Chuyện ghi ở ngôi trường giữa đại ngàn “Rừng xà nu”

03/11/2018 18:13

​Ở ngôi trường vùng sâu Đăk Choong (huyện Đăk Glei), các thầy, cô giáo và học sinh nơi đây vẫn đang ngày ngày nỗ lực vượt khó để gieo chữ. Nghị lực của thầy trò giữa đại ngàn “Rừng xà nu” khiến chúng tôi cảm nhận sức sống mãnh liệt của những con người nơi đây.

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Đăk Choong - một trong những xã vùng sâu khó khăn của huyện Đăk Glei.

Từ thành phố Kon Tum đến Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Choong (xã Đăk Choong), chúng tôi phải vượt qua khoảng 150km đường với nhiều đoạn đèo uốn lượn.

Nắng gắt bị xua tan, khi xe từ từ thả dốc cả chục cây số qua những cánh rừng xà nu rợp bóng mát lạnh, để đến điểm trường giữa rừng sâu. Ở đây, những giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Choong phải nỗ lực từng ngày để “dạy và dỗ” hơn 400 học sinh người dân tộc Giẻ Triêng vượt khó đến trường.

Trong phòng học lớp 2B, cơn gió rít thổi về cùng cái lạnh 19 độ C, nhiều em học sinh mặc những chiếc áo lạnh mỏng nhưng ánh mắt vẫn trong veo, say sưa đọc theo cô giáo.

Cô Phạm Thị Kim Ngọc (sinh năm 1981) dạy lớp 2B cho biết: Cả lớp có 27 em, trong đó, có 10 em gia đình có sổ hộ nghèo, nhưng khó nhất phải nói đến hoàn cảnh của Y Huyền 7 tuổi, ở làng Kon Brỏi.

Đường vào xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei. Ảnh: P.N

 

Huyền là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Nguồn sống chính của gia đình chỉ dựa vào thu nhập từ vài sào cà phê. Nhà  cách trường hơn 3km nên Y Huyền phải rời nhà từ lúc trời chưa kịp sáng để đến lớp. Dù khó khăn thế nhưng em vẫn đến lớp chuyên cần, đạt học sinh giỏi.

Chính vì nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên mỗi khi lên lớp cô Ngọc đều “thủ” trong cặp 7- 8 cây bút, phòng khi có học sinh nào quên đem bút, không có bút hoặc bút hết mực. Đến cuối ngày cô Ngọc chỉ còn 1 đến 2 cây bút mang về.

Cuối giờ chiều hôm đó, cô Ngọc dẫn tôi đến thăm nhà em Y Ly Quỳnh (7 tuổi) cách trường khoảng 2 km.

Căn nhà xiêu vẹo của gia đình em không có vật gì đáng giá, có lẽ tài sản quý nhất trong nhà là mấy cái nồi bằng nhôm mỏng dính.

Bố mẹ Y Ly Quỳnh đau ốm triền miên. Mọi việc trong nhà em đều tự làm, nhưng không vì thế mà học lực của em giảm sút, ngược lại em luôn được cô giáo chủ nhiệm nêu gương trước lớp là học sinh giỏi mọi mặt.

Sự nghèo khó, hẻo lánh của ngôi trường nằm ở xã vùng sâu Đăk Choong từng khiến không ít giáo viên nhụt chí, bỏ dạy giữa chừng.

Bởi vậy, sự kiên trì gắn bó với “vùng đất khó” để “gieo chữ” cho các em ở không ít thầy cô nơi đây như cô Kim Ngọc, thầy Hồ Sĩ Thọ (sinh năm 1972)… khiến nhiều đồng nghiệp ngưỡng mộ, ngợi khen.

Chính tình yêu nghề là sợi dây giúp họ gắn bó với ngôi trường này hơn mười lăm năm nay.

Cô Ngọc chia sẻ, năm 2002, cô cùng 2 nữ giáo viên khác nhận nhiệm vụ về dạy ở trường này. Thời điểm đó đường đi còn rất khó khăn, phải đi cả ngày mới đến được trường.

Tới nơi, chứng kiến phòng học lợp bằng mái tranh, vách đắp bằng đất, nước lênh láng dưới chân học sinh, các cô nhụt chí. Không lâu sau 2 người bạn của cô Ngọc chuyển đến nơi khác.

Bạn chuyển trường, cô Ngọc cảm thấy buồn và cũng có ý định bỏ việc. Giữa lúc đó, cô Ngọc được thầy Thọ động viên, giúp đỡ trong công việc. Thông qua công việc, tình yêu của họ nảy nở, họ đến với nhau và tình yêu vì thế càng bền chặt hơn.

Sau nhiều năm bám trụ, cô Ngọc có vốn kiến thức tương đối về tập quán, văn hóa của đồng bào địa phương, qua đó giúp ích rất nhiều cho cô trong việc vận động bố mẹ cho con em đến học.

Điều cô Ngọc lo nhất hiện tại là các em được học tiếng Việt ở trên lớp, nhưng khi về nhà chủ yếu nói tiếng của dân tộc mình nên nhiều em học hoài vẫn chưa nói rành tiếng phổ thông.

Cô Y Hải - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Choong cho biết: Tổng học sinh của trường là 460, trong đó có tới 98% là người dân tộc Giẻ Triêng. Trong đó, có 207 em được hưởng chế độ bán trú, tiêu chuẩn mỗi em được hưởng 15kg gạo và được trợ cấp 556 nghìn đồng/tháng. Toàn trường 131 học sinh có sổ hộ nghèo. Ở đây, học sinh không được tiếp cận công nghệ hay học hỏi giao lưu với văn hóa bên ngoài; các em chỉ tiếp cận kiến thức từ các thầy cô trong trường. Hiện trường vẫn chưa có các phòng học Anh văn, Tin học, sân chơi.

“Lâu nay trường mượn 2 phòng của UBND xã cho học sinh bán trú có chỗ nghỉ trưa, chúng tôi còn đang ước mong sắm được một chiếc tivi cho các em được giải trí và phổ biến kiến thức qua phim ảnh, nghe nói xã dự định sắp tới sẽ lấy lại cả 2 phòng này để làm việc. Thỉnh thoảng thầy cô cho học sinh truyện, các em vui mừng lắm. Tất cả sẽ chuyền tay nhau đọc” - Cô Y Hải kể.

Dù còn rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng nghị lực vượt khó của học sinh và sự tận tụy của thầy, cô giáo ở Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Choong đã và đang đưa con chữ sức sống mãnh liệt lan tỏa khắp đại ngàn “rừng xà nu”, hứa hẹn hướng tới tương lai tươi sáng với thế hệ tương lai ở nơi đây…

Phúc Nguyên - Kim Văn

Chuyên mục khác