02/11/2018 17:12
Sau ngày 18/7/1977, khi Hiệp ước Hoạch định Biên giới quốc gia giữa 2 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào được ký kết, người dân Đăk Ba từ chỗ li tán trong những năm chiến tranh chống Mỹ lại thêm xa cách, bởi nhiều người còn mang quốc tịch khác nhau giữa 2 quốc gia.
Ông A Bây cho biết, ngày đó, thậm chí, có những trường hợp, trong cùng một gia đình, dòng họ nhưng lại mang quốc tịch khác nhau. Điều này đã gây ra không ít phiền toái trong sinh hoạt, thăm thân. Chưa kể đến chuyện nam, nữ từ thôn này qua thôn kia để thăm nom người thân, rồi tình cờ gặp gỡ, nảy sinh tình cảm, dẫn đến tình trạng kết hôn không giá thú, con cái sinh ra không đăng ký giấy khai sinh, hộ tịch, quốc tịch... Chính những khó khăn ấy mà nhiều người dân phía làng Đăk Ba của nước bạn rất muốn được nhập tịch Việt Nam để có thể ổn định cuộc sống, quan tâm, chăm sóc người thân của mình thuận lợi hơn.
|
Hiểu được tâm tư và nguyện vọng của những người dân vùng biên giới, Đảng, Nhà nước, Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào đã thống nhất việc giải quyết tình hình dân di cư tự do và việc kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới của hai nước.
Chủ trương người dân di cư tự do ở vùng biên giới Việt Nam - Lào được giải quyết theo hướng nhập quốc tịch, hợp thức hóa cho những người di cư trước năm 1985 và những người di cư từ sau năm 1985 đến nay, nếu họ có gia đình sinh sống ổn định và tôn trọng luật pháp tại nước sở tại.
Hiện tại, thôn Đăk Ba, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi có tổng cộng 144 hộ gia đình. Từ năm 2012, chính quyền địa phương đã tiến hành nhập tịch cho 61 hộ gia đình (trên 300 khẩu) từ thôn Đăk Ba, cụm bản Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) về đây sinh sống.
Để hiện thực hóa mong muốn nhập tịch của người dân, chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống tận nơi để khảo sát, thống kê, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ bà con làm thủ tục hồ sơ xin đăng kí hộ tịch, quốc tịch Việt Nam, theo hướng đơn giản hóa thủ tục và miễn một số điều kiện đã được pháp luật quy định về hộ tịch, quốc tịch.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cùng với Bộ đội Biên phòng còn thường xuyên thăm hỏi, chăm lo đời sống của các hộ dân, giải thích các quy định pháp luật để bà con hiểu rõ, nắm vững.
Chỉ trong vòng 6 năm (từ năm 2012 đến nay), đời sống của các hộ dân nhập tịch đã có nhiều chuyển biến. Từ những người di cư tự do giữa 2 bên biên giới, đến nay, cuộc sống của bà con đã an cư và phát triển hơn.
Vợ chồng anh A Trôi và chị Y Sái - hộ gia đình nhập cư từ thôn Đăk Ba, cụm bản Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông là một điển hình.
“Từ khi được nhập tịch, vợ chồng tôi yên tâm chăm lo cho cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Đến nay, gia đình đã trồng được 3ha bời lời, hơn 1ha mì, 3 sào lúa nước, nhận khoán 1ha cao su của nông trường và chăn nuôi 5 con bò. Cách đây 2 năm, chúng tôi đã đủ tiền để xây dựng căn nhà xây khang trang với kinh phí trên 700 triệu đồng” - anh A Trôi cho biết.
Điều khiến anh A Trôi và chị Y Sái phấn khởi hơn là sau khi nhập tịch, 2 đứa con của anh chị đã có quốc tịch và giấy tờ nhân thân đầy đủ, các cháu có thể an tâm đến trường mà không còn phải lo lắng vì vướng víu giấy tờ như trước đây.
Nhìn thấy cuộc sống của bà con dân làng Đăk Ba ổn định, mọi người sống trong tình yêu thương, chan hòa; đời sống kinh tế ngày một khấm khá, Thôn trưởng A Bây vui lắm. Trước khi chia tay chúng tôi, ông không quên gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng đã tận tình giúp đỡ để bà con dân làng Đăk Ba có cuộc sống tốt đẹp như hôm nay.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để xây dựng làng quê ngày một phát triển phát triển, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp” - ông A Bây nói.
Bài, ảnh: Tất Thành