31/12/2017 08:22
Đẹp như huyền thoại...
Vượt qua một đỗi dốc, khi nhìn thấy mặt hồ Đăk Uy loang loáng xanh là tới thôn 8 (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà). Ngôi nhà cấp 4 của ông Lực nằm ở cuối thôn, bám trục đường liên xã, hiếm khi đóng cổng.
"Mình làm việc làng việc xã, nhiều khi bà con có việc, tìm đến mình mà cửa đóng then cài thì khó coi lắm. Với lại, có 3 đứa con gái đều lấy chồng, ở riêng cả, 2 ông bà già ở với nhau, có người đến chuyện trò càng vui cửa vui nhà"- ông Lực cười rổn rảng.
|
Ở tuổi 70 mà ông còn lanh lẹ, minh mẫn lắm. Tính ông thẳng thắn, bỗ bã nhưng rõ ràng, luôn tận tâm tận lực, dù là việc nhỏ nhất, nên rất có uy tín trong thôn. Chẳng thế mà đợt này đến nhiệm kỳ mới, bà con vẫn tín nhiệm, giới thiệu ông để bầu trưởng thôn, dù ông đã "vác tù và" tròn 20 năm.
Nhưng vợ ông - bà Y Đức - lại muốn ông nghỉ ngơi. Già yếu rồi, cứ mải việc, ăn uống thất thường, đi lại đêm hôm, nhỡ có chuyện gì lại khổ con khổ cháu - bà cằn nhằn.
Ô hay, cằn nhằn nhưng sao ánh mắt bà nhìn ông như đang cười, như động viên, như khích lệ vậy kìa. Còn ông thì nhẹ nhàng nắn đôi bàn tay xương xẩu của bà: Tôi biết rồi, bà cứ yên tâm. Chỉ cần bà khỏe là tôi khỏe.
Ánh mắt đong đầy hạnh phúc của ông bà như đưa tôi trở về khu rừng già thấp thoáng mấy lán trại mấy chục năm trước, khi anh lính trẻ Phạm Công Lực ngượng ngùng cầm tay cô bộ đội Y Đức thủ thỉ: Nhận lời anh nhé...
Tháng 10/1966, kết thúc 3 tháng huấn luyện, chàng tân binh Phạm Công Lực theo đoàn quân đi B thẳng tiến. Sau hơn 1 tháng trời đi bộ ròng rã, đơn vị đến Bộ Tư lệnh B3, và ông được bổ sung về Tỉnh đội Kon Tum, bắt đầu những tháng năm dài dằng dặc luồn rừng lội suối, bám dân, diệt ác, đánh Mỹ, công đồn với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ. Năm 1971, ông bắn cháy 1 xe tăng Mỹ, được Tỉnh đội Kon Tum tặng Bằng khen và danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng…
Cũng trong năm 1971, Phạm Công Lực gặp cô bộ đội Y Đức, quê ở huyện Đăk Glei. Ngay lần gặp đầu tiên, anh lính trẻ đã bị hớp hồn bởi vẻ đẹp dung dị, đằm thắm của người con gái Giẻ Triêng. "Khi ấy, cô mới đi học ở ngoài Bắc vào, được điều về Tỉnh đội Kon Tum, làm Đại đội phó Đại đội vận tải. Cô đẹp lắm, nhất là khi mặc quân phục, nên nhiều anh chàng ngấp nghé"- ông Lực kể.
Như duyên trời, giữa bao nhiêu người theo đuổi, cô gái ấy lại "ưng cái bụng" khi gặp gỡ anh sĩ quan công binh hay đỏ mặt ngượng ngùng mỗi khi đứng gần cô. Rồi một đêm trăng, anh mạnh dạn cầm tay cô ngỏ lời... Được đơn vị, đồng đội vun vào, năm 1974, ông bà tổ chức đám cưới, đúng ngày 1/9.
Hồi ấy, rào cản lớn nhất không phải là vấn đề phong tục tập quán hay ngôn ngữ mà chính là tâm lý e ngại, nghi ngờ của một số người về tính nghiêm túc, sự bền lâu trong tình yêu của cô, chú. Ngay cả mẹ và chú của cô cũng lo ngại "lấy nó rồi, mai mốt hết chiến tranh, nó bỏ về Bắc, lại khổ". Nhưng, như cháu thấy đấy, chú không bỏ "về Bắc", mà còn gắn bó gần trọn cuộc đời với đất này, rồi còn đón bố mẹ, anh em vào nữa - ông Lực hóm hỉnh.
Cuối năm 1976, ông Lực kết thúc đời binh nghiệp của mình. Khác với nhiều người, thường trở lại quê hương sau nhiều năm chinh chiến, ông cất ba lô, quyết định ở lại ngay vùng đất nhiều kỷ niệm để lập nghiệp. Cứ thế, ngày nối ngày, năm tiếp năm, ông bà dắt tay nhau đi, cho đến hôm nay, viết nên chuyện tình huyền thoại...
Và từ đó đến nay, không ai có thể phủ nhận những đóng góp của ông với thôn 8 nói riêng, xã Đăk Ui nói chung trong việc vun đắp cho cội cây đoàn kết các dân tộc ngày càng sâu rễ bền gốc...
"Làng đoàn kết" hôm nay...
Thôn 8 ngày nay nằm trên một con dốc nhỏ, ở cái khoảng nghiêng nghiêng, van vát giữa đồi và hồ Đăk Ui. Thế hệ cao niên trong làng, khi ngồi với nhau, vẫn thường lấy làm đắc ý về cái thế đứng “gối sơn đạp thủy” ấy. Sẽ vượng lắm đây... Yên bình, trù phú, "làng đoàn kết" hiện rõ sự "có của ăn của để". Và đúng như vậy, thôn có tròn 200 hộ thì chỉ còn 13 hộ nghèo, không còn hộ đói.
Nhưng những ngày đầu "lập làng" thì chỉ có 18 gia đình, ngoài vợ chồng ông Phạm Công Lực còn có 17 gia đình cựu binh khác cùng gia nhập vào cái khoảng nghiêng nghiêng, van vát giữa núi đồi và hồ Đăk Ui ấy. Và thật đặc biệt, cả 18 gia đình đều là "gia đình đoàn kết" - như cách gọi của ông Lực. Tất cả đều là bạn chiến đấu, người lấy vợ Giẻ Triêng, người lấy vợ Xơ Đăng, Ba Na.
Giữa núi rừng, 18 gia đình chia nhau mấy căn lán, vốn trước là trại thu dung. Với ý chí, nghị lực của người lính được tôi luyện qua lửa đạn và đức tính chăm chỉ, siêng năng, họ vỡ đất trồng lúa, bắp, mì, trong cuộc sống yêu thương, đùm bọc nhau thật lòng. Đàn ông chặt cây rừng, phát lau lách, gieo hạt; đàn bà, trẻ nhỏ tìm rau rừng, củ mài, nuôi heo, nuôi gà… Tối đến, bên bếp lửa, mọi người quây quần ăn uống, kể chuyện.
Và tình cảm keo sơn, gắn bó giữa các gia đình được bồi đắp nên từ những ngày tháng gian khó ấy. Cho đến tận bây giờ, ông Phạm Công Lực vẫn có thể kể vanh vách họ tên, ngày tháng năm sinh của vợ chồng, tên con cái của từng nhà. "Trong 18 người ban đầu đã có 3 người về với ông bà tổ tiên. Những người còn sống vẫn gắn bó như cũ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, thăm nom lẫn nhau, tình cảm như bát nước đầy"- ông Lực rưng rưng.
Dần dần, cuộc sống khá hơn, các gia đình mới rời khỏi lán cũ, làm nhà ở riêng. Trải qua năm tháng, từ 18 hộ gia đình ban đầu, vùng đất bên hồ Đăk Ui dần trở nên đông đúc. Cũng không ai biết, cái tên được số hóa - thôn 8 - bị "vô tình" quên từ bao giờ, thay vào đó, người ta gọi là "làng đoàn kết".
Nhưng có một điều mà nhiều người biết, mỗi khi nhắc đến cái tên "làng đoàn kết", người dân trong thôn đều lộ rõ niềm tự hào về truyền thống của thôn. Và hơn thế, họ thể hiện rất rõ sự kính trọng, lòng biết ơn đối với những người có công khai khẩn, dựng làng.
Còn những gia đình "đoàn kết" luôn là những hạt nhân, những gương điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới... Nói không ngoa, sự phát triển của Đăk Ui nói chung và "làng đoàn kết" nói riêng có sự đóng góp không nhỏ của ông Lực và đồng đội. Đặc biệt, họ đóng vai trò tiên phong trong việc vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi, trồng cà phê... Chính vì vậy nên các ông luôn được bà con nể trọng, được chính quyền tin tưởng; hầu hết đều tham gia công tác tại địa phương nhiều năm liền...
|
Còn về chuyện học hành thì khỏi phải bàn. Hầu hết các gia đình “đoàn kết” đều có con học hành đến nơi đến chốn, không đại học cũng cao đẳng hoặc trung cấp; nhiều gia đình có con em đang công tác ở huyện, xã, như con gái ông Phạm Trung Hải (60 năm tuổi Đảng) - bà Y Nảy (50 năm tuổi Đảng) hiện đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà; con trai ông Nguyễn Đình Anh (đã mất) - bà Y Vinh hiện là Phó phòng Y tế huyện; hay con trai ông Trần Đình Minh (45 năm tuổi Đảng) - bà Y Mười hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui...
Chính sự hiếu học và đỗ đạt của con cái các ông đã có tác động lớn đến những gia đình khác, họ đã quan tâm hơn đến chuyện học hành của con cái, không còn bắt chúng bỏ học đi làm rẫy, làm ruộng và hàng năm, tỷ lệ trẻ em đến trường ở thôn 8 luôn đảm bảo 100%...
Câu chuyện với ông Lực cứ thế kéo dài hết buổi sáng, và sau đó, dù đang tất bật chuẩn bị báo cáo cho kỳ bầu trưởng thôn tới đây, ông vẫn dẫn tôi sang nhà ông Trần Đình Minh thăm vợ ông - bà Y Mười - ốm liệt giường từ 4 năm nay. Từ ngoài đường, ông Lực oang oang: Ông Minh ơi, có khách nhé. Ở trong sân, một ông lão cao lớn đang cùng con cháu đóng bao cà phê vồn vã chạy ra, tay bắt mặt mừng. Nhoáng cái, 2 ông già xoắn xuýt chuyện trò, giống như lâu ngày chưa gặp, dù chỉ cách nhà nhau vài ba căn.
Và, như ông Lực lúc trước, ánh mắt ông Minh lại sáng lên khi nghe tôi hỏi về chuyện xưa...!
Thành Hưng