhằm tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận và khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.

Đây cũng là dịp để người dân đánh giá kết quả tự quản của cộng đồng; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với việc ghi nhận, biểu dương các cá nhân, các hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư.

Nhưng tôi e như thế sẽ quá dài đối với yêu cầu của bạn thanh niên, nên sau khi suy nghĩ, tôi đã chọn phương án ngắn gọn nhất.

Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt từ sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Ảnh: TH

 

Đây là một đợt sinh hoạt chính trị, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; góp phần động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương, dòng họ, là biểu hiện sinh động của lòng dân, có tác dụng quan trọng trong tăng cường sự gắn bó tình làng, nghĩa xóm.

Và tôi lấy làm hài lòng với câu trả lời súc tích ấy!

Tôi để ý cậu ta có vẻ suy nghĩ, và dường như muốn nói gì đó. “Cứ nói lên suy nghĩ của mình, nếu cháu muốn”- tôi  động viên.

Cháu nghĩ, ý nghĩa của Ngày hội thì đúng là như vậy. Nhưng cách tổ chức thì có phần chưa ổn đấy ạ- cậu nói.

Nói rõ thêm xem nào- tôi khích lệ.

Như “gãi đúng chỗ ngứa”, cậu ta chia sẻ: Ở nơi khác thì cháu không biết, nên chỉ lấy ví dụ ở thôn ta thôi. Cháu thấy, nội dung phần lễ thì còn đơn điệu và hình thức, có cảm giác đi vào lối mòn, bởi vẫn là thời gian dành cho báo cáo dài lê thê. Nhiều người trong thôn vắng mặt, nếu có đi thì cũng ngồi tý rồi về.

Hôm trước, Đoàn thanh niên có đề nghị nên tổ chức các trò chơi dân gian, nếu không thì tổ chức giao lưu bóng chuyền với thôn bạn, nhưng bị gạt đi, với lý do thiếu kinh phí và lo “không kham nổi”, thay vào đó vẫn là bữa liên hoan thuần túy.

Hóa ra, các bạn trẻ cũng đang trăn trở chuyện này. Đúng là tôi cũng có những băn khoăn về nội dung và công tác tổ chức. Ấy là sao mọi khâu cứ thấy… giông giống Ngày hội mọi năm chứ chưa có sự đổi mới.

Vậy, theo ý kiến của Đoàn thanh niên, để Ngày hội đại đoàn kết của thôn thực sự có ý nghĩa, thu hút được đông đảo người dân tham gia thì nên làm thế nào? Tôi tò mò hỏi lại.

Cậu bí thư chi đoàn sôi nổi hẳn: Cháu nghĩ, phần lễ nên đổi mới theo hướng ngắn gọn nhưng trang trọng, nêu bật ý nghĩa của ngày thành lập MTTQ Việt Nam, đánh giá rõ những việc đã làm được và chưa làm được trong năm qua của thôn mình.

Có phần biểu dương gia đình lao động sản xuất giỏi, nuôi dạy con cái thành đạt, các cụ tuổi cao gương sáng, các cháu học tập giỏi; nhắc nhở những gia đình chưa thực hiện tốt những quy ước và phong trào chung của xóm, qua đó động viên khắc phục, sửa chữa.

Để tăng thêm sự hấp dẫn cho Ngày hội, ngoài các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, nên tổ chức giao lưu thi đấu bóng đá, bóng chuyền với thôn bạn hoặc tổ chức một số trò chơi dân gian phù hợp để tạo không khí vui tươi phấn khởi trong ngày hội, tránh tình trạng bà con đến, ngồi nghe diễn văn, ăn uống rồi… về.

Vì Ngày hội năm nay đã cận kề, nên tôi chia sẻ sự đồng tình của mình với cậu bí thư chi đoàn thôn, và hứa sẽ ủng hộ các ý tưởng trên khi chuẩn bị cho Ngày hội năm sau.

Mới đây, tôi nghe thông tin ban quản lý thôn đang lấy ý kiến nhân dân về việc không tổ chức liên hoan, phần kinh phí ấy sẽ dùng để trao học bổng cho học sinh nghèo và hỗ trợ gia đình khó khăn trong thôn. 

Hiện đang có những ý kiến trái chiều, và có thể không kịp thực hiện. Nhưng rõ ràng, đó cũng là một dấu hiệu cho thấy cần có những thay đổi!

Thành Hưng

Chuyên mục khác