Chuyện kể sau đêm rằm

02/10/2023 06:06

Sau những ngày tưng bừng, Tết Trung thu, với náo nức lân và rực rỡ đèn, cùng thơm tho bánh trái, cũng qua đi. Dù vậy, chủ đề Trung thu vẫn còn được kể nhiều trong câu chuyện hàng ngày. Xen lẫn chuyện vui, có nhiều lời phàn nàn rằng mệt vì… lân.

Trung thu đến. Tiếng reo vui náo nức ấy luôn đi liền với nhịp trống lân rộn ràng- một “món ăn tinh thần” không thể thiếu, ngoài đèn lồng xanh đỏ, bánh trung thu ngon ngọt.

Trước đêm rằm Trung thu cả tuần, trên đường phố đã xuất hiện những nhóm, những đội múa lân. Riêng tiếng trống thì đã có từ cuối tháng Bảy âm lịch, bởi khi ấy, các đội lân, từ chuyên nghiệp đến không chuyên, từ “lân thanh niên” đến “lân trẻ em”, đều đang tích cực tập luyện để trổ tài, để thi thố trong vài ba đêm, nhất là đêm rằm.

Một đội lân tập luyện tiết mục khó. Ảnh: TH

 

Những ngày cận rằm, đường phố trở nên tấp nập, chật chội. Người xe chen nhau, chở con chạy theo những đoàn lân. Các ngã tư chật kín người mỗi khi có đoàn lân nào đó dựng thang trổ tài. 

Tôi đã từng làm một cuộc khảo sát nho nhỏ thú vị với nhiều người, gồm đủ lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Câu hỏi là: Nếu như Trung thu không có lân thì có vui không?

Và không hề bất ngờ khi tất cả đều có chung câu trả lời: Trung thu sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu vắng đi tiếng trống rộn rã và những chú lân trang trí đẹp mắt với những điệu múa khỏe khoắn, vui nhộn trên đường phố, ngõ làng.

Kể chuyện này để thấy rằng, dù xã hội ngày nay phát triển, đã có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới được tổ chức dịp Tết Trung thu, nhưng múa lân vẫn thu hút được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Nói một cách “sách vở” thì múa lân trong dịp Trung thu không chỉ là một môn nghệ thuật dân gian, mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng và tài lộc. Ba con giáp trong múa lân gồm Lân – Sư – Rồng, tượng trưng cho sự tốt lành, hạnh phúc và thịnh vượng.

Còn nôm na thì múa lân vào dịp Tết Trung thu là một niềm vui của trẻ thơ, một phần kí ức tuyệt đẹp của bất cứ ai trong chúng ta, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, vùng miền. Những ngày rằm tháng Tám, cùng lồng đèn nhiều màu sắc, bánh trái thơm ngon thì tiếng trống và con lân đem lại niềm vui cho con trẻ và cả người lớn.

Nên tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe được lời phàn nàn rằng Tết Trung thu có nhiều cái đẹp, cái hay, nhưng cũng có cái mệt, nhất là từ… lân.

Vì sao lại vậy? Tôi ngạc nhiên hỏi.

Hóa ra, phía sau nhịp cắc tùng đầy vui nhộn của trống lân lại có những “biến tướng” gây phiền toái, khiến nhiều gia chủ, đáng lý là vui vẻ vì được con vật tượng trưng cho điềm lành vào nhà, lại trở thành “khổ chủ”.

Bên cạnh những đội lân của từng tổ dân phố, từng làng tự tập luyện để góp vui đêm hội rằm, tạo niềm vui, thích thú cho con trẻ thì có không ít nhóm, đội lân “tự phát” đi “diễu phố” nhằm mục đích… xin tiền.

Đó là những nhóm lân tự phát với đủ các độ tuổi, từ các em nhỏ ở độ tuổi tiểu học, tới độ tuổi 15– 17, thậm chí cả… thanh niên tham gia. Mang theo trống, đầu lân, các nhóm rồng rắn kéo nhau đi trên đường phố, “xông” vào bất cứ nhà nào mở cửa gõ trống, múa may.

Do hình thành tự phát nên đa số thường múa một cách… lung tung, không có bài bản, chỉ cốt đánh trống, khua chiêng sao cho thật ầm ĩ đến khi nào gia chủ “đau đầu” chịu đáp ứng yêu cầu cho tiền mới “rút” đi.

Thông thường, những đội lân có “người lớn” nhắm đến các hộ kinh doanh, buôn bán trên các tuyến đường lớn. Nắm bắt tâm lý của nhiều chủ không muốn ồn ào, phiền toái, nên “lân” cứ chắn trước cửa hoặc xông ào vào nhà, khi chủ nhà vừa cho tiền thì màn múa cũng kết thúc chóng vánh. 

Nhà bạn tôi có quán nhậu trên đường Trần Văn Hai (thành phố Kon Tum). Anh phàn nàn: Mấy ngày nay đến là mệt mỏi vì… lân ông ạ. Cứ khoảng 6 giờ tối trở đi, hết nhóm nhỏ lại đến đội lớn “xông” vào, ngăn cũng không được. Múa thì ít, khua chiêng gõ trống thì nhiều. “Lân” còn đi đến từng bàn của khách để “xin” tiền, làm nhiều khách khó chịu. Không cho tiền thì “lân” không chịu đi, cứ ầm ĩ lên, nhức hết cả đầu.

Cách giải quyết tốt nhất là nhanh chóng cho tiền và “mời lân đi cho”, để còn buôn bán. Sát ngày rằm, nhiều nhóm múa lân quá thì đóng cửa, chở con đi... coi múa lân- anh bạn nhấm nhẳng.

Thế là thành chuyện ngược đời: Lẽ ra phải mất tiền mời lân đến nhà múa lấy may thì nhiều gia đình lại mất tiền để “mời” lân đi.

“Biến tướng” của múa lân không chỉ gây phiền toái, khó chịu cho nhiều người dân, mà còn làm mất thiện cảm đối với một nét đẹp văn hóa dân gian mỗi dịp Trung thu về.

Nhưng như bất cứ ai, tôi cũng tin rằng, đó chỉ vài “chuyện không vui” trong Tết Trung thu mà thôi. Bằng chứng là những chú lân rất đẹp, được đầu tư bài bản vẫn đang biểu diễn “miễn phí” ở các tuyến phố. Người xem vây kín vòng trong, vòng ngoài, vỗ tay liên tục trước những động tác linh hoạt, khi mềm dẻo, ngộ nghĩnh, lúc mạnh mẽ, hung dữ của lân.

Để được nhận những tràng vỗ tay ấy, các đội lân phải trải qua nhiều tháng trời khổ luyện, nhiều người không ít lần bị chấn thương. Với họ, chỉ cần nghe tiếng vỗ tay hay hò reo của các em nhỏ là thấy vui rồi.

Tôi nhớ đến đội lân “nhí” xóm mình. Được mấy chú mấy bác mua cho một cái đầu lân, một cái trống, mặt nạ ông địa, mấy cu cậu hì hụi tập tành, phân công “nhiệm vụ” rồi đi trình diễn cho mọi nhà trong xóm, “lì xì” là những gói bánh, trái táo. Mọi người lớn nhỏ cũng kéo nhau ra xem, động viên, cổ vũ vui đáo để.

Những đội lân ''nhí'' đem lại niềm vui cho trẻ em thôn quê. Ảnh: TH

 

Trong đêm rằm, tôi rất vui khi được mở cổng cho đám trẻ đội cái đầu lân nhỏ, buộc đuôi bằng mảnh vải đỏ, xô vào nhà quơ quơ mấy đường, híp mắt chờ chủ nhà phát quà rồi đi, đạp bẩn hết cả nền nhà.

Mặc kệ những biến tướng bên ngoài!

Thành Hưng

Chuyên mục khác