Chuyện ống cống bị tắc

28/05/2019 13:01

Tôi chợt nghĩ, có lẽ việc cống thoát nước ở xóm tôi bị tắc lại là một chuyện hay, ít nhất nó cũng làm cho cư dân trong xóm hiểu được tác hại của việc xả rác bừa bãi. Và kể từ đó, xóm tôi chấm dứt hẳn việc làm không hay này...

Mấy ngày nay xóm tôi cứ náo loạn cả lên, chỉ vì ống cống thoát nước của con hẻm bê tông bị tắc.

Hàng ngày, dòng nước thải từ các hộ gia đình tràn cả ra đường, mùi hôi bốc lên nồng nặc dưới nắng nóng gay gắt khiến chị em cứ cuống quýt cả lên. Cánh đàn ông thì bàn ra tán vào, có anh đề xuất tìm cách thông đường cống. Tất nhiên là ý kiến của anh được mọi người trong xóm hưởng ứng ngay.

Nói là làm. Ngay trong buổi chiều, cánh đàn ông loay hoay lật từng tấm đanh lót mặt cống để truy tìm "thủ phạm", xử lý tình trạng tắc cống. Nhưng ngay từ tấm đanh đầu tiên, cả nhóm đã phải giật mình vì rác ngập dưới cống, từng búi nilon lấp kín lưới chắn rác.

Viễn cảnh phải nạo vét toàn bộ đường cống thoát nước dài mấy trăm mét khiến cánh đàn ông xanh mặt. Sau một hồi bàn bạc, cuối cùng cả nhóm quyết định nhờ đến công nhân môi trường.

Dù có kỹ thuật, phương tiện và kinh nghiệm, các công nhân môi trường cũng phải mất tới 2 ngày để hoàn thành công việc. Và kết quả sau đó là cả một núi rác, đất cát được nạo vét lên. Tôi có cảm giác, mỗi lần đi qua, nhìn những lưng áo xanh công nhân ướt đẫm mồ hôi, nhìn những đống túi nilon được lôi lên từ cống thoát nước, chị em đều có vẻ xấu hổ...

Rõ ràng những bì rác, những túi nilon kia là thủ phạm gây tắc đường cống thoát nước.

Thật khó để đưa ra số liệu cụ thể về những tuyến đường, con hẻm có hệ thống mương, cống thoát nước bị tắc mà rác là... thủ phạm như con hẻm xóm tôi, nhưng tôi tin chắc là không ít, nhất là khi người dân vẫn "trung thành" với túi nilon. Dạo một vòng qua các siêu thị và chợ, có thể thấy một người xách hai ba túi nilon là chuyện bình thường.

Chưa cần bàn đến chuyện phải biết phân loại rác, phải biết hạn chế những loại vật liệu khó phân hủy hay tái chế sử dụng rác thải, chỉ cần nhìn đống rác thải chất dưới gốc cây, trụ điện cũng để hình dung đến một thực tế đáng lo ngại: Chỉ một cơn mưa, bên trong những đường cống thoát nước hẳn sẽ có rất nhiều túi nilon xanh đỏ.

Để rồi, sau mỗi cơn mưa, ta lại thấy công nhân vệ sinh hì hục đi thông cống, dọn dẹp rác…

Cho đến nay, thành phố Kon Tum vẫn đang đau đầu giải quyết vấn đề đường ngập khi có mưa lớn, và một trong những lý do chính là vì đường cống thoát nước bị tắc khiến nước không kịp thoát.

Lúc này, người ta lại bắt đầu đổ lỗi cho hệ thống thoát nước kém, thiếu đồng bộ; đổ lỗi cho chính quyền địa phương thiếu quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị; đổ lỗi cho công nhân môi trường đô thị không nạo vét kịp thời. Nhưng có ai tự hỏi lại: Liệu có phải đường cống thoát nước bị tắc một phần là do chai nước, hay cái túi ni lông, bì rác mình vừa quăng xuống đường, xuống cống không? Mỗi người một ít, “tích tiểu thành đại”, nhiều người cùng xả rác bừa bãi ra đường, thậm chí ném xuống hệ thống cống nước lâu ngày làm cho các cống nước bị tắc nghẽn là điều khó tránh khỏi.

Theo ước tính của Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum, trung bình hàng năm, đơn vị thực hiện nạo vét hơn 20km mương, rãnh thoát nước; nạo vét và vận chuyển hàng nghìn mét khối rác, bùn... Để hoàn thành khối lượng công việc này, đội ngũ công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị đã phải chủ động lên kế hoạch nạo vét hệ thống thoát nước, dồn lực lượng triển khai từ tháng 3 hàng năm.

Công nhân môi trường đô thị nạo vét hệ thống thoát nước đô thị. Ảnh: HL

 

"Nhiệm vụ được ưu tiên trước mùa mưa bão hàng năm là duy tu, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương, cống thoát nước, hố ga, nhất là các điểm thường xảy ra ngập úng nhằm không để xảy ra ngập úng trên diện rộng; kiềm chế, thu hẹp dần ngập úng cục bộ; tăng cường kiểm tra thay thế tấm đan các hố ga để bảo đảm an toàn" - ông Phạm Văn Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cho biết.

Điều khiến những người làm công tác bảo vệ môi trường như ông Phạm Văn Hải lo lắng là tình trạng xả rác bừa bãi trên đường phố vẫn còn phổ biến. "Ở nhiều tuyến phố, công nhân vừa quét dọn xong, người dân lại ném ngay rác ra đường. Nhiều nơi, người dân không bỏ rác vào thùng đặt sẵn mà "hô biến" gốc cây, trụ điện trở thành điểm tập kết rác, đồng thời vứt rác bất cứ thời gian nào trong ngày; nhiều tuyến đường phổ biến tình trạng người dân tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè, thậm chí ngay dưới lòng đường"- ông Phạm Văn Hải phàn nàn

Hậu quả là khi có mưa, nước mưa cuốn trôi rác, cát sỏi lấp kín các điểm thu nước hoặc lưới chắn rác, gây bồi lấp lòng cống, nước không thoát được, gây ngập úng.

Vì vậy, ông Phạm Văn Hải kiến nghị, đã đến lúc cần quan tâm hơn đến việc giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ, sử dụng hệ thống thoát nước đô thị.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, thành phố Kon Tum đang dần được đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ hơn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ thì chỉ có sự nỗ lực của đơn vị chức năng là chưa đủ, mà cần có sự phối hợp tích cực của các ngành, địa phương, đơn vị, nhất là trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không xả rác xuống hệ thống cống rãnh, kênh mương; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, gây tắc nghẽn dòng chảy; làm hư hại và ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước...

Và tôi chợt nghĩ, có lẽ việc cống thoát nước ở xóm tôi bị tắc lại là một chuyện hay, ít nhất nó cũng làm cho cư dân trong xóm hiểu được tác hại của việc xả rác bừa bãi, từ đó chấm dứt hẳn việc làm không hay này.

Công ty Môi trường đô thị đã thông báo thời gian đưa rác thải sinh hoạt ra vỉa hè. Theo đó, thời gian các hộ gia đình đưa rác ra vỉa hè hàng ngày là từ 17 giờ 00 đến 20 giờ 30 phút. Ðây là việc làm nhằm duy trì vỉa hè, đường phố luôn luôn sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi. UBND các phường cũng chỉ đạo các tổ dân phố hướng dẫn, nhắc nhở tất cả các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn, chỉ được đưa rác ra vỉa hè trong khoảng thời gian quy định trên... HL

Hồng Lam

 

 

Chuyên mục khác