Chuyện những công nhân bám đường

02/08/2017 07:01

​Quanh năm ngày tháng, bất kể ngày mưa rét lạnh, ngày hè nắng nóng, những công nhân làm đường vẫn lặng lẽ đi dọc theo chiều dài cung đường kiểm tra từng lý trình. Đặc biệt là mùa mưa lũ, khi bị sạt lở, họ cũng đều phải chạy đua với thời gian, khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất, để đảm bảo cho các tuyến đường luôn thông suốt.

Trên địa bàn tỉnh, hiện nay có 3.954km đường giao thông. Trong đó, quốc lộ đi qua địa bàn có tổng chiều dài là 495km; tỉnh lộ gồm 11 tuyến với tổng chiều dài 404km; đường huyện có tổng chiều dài 697km; đường đô thị có tổng chiều dài 391km và đường xã, đường chuyên dùng có tổng chiều dài 1.532km và hai tuyến đường tuần tra biên giới với tổng chiều dài 435km.

Việc sửa chữa và duy tu các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ trong tỉnh do Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Kon Tum và Công ty CP Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum thực hiện.

Công ty CP Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum xây dựng cầu Ngô Trang. Ảnh:D.L

 

Khi biết tôi có ý định viết về những người công nhân làm đường, ông Lê Minh Tuân - Chi cục trưởng Chi cục III.4  thuộc Cục Quản lý đường bộ III tỏ vẻ hào hứng. Ông nói rất cần có những bài viết chân tình về những công nhân đang từng ngày tận tụy bám từng ki lô mét đường trên khắp các vùng Tây Nguyên, bởi hạ tầng giao thông Tây Nguyên chưa đồng bộ, nhiều địa bàn đi lại còn nhiều gian nan, vất vả.

Hiện Chi cục III.4 quản lý 600km đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn đoạn qua hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Để đảm bảo đường luôn thông tuyến, hàng ngày cán bộ, công nhân viên Chi cục phải đi kiểm tra đường, bảo vệ hành lang tuyến.

Công việc trong mỗi lần đi kiểm tra cũng rất phức tạp không thể qua loa đại khái. Người cán bộ kiểm tra kiểm tra rất kỹ lưỡng các vị trí dễ sạt lở hay các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn giao thông. Dù đơn vị chỉ làm nhiệm vụ quản lý, nhưng khi phải xử lý sạt lở hay duy tu thì hợp đồng với Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Kon Tum hay Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Gia Lai.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề sửa chữa đường, ông Phan Văn Thành - Hạt trưởng Hạt quản lý Quốc lộ 40 và Quốc lộ 14C nhớ như in những ngày tháng gian nan vất vả với nghề. Với ông, việc băng rừng, xẻ núi sửa đường sau mưa bão, lũ lụt là chuyện thường ngày. Mọi việc phải thật khẩn trương để thông đường càng nhanh càng tốt. Trong đợt mưa lũ vừa rồi, anh em phải túc trực ngày đêm trên những cung đường để đảm bảo giao thông.

Chị Phạm Thị Thanh Hương thuộc Công ty CP Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum tâm sự: Mặc dù nữ công nhân làm đường vẫn đeo găng tay, nhưng đôi bàn tay lúc nào cũng chai sạn vì suốt ngày cuốc, cào. Dẫu biết nghề làm đường gian nan vất vả, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên ai đã chọn thì phải chấp nhận và gắn bó với nghề. Những người làm công việc này thường nhìn già hơn so với tuổi của họ, sức khỏe cũng giảm sút nhanh chóng.

Công nhân làm đường là một nghề rất vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu. Ngành đường bộ trong những năm qua đã có sự thay đổi đáng kể. Máy móc thiết bị hiện đại trong xây dựng, sửa chữa cầu đường đã giải phóng dần sức lao động cho những công nhân. Tuy vậy, việc sửa chữa, duy tu cầu đường luôn phải làm giữa trời nắng gắt, nhiệt độ nhựa đường lên đến 120-130oC, rất dễ làm công nhân mất sức, có người ngất xỉu do say nắng. Mùa mưa hay xảy ra sự cố do trơn trượt, sạt lở làm hư hỏng cầu đường, công nhân cầu đường phải khắc phục kịp thời, bất kể thời tiết...

Những khó khăn của người thợ làm đường không chỉ dừng lại ở đó, nhiều đoạn đường hoang vắng, xa khu dân cư, cuộc sống của họ tập trung trong lán trại tạm bợ. Nghề của những công nhân cầu đường là thế - những con người lặng lẽ đang ngày đêm góp phần sức lực của mình để giữ vững huyết mạch giao thông.

Dương Lê

Chuyên mục khác